Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các nền kinh tế APEC

Thứ sáu, 19/05/2017 18:39
(ĐCSVN) - Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và khu vực có nhiều thay đổi sâu sắc, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại nhiều biến đổi về chất không giống bất kỳ cuộc cách mạng công nghiệp nào trước đó. Các nền kinh tế đang hướng đến tăng trưởng kinh tế thông qua đổi mới sáng tạo.

Hình ảnh cuộc thi xây dựng công cụ trực tuyến để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khuôn khổ APEC 2017.
 (Ảnh: P.V) .

Từ khi APEC được thành lập vào năm 1989 đến nay, quan hệ thương mại giữa các nền kinh tế thành viên APEC đã có bước phát triển nhanh chóng và vượt bậc.  Thương mại trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ được ghi nhận đã tăng 6,7 lần với tổng giá trị khoảng 20 nghìn tỷ vào năm 2015; mức thuế trung bình đã giảm đáng kể từ 17% vào năm 1989 xuống 5,6% vào 2014 nhờ tăng cường quan hệ thương mại song phương và đa phương cũng như sự gia tăng của các thỏa thuận thương mại trong và ngoài khu vực.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và khu vực có nhiều thay đổi sâu sắc, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại nhiều biến đổi về chất không giống bất kỳ cuộc cách mạng công nghiệp nào trước đó, các nền kinh tế đang hướng đến tăng trưởng kinh tế thông qua đổi mới sáng tạo.

Một điều đáng lưu ý là đổi mới sáng tạo không chỉ  liên quan đến các yếu tố công nghệ mà còn gồm các các yếu tố phi công nghệ, có mối quan hệ chặt chẽ với một loạt các lĩnh vực bao trùm và phức tạp như: Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thị trường tài chính, hệ thống giáo dục, nghiên cứu và phát triển (R&D), hệ thống pháp luật, sở hữu trí tuệ, thuế...  Với tính chất phức tạp và bao trùm như vậy, thương mại được coi là một trong những nhân tố thúc đẩy quan trọng giúp định hình chính sách và chiến lược về đổi mới sáng tạo của nền kinh tế. Ngược lại, thương mại nói chung, thương mại hóa các đổi mới sáng tạo nói riêng cũng góp phần tăng cường quan hệ thương mại giữa các nền kinh tế trong khu vực.

Tuy nhiên, ngoài các cơ hội mà đổi mới sáng tạo mang lại, chúng ta cần nhận thức được các khó khăn, thách thức tiềm ẩn. Đó có thể là sự gia tăng khoảng cách giữa các nền kinh tế phát triển và kém phát triển, khoảng cách giàu nghèo, bất công và bất ổn xã hội, bóp méo thị trường lao động,...

Nhận thức được cơ hội và thách thức mà đổi mới sáng tạo mang lại, các thành viên APEC đã nỗ lực hết mình theo đuổi đổi mới sáng tạo nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững và sáng tạo. Năm 2014, các Nhà Lãnh đạo APEC đã ra Tuyên bố APEC về Phát triển sáng tạo, cải cách và tăng trưởng kinh tế, trong đó nhấn mạnh: Phát triển sáng tạo thông qua thúc đẩy hợp tác về khoa học và đổi mới sáng tạo; tạo thuận lợi chuyển giao, phổ biến và thương mại hóa công nghệ; thúc đẩy sử dụng và thương mại hóa sở hữu trí tuệ, đảm bảo thực thi luật về quyền sở hữu trí tuệ; cải thiện môi trường đổi mới sáng tạo... Chiến lược APEC 2015 về Củng cố tăng trưởng chất lượng một lần nữa tái khẳng định đổi mới sáng tạo là một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế trong khu vực.

Để hiện thực hóa cam kết này, các nền kinh tế cần tạo thuận lợi cho dòng chảy tự do của vốn, con người, ý tưởng, công nghệ, hàng hóa và dịch vụ xuyên biên giới theo cách thúc đẩy cạnh tranh. Ngoài các chính sách và chiến lược về  thương mại và đầu tư, các chính phủ cũng cần phải xây dựng các nguyên tắc cốt lõi về chính sách đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Ngược lại, dựa trên chính sách của chính phủ, doanh nghiệp có thể huy động tối đa các nguồn lực nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Hiện nay, khái niệm về chuỗi cung ứng ngày càng trở nên phổ biến trong thương mại quốc tế thời gian gần đây. Khi tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng càng sâu sắc hơn, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các doanh nghiệp trong các công đoạn sản xuất và cung cấp dịch vụ ngày càng lớn trong cùng một chuỗi cung ứng.  Vì vậy, việc phát triển các chuỗi cung ứng hiệu quả có vai trò đặc biệt quan trọng trong thương mại quốc tế, khi chúng giúp giảm sự mất cân đối về thông tin giữa các khâu, giảm chi phí giao dịch, cũng như gia tăng sự liên kết thông tin giữa các công đoạn và các bên liên quan; đồng thời cải thiện tỷ lệ đáp ứng với thị hiếu của người tiêu dùng nhằm tối đa hóa lợi ích.

Đáng chú ý là Sáng kiến về Mạng lưới Mô hình cảng điện tử khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APMEN) được Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 24 thông qua vào tháng 11 năm 2014 tại Bắc Kinh. APMEN được ra đời với mục tiêu hình thành một mạng lưới thương mại và chuỗi cung ứng trong toàn khu vực, kết nối hai bên bờ Thái Bình Dương rộng lớn. Bên cạnh đó, sáng kiến về APMEN cũng tập trung xác định các giải pháp và tạo môi trường nhằm tăng cường tính minh bạch của chuỗi cung ứng thông qua hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông. Có thể nói, đây là sáng kiến có ý nghĩa và đóng góp thiết thực cho ưu tiên về kết nối trong APEC, đặc biệt là tăng cường kết nối chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong khu vực, đóng góp tích cực cho một trong những trụ cột quan trọng nhất của APEC là thuận lợi hóa thương mại.

Nằm trong chuỗi các sự kiện của Hội nghị các Quan chức Cao cấp APEC lần thứ 2 (SOM2 – APEC 2017),  Việt Nam phối hợp với Trung Quốc tổ chức Đối thoại nhằm thảo luận về vai trò của APMEN trong việc thực hiện Hiệp định Thuận lợi hoá thương mại (TFA) và Khung đề xuất cho Giai đoạn hai của Kế hoạch Hành động Khung kết nối chuỗi cung ứng 2017-2020.

Bên cạnh đó, Đối thoại cũng là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp nêu lên quan điểm và kiến nghị của mình về các yếu tố của thuận lợi hóa thương mại. Mỗi nền kinh tế có đặc thù chính trị và thương mại riêng, thế mạnh và khó khăn riêng trong quá trình hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị. Vì vậy, việc tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn chính sách đóng vai trò then chốt trong quá trình hợp tác chính sách của khu vực./.

 

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực