Tiếp tục thực hiện kiểm soát dịch và phục hồi nền kinh tế ở mức hợp lý

Thứ ba, 28/07/2020 15:40
(ĐCSVN) – Đây cũng là tinh thần và thông điệp được khẳng định tại Hội nghị giao ban trực tuyến ngành kế hoạch và đầu tư 2020 diễn ra ngày 28/7.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong khi các quốc gia trên thế giới và khu vực đối mặt với suy thoái và tăng trưởng âm 6 tháng đầu năm 2020 thì nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì kết quả tích cực, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đạt 1,81%. Đó là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và xã hội, chúng ta đã đạt được mục tiêu kép, vừa kiểm soát dịch thành công vừa phục hồi nền kinh tế ở mức hợp lý.

leftcenterrightdel
Điểm cầu chính tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Ảnh: HNV)

Báo cáo của Bộ cũng nêu rõ, trong 6 tháng đầu năm 2020, Bộ đã nỗ lực phấn đấu và cơ bản hoàn thành nhiều công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao; trình Quốc hội thông qua 03 Luật và 03 Nghị quyết. Hoạt động chỉ đạo, điều hành của Bộ ngày càng được cải tiến, đổi mới. Những tồn tại, bất cập trong xây dựng và thực hiện nhiệm vụ được giao đã được chấn chỉnh, khắc phục. Tình trạng các đề án không khả thi, chậm tiến độ, chất lượng không cao đã được giải quyết triệt để; công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ ngày càng được chú trọng. Tính đến ngày 30/6/2020, Bộ đã trình toàn bộ 39 đề án, báo cáo được giao, đạt tỷ lệ 100%.

Trước tác động của đại dịch COVID-19, Bộ đã theo dõi sát sao và thường xuyên phân tích, dự báo tình hình để kịp thời đề xuất nhiều giải pháp hữu hiệu trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội; đã tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, rà soát, sửa đổi, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý, nhất là các thể chế liên quan đến cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư; đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo.

Liên quan tới giải ngân đầu tư công, Vụ Kinh tế địa phương và các lãnh thổ thông tin, Bộ đã chủ động tổ chức 2 đoàn kiểm tra, thúc đẩy giải ngân tại các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) và các tỉnh Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An). Thời gian tới, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tổ chức đi công tác tại một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long để kiểm tra, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và thúc đẩy giải ngân.

Trong khi đó, Báo cáo của Vụ pháp chế đề nghị, những tháng cuối 2020, cần khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Luật mới được thông qua, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch của hệ thống pháp luật; tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh...

Về phía Cục quản lý đăng ký kinh doanh cho rằng, cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường cho doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Riêng cục phát triển doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đề nghị các địa phương cần xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế với phương châm “chống suy thoái kinh tế như chống giặc”, tập trung cao độ, nghiêm túc, quyết liệt, khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19.

Hội nghị cũng đã ghi nhận một điểm sáng là trong khi dòng FDI toàn cầu có khả năng suy giảm tới 40% trong năm 2020 do tác động của đại dịch, kết quả thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trong 6 tháng đầu năm của Việt Nam vẫn tương đối khả quan. Tuy tổng vốn đăng ký của nhà ĐTNN trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 15,67 tỷ USD, bằng 84,9% cùng kỳ năm 2019, nhưng tổng vốn đăng ký mới đạt 8,43 tỷ USD (tăng 13,8% so với cùng kỳ 2019) và vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 3,72 tỷ USD (tăng 26,8% so cùng kỳ 2019). Đây là những tín hiệu tích cực, thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Đại diện của Cục ĐTNN cho hay, đại dịch COVID-19 đã có những tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới, trong đó các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn. Vốn thực hiện của các dự án ĐTNN tiếp tục giảm trong 6 tháng đầu năm, chỉ bằng 95,1% so với cùng kỳ, song mức độ giảm đang cải thiện dần so với các tháng trước đó. Việc đi lại của các nhà  đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án ĐTNN vẫn còn bị ảnh hưởng. Mặc dù khu vực ĐTNN vẫn xuất siêu 14,2 tỷ USD và góp phần thặng dư cán cân thương mại cả nước 4 tỷ USD, song kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục giảm so với cùng kỳ. Trong 6 tháng đầu năm và đặc biệt trong tháng 6, hàng nghìn chuyên gia của Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản tiếp tục được hỗ trợ nhập cảnh vào Việt Nam để duy trì và mở rộng sản xuất.

Theo Bộ trưởng Dũng, năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016-2020 nhưng chúng ta đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Điều này đòi hỏi trong 6 tháng cuối năm, toàn thể cán bộ, công chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tiếp tục đoàn kết, nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa, đổi mới, quyết liệt hành động để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao./.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực