Thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính

Thứ tư, 12/04/2017 16:06
(ĐCSVN) – Đây là thời điểm chín muồi để Việt Nam tăng cường hành động tập thể trong doanh nghiệp như một phương cách chống tham nhũng và tăng trưởng lợi nhuận kinh doanh.

Hội thảo khẳng định đã đến lúc phải thúc đẩy môi trường kinh doanh liêm chính thông qua hành động tập thể (Ảnh: HNV)

Điều này được khẳng định tại Hội thảo “Thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính tại Việt Nam thông qua hành động tập thể” diễn ra sáng 12/4 tại Hà Nội. Hội thảo do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Quản trị xã hội (CENSOGOR) – một đối tác của Tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Việt Nam cùng Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam tổ chức.

Trong những năm gần đây, các nỗ lực tập thể thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện liêm chính trong kinh doanh tại Việt Nam ngày càng nhận được nhiều sự chú ý và quan tâm của các bên. Điều này bắt nguồn từ nguyên tắc phòng, chống tham nhũng không thể được thực hiện chỉ bởi một cá nhân, mà cần có sự tham gia của nhiều bên, bao gồm: chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội... Trong đó, doanh nghiệp là một trong các chủ thể chính góp phần quan trọng cải thiện môi trường kinh doanh.

Phát biểu khai mạc, bà Charlotte Laursen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam đã bày tỏ vui mừng trước những kết quả tích cực thông qua các sáng kiến về liêm chính đang được thực hiện ở Việt Nam. Theo bà Đại sứ, Hội thảo lần này là cơ hội tốt để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về vai trò của doanh nghiệp trong phòng, chống tham nhũng (PCTN) và tầm quan trọng của hành động tập thể như một công cụ hữu ích để quản trị doanh nghiệp, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp Việt Nam. Dịp này, các đại biểu cũng được lắng nghe các chia sẻ thiết thực từ các kinh nghiệm thực tiễn tốt về hành động tập thể từ các nước Malaysia và Philippines.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng thư ký VCCI, đại diện Mạng lưới hiệp ước toàn cầu tại Việt Nam cho biết, đây là dịp để các sáng kiến hành động tập thể về thực hiện liêm chính trong kinh doanh tại Việt Nam chia sẻ bài học kinh nghiệm thực tiễn trong nước cũng như tăng cường sự hợp tác, kết nối giữa các sáng kiến. Một số nội dung sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội thảo như: Liệu hành động tập thể có giúp thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài? Vì sao hành động tập thể quan trọng trong việc thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh? phát triển môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Theo bà Nguyễn Kiều Viễn, Giám đốc điều hành CENSOGOR, liêm chính và minh bạch là yếu tố cốt lõi để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh. Tính liêm chính và minh bạch sẽ thúc đẩy khả năng sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất của doanh nghiệp trong lộ trình hội nhập quốc tế và phát triển bền vững. Do đó, bên cạnh những cam kết mạnh mẽ đối với việc xây dựng thể chế minh bạch, liêm chính và hành động về phòng chống tham nhũng, Chính phủ Việt Nam khuyến khích sự tham gia, phối hợp của doanh nghiệp, tổ chức xã hội và các bên liên quan cùng chung tay hành động với Chính phủ để xây dựng và thực hành những chuẩn mực, thông lệ tốt về liêm chính minh bạch, qua đó giảm tham nhũng, tiêu cực và thúc đẩy văn hóa kinh doanh lành mạnh. “Đã đến lúc, Việt Nam cần có những giải pháp triệt để nhằm đón đầu và tận dụng tối đa xu hướng, cơ hội tăng cường hành động tập thể, xem đó là một giải pháp PCTN hiệu quả” – bà Viễn nhấn mạnh.

Thông tin khái quát về Đề án 12, đại diện VCCI khẳng định, chương trình hành động "Thúc đẩy thực hiện liêm chính trong kinh doanh - Đề án 12" là một điển hình của những nỗ lực thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính thông qua hành động tập thể, với sự tham gia của nhiều chủ thể như cộng đồng doanh nghiệp, chính phủ, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, cơ quan truyền thông….Được biết, tiếp theo thành công của Sáng kiến “Xây dựng tính Nhất quán và Minh bạch trong Quan hệ kinh doanh tại Việt Nam- ITBI” do  Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển Bền vững thuộc VCCI triển khai và thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng (nay là Thủ tướng) Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc Đối thoại về PCTN lần thứ 12 với chủ đề “Vai trò của doanh nghiệp và khu vực tư trong công tác PCTN”; VCCI được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Chương trình hành động “Thúc đẩy thực hiện liêm chính trong kinh doanh- Đề án 12”. Hoạt động này nhằm tiếp tục thực hiện Chiến lược Quốc gia về PCTN đến năm 2020, đồng thời để tiếp tục (i) hỗ trợ, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng hợp tác thực hiện liêm chính trong kinh doanh mà theo đó hoạt động kinh doanh được tiến hành thuận lợi; (ii) Kiến nghị chính sách hoàn thiện khung pháp lý nhằm xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng.

Bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, khi áp dụng chương trình kinh doanh liêm chính, đơn vị này đã thực hiện công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thiểu tiêu cực, nhũng nhiễu, từ đó lan toả những giá trị của một môi trường đầu tư lành mạnh đến cộng đồng doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh. Đội ngũ cán bộ công chức cũng thể hiện những chuyển biến tích cực về đạo đức và văn hóa ứng xử, nhận được đánh giá cao của doanh nghiệp.

Trong khi đó, bà Rachel Chow, Quản lý liên minh liêm chính doanh nghiệp đến từ Malaysia chia sẻ rằng, có 3 nhân tố chính để duy trì liêm chính doanh nghiệp là: giảm thiểu chi phí tham nhũng, giảm thiểu rủi ro truy tố, bảo vệ thương hiệu và danh tiếng công ty. “Mục tiêu của chúng tôi là mang giá trị kinh doanh từ liêm chính đến khu vực doanh nghiệp” – bà Chow nói.

Còn ông Peter Angelo Perfectto, Phó Chủ tịch phụ trách hoạt động Sáng kiến liêm chính Philippines chia sẻ rằng cơ quan của ông xác định một văn hóa liêm chính trong đó khu vực tư nhân và khu vực công cam kết thực hành đạo đức kinh doanh, quản trị tốt và làm việc cùng nhau để tiến tới một sân chơi bình đẳng, có lợi cho cả nhà sản xuất và tiêu dùng. Theo đó, Sáng kiến liêm chính Philippines sẽ tham gia vào các chiến lược và chương trình dài hạn để thúc đẩy những tiêu chuẩn liêm chính thông dụng và được chấp nhận rộng rãi trong các tổ chức biết tự nhận thức, tự điều chỉnh, áp dụng các nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm giải trình và hành động tập thể.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực