Tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết để chỉ đạo sản xuất ngành nông nghiệp

Thứ sáu, 03/03/2017 17:44
(ĐCSVN) - Sáng 3/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Họp báo thường kỳ nhằm thông tin về những kết quả đạt được trong tháng 2 vừa qua và những nhiệm vụ triển khai trong thời gian tới.

Quang cảnh buổi họp báo (Ảnh: BT)

Theo Bộ NN&PTNT, tính đến 15/2, cả nước đã gieo cấy được 2.849 nghìn ha lúa Đông Xuân, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương ở miền Bắc đã gieo cấy đạt 932,3 nghìn ha lúa Đông xuân, bằng 130,6% cùng kỳ. Miền Nam đã cơ bản kết thúc xuống giống lúa Đông xuân, tổng diện tích đạt 1.917,1 nghìn ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống đạt 1.538,2 nghìn ha, bằng 99,1% cùng kỳ; đã thu hoạch đạt 524.255 ha, năng suất ước đạt 60 tạ/ha.

Đối với lĩnh vực thủy sản, ước sản lượng khai thác trong tháng đạt 174.000 tấn, đưa sản lượng khai thác 2 tháng đầu năm đạt 389 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ. Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 2 ước đạt 253.000 tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ; lũy kế 2 tháng, sản lượng nuôi trồng đạt 463.000 tấn, tăng 1,2%. Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 852.000 tấn, tăng 3% so với tháng 2/2016.

Trong tháng, Bộ đã tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình xuất, nhập khẩu, lưu thông vận chuyển sản phẩm chăn nuôi trên thị trường góp phần bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh cho vật nuôi, nhất là nguy cơ lây lan cúm A/H7N9. Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, tháng 2/2017, đàn trâu, bò phát triển ổn định; ước tính đàn trâu cả nước giảm khoảng 0,1%, đàn bò tăng khoảng 1,9 – 2,1% so với cùng kỳ năm 2016; đàn lợn tăng khoảng 4,5 – 5,2%; đàn gia cầm tăng khoảng 4,3 – 4,8%. Riêng chăn nuôi lợn, hiện giá thịt lợn đang tăng nhẹ so với thời điểm trước Tết Nguyên đán, giá lợn hơi dao động ở mức 33.000-36.000 đồng/kg.

Những tháng đầu năm 2017, thời tiết, khí hậu có những diễn biến bất thường – vụ Đông Xuân ấm, mưa trái vụ... đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất trồng trọt, đặc biệt là sản xuất lúa, cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm. Riêng vụ Đông Xuân ấm, ít mưa đã ảnh hưởng tới sinh trưởng phát triển, đặc biệt việc ra hoa, thụ phấn của cây vải tại các tỉnh phía Bắc, nhất là đối với giống vải thiều Thanh Hà – giống chủ lực trong sản xuất vải hiện nay. Hoặc do diễn biến thời tiết bất lợi, mưa trái mùa đã làm bệnh chết nhanh, chết chậm ở cây hồ tiêu tăng nhanh; nhiều diện tích ở cây điều nhiễm bọ xít muỗi,…

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí về công tác quản lý phân bón, ông Nguyễn Như Cường – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, Bộ sẽ tăng cường hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, đảm bảo tính minh bạch; hoàn thiện các hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan, thực hiện công tác thanh tra đột xuất, thanh tra tất cả các doanh nghiệp chưa được cấp phép sản xuất, kinh doanh; quy định rõ hơn về các vấn đề điều kiện sản xuất, điều kiện của các đại lý kinh doanh. Đặc biệt, tăng cường công tác phân quyền cho địa phương nhằm làm tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn do địa phương là nơi nắm rõ nhất về các đơn vị hoạt động cũng như sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Trước tình hình giá thịt lợn có nhiều biến động thời gian gần đây, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng cho biết, với mức giá bán từ 34.000-36.500 đồng/kg, người chăn nuôi lỗ 4.000 đồng/kg. Tuy nhiên, Cục khuyến cáo bà con không nên tăng đàn trong thời điểm hiện nay nhưng cũng không nên bỏ chuồng khi giá giảm do sẽ ảnh hưởng đến thị trường chăn nuôi lợn tròng vòng 5-6 tháng tiếp theo. Bên cạnh đó, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương nhằm thúc đẩy việc xuất khẩu lợn sang Trung Quốc được thuận lợi hơn.

Bộ NN&PTNT cho biết, trong những tháng tới, Bộ sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết để chỉ đạo ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết ảnh hưởng đến sinh trưởng ra hoa, đậu quả của một số loài quả. Cục Bảo vệ Thực vật, Cục Trồng trọt theo dõi, nắm bắt chặt chẽ tình hình dịch bệnh, nhất là trên lúa, điều, tiêu, cà phê… để đưa ra những phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả. Bên cạnh đó, theo sát, dự báo chính xác tình hình sâu lăn đối với vụ Đông Xuân và Hè Thu; hướng dẫn các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long bố trí cơ cấu gieo cấy lúa hợp lý, tránh tập trung quá nhiều vào gieo sạ các giống lúa nếp do có thể gặp rủi ro về thị trường tiêu thụ.

Riêng với ngành tôm, Bộ giao Tổng cục Thủy sản chú trọng, tập trung chỉ đạo sản xuất 2 đối tượng chính là tôm, cá tra. Trước mắt, sớm hoàn thành kế hoạch tổng thể phát triển ngành tôm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, quan điểm của Bộ là giữ ổn định diện tích nuôi tôm khoảng 700.000-800.000 ha, nhưng tập trung vào các giải pháp: thâm canh, quảng canh hợp lý, đi vào chuỗi giá trị, kiểm soát và mở thị trường để tạo đà tăng trưởng cho ngành tôm./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực