Tiền Hải (Thái Bình) đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới

Thứ năm, 02/01/2020 09:10
(ĐCSVN) – Đảng bộ và nhân dân huyện ven biển Tiền Hải (Thái Bình) bắt đầu năm 2020 với một sự kiện rất ý nghĩa: Lễ đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
leftcenterrightdel
Tiền Hải chuẩn bị đón Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Từ một xã nhìn ra toàn huyện

Mấy hôm trước, bà con xóm 6, xã Tây An huyện Tiền Hải (xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới từ năm 2014) rủ nhau đi họp về thống nhất phương án đền bù rộng đất, hoa lợi do thu hồi đất làm khu công nghiệp. Sau khi đi họp về, ông Mai Trung San nói lại với vợ con: "Trong cuộc họp cũng còn một số ý kiến băn khoăn về mức đề bù hoa lợi khi thu hồi đất nhưng phần lớn bà con đều nhất trí với chủ trương thu hồi 55 ha đất của xóm ta để mở rộng khu công nghiệp trên địa bàn xã. Cuộc họp tiếp theo sẽ bàn đến việc giải quyết những vấn đề sau thu hồi đất như giải quyết công ăn việc làm cho các hộ bị thu hồi đất, vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng và khu công nghiệp, vấn đề môi trường của khu công nghiệp, quy hoạch, bố trí lại dân cư…Nhiều việc lắm!’’. Trước đây ít năm, Tây An vẫn là xã thuần nông có thể được kể vào “đội ngũ’’ xã nghèo của huyện Tiền Hải do không có ngành nghề phụ. Thế nhưng, từ khi Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ra đời, vùng quê nghèo này đã có bước chuyển mình. Có thể nói, nhìn vào hệ thống điện đường, trường trạm và hệ thống kênh mương nội đồng của Tây An có thể hình dung bức tranh toàn cảnh về xây dựng nông thôn mới ở huyện Tiền Hải. Những ngõ xóm tối tăm, lầy thụt khi mưa xuống, trạm y tế xập xệ… ngày nào đã được thay thế bằng những con phố bê tông hóa phẳng phiu, sáng đèn, trạm y tế khang trang có thể xử lý những ca bệnh mà trước đây bắt buộc phải chuyển tuyến, ruộng đất được dồn điền đổi thửa vuông vắn.

Tây An chỉ là một trong 34 xã và 1 thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới để đến hôm nay, toàn huyện được công nhận là huyện đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới. Được thiên nhiên ưu đãi, với tài nguyên khoáng sản trữ lượng lớn như: Than nâu, nước khoáng ở độ sâu 450m và có nguồn lao động dồi dào, người dân cần cù sáng tạo, Tiền Hải có nhiều lợi thế để phát triển toàn diện các lĩnh vực, trong đó nuôi trồng và khai thác thủy hải sản là thế mạnh của huyện.

Bên cạnh câu chuyện về tiềm năng lợi thế của huyện, đồng chí Phạm Hồng Tùng, Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải, cho biết thêm: “Hiện nay Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đang triển khai xây dựng tuyến đường bộ ven biển đi qua 13 xã với tổng chiều dài 21,9km. Ngày 29/7/2017, tại Quyết định số 36/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 16 xã nằm trong khu kinh tế ven biển,  một trong những chương trình phát triển kinh tế trọng điểm quốc gia. Đây là lợi thế lớn nhất của huyện để phát triển kinh tế”.

Bắt đầu từ khâu quy hoạch

Vậy bắt đầu từ đâu để phát huy tiềm năng sức mạnh cả về tài nguyên tự nhiên và tài nguyên con người là câu hỏi của nhiều thế hệ lãnh đạo huyện Tiền Hải. Và câu trả lời đã được tìm thấy từ khâu quy hoạch.

Xác định quy hoạch là cơ sở quan trọng để xây dựng nông thôn mới, tập thể lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các xã hoàn thành xây dựng quy hoạch chung nông thôn mới ngay trong năm 2011. Quy hoạch chi tiết hệ thống thuỷ lợi, giao thông nội đồng, vùng sản xuất hàng hoá tập trung và quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã hoàn thành cuối năm 2012. Các xã đã tổ chức công bố quy hoạch, cắm mốc, ban hành quy chế quản lý thực hiện theo quy hoạch được phê duyệt. Tổ chức triển khai lập đề án xây dựng nông thôn mới; thực hiện dồn điền đổi thửa và chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng hệ thống bờ vùng, bờ thửa và đường giao thông trục chính nội đồng, hệ thống thủy lợi.

Ban chỉ đạo huyện đã thành lập các tổ công tác gồm các đồng chí là thành viên trong Ban chỉ đạo và tổ chuyên viên giúp việc Ban chỉ đạo đi duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới tại các xã trong huyện. Nhìn chung, công tác xây dựng đề án nông thôn mới của các xã đã thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra. Đề án của các xã đã nêu được nhiệm vụ, nội dung và giải pháp xây dựng nông thôn mới sát với tình hình thực tế của địa phương. Năm 2013, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới cho 34/34 xã trong huyện.

Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các xã tổ chức công khai các quy hoạch được phê duyệt; ban hành quy chế quản lý quy hoạch; triển khai cắm mốc chỉ giới, tổ chức thực hiện quy hoạch, quản lý chặt chẽ quy hoạch theo quy chế được Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt.

Đánh giá 34/34 xã bằng 100% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 01 (Quy hoạch) theo quy định tại Quyết định số 1980/QĐ -TTg của Thủ tướng Chỉnh phủ.

Nông thôn mới hướng đến đô thị mới

Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy Thái Bình về “xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020”, trong 4 năm qua (2015-2019),Tiền Hải đã giữ được nhịp độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 13%/năm. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 3,86%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 21%/năm; giá trị sản xuất ngành dịch vụ tăng bình quân 7,84%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 45,7 triệu đồng/người/năm.

Sản xuất nông, lâm, thủy sản có bước tăng trưởng tốt, song đột phá trong phát triển kinh tế của huyện giai đoạn 2010 - 2018 là công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.

Trồng trọt: mặc dù sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, song vẫn đạt kết quả toàn diện trên cả 3 lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản). Giá trị sản xuất tăng bình quân 5 năm đạt 3,86%/năm. Cơ cấu giống lúa và phương thức gieo cấy tiếp tục chuyển dịch tích cực, giống lúa chất lượng cao hằng năm duy trì trên 45% diện tích, đảm bảo lịch thời vụ; năng suất lúa đạt bình quân trên 129 tạ/ha/năm, sản lượng thóc đạt trên 131.500 tấn/năm; duy trì 30 cánh đồng mẫu tại 28 xã với diện tích 1.828 ha, tăng 407 ha so với năm 2015, trong đó có 18 xã có ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ trong nông nghiệp mở ra triển vọng mới trong phát triển sản xuất hàng hóa. Sản xuất vụ đông đạt kết quả tích cực; có sự chuyển đổi mạnh mẽ sang sản xuất hàng hoá, mở rộng diện tích cây trồng có giá trị kinh tế cao, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, diện tích cây màu vụ đông đạt trên 3.760 ha (tăng 60 ha so với năm 2015).

Chăn nuôi tiếp tục phát triển ổn định. Duy trì tổng đàn gia súc trên 120 ngàn con; tổng đàn gia cầm bình quân 1,2 triệu con. Chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại tiếp tục được duy trì với  57 trang trại, gia trại, trong đó có 47 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chuẩn theo Thông tư 27/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng bình quân 0,86%/năm.

leftcenterrightdel
 Tiền Hải đang phấn đấu phấn đấu thành một trong những đô thị phát triển trong những năm tới.

Sản xuất thủy sản phát triển mạnh cả nuôi trồng, khai thác và dịch vụ. Diện tích nuôi trồng được mở rộng theo hướng tăng dần diện tích nuôi thâm canh và công nghệ cao, giảm dần diện tích nuôi quảng canh. Diện tích nuôi thủy, hải sản bình quân hằng năm đạt 4.700 ha/năm. Sản lượng thủy sản bình quân 5 năm đạt trên 105 nghìn tấn, tăng 45,8%, so với nhiệm kỳ 2010-2015. Hình thành các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao so với nuôi tôm truyền thống. Giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng bình quân 10,09%.

Các chế độ, chính sách về an sinh xã hội được thực hiện đồng bộ, bảo đảm đúng, đủ, kịp thời. Năm 2018 còn 3,02% hộ nghèo (giảm 0,66%), trong đó hộ nghèo không thuộc chính sách bảo trợ xã hội còn 1,75%. Chất lượng giáo dục, đào tạo luôn được duy trì, đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học, THCS đạt mức độ 3, xoá mù chữ đạt mức độ 2. Hệ thống khám chữa bệnh từ huyện đến cơ sở được củng cố và tăng cường cả về vật chất và đội ngũ cán bộ y tế. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới cùng với các phong trào xây dựng “làng văn hoá”, “gia đình văn hoá”, “cơ quan, đơn vị có nếp sống văn hoá” được phát động, triển khai sâu rộng và được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, khơi dậy trong các tầng lớp nhân dân tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới.

Các cấp, các ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở tập trung cao triển khai tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh- sạch- đẹp. Hoạt động thu gom rác thải, làm vệ sinh môi trường nông thôn với sự tham gia của cộng đồng ở tất cả các đơn vị được tổ chức tốt. Các dự án nước sạch đã được triển khai hiệu quả, đảm bảo cho dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch.

Đảng bộ và nhân dân huyện Tiền Hải phấn khởi đón nhận Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đây có thể coi là tiền đề thuận lợi để Tiền Hải phấn đấu thành một trong những đô thị phát triển trong những năm tới.

Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Tiền Hải có được thành công như hôm nay là do nhiều khâu quan trọng, trong đó phải nhắc đến sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở; có sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt người dân đã xác định được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới; có sự đồng thuận, chung sức và hưởng ứng tích cực các phong trào, tích cực thực hiện các nội dung chương trình./.

Bài và ảnh: Nguyễn Vũ Cân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực