Tìm biện pháp mới quyết liệt hơn để giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản

Thứ tư, 28/06/2017 16:56
(ĐCSVN) - Xử lý nợ đọng cơ bản là một nội dung quan trọng của tái cơ cấu đầu tư công và lập lại kỷ cương trong đầu tư xây dựng cơ bản. Đây cũng là một trong các giải pháp ổn định tài chính vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững.

Thông tin này được nêu lên tại Hội thảo “Nợ đọng xây dựng cơ bản – Biện pháp tháo gỡ và tìm hướng giải quyết” diễn ra ngày 28/6, tại Hà Nội. Hội thảo do Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) tổ chức với sự góp mặt của đại diện các cơ quan Bộ, ngành cùng đông đảo các nhà thầu xây dựng.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo giới doanh nghiệp xây dựng. (Ảnh: HNV)

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tài chính – ngân sách nhà nước, do đó, các doanh nghiệp cần nỗ lực để đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xóa bỏ triệt để nợ đọng trong xây dựng cơ bản, tập trung thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC khẳng định, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản đang diễn ra phổ biến và ở mức độ khá nghiêm trọng, khiến cho nhiều công trình thi công dở dang, kéo dài, hậu quả đầu tư kém, ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh tài chính, an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững. Thực tế, nợ đọng xây dựng cơ bản không chỉ diễn ra ở dự án gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu mà còn diễn ra ở hầu hết các dự án với nhiều loại dự án, nhiều nguồn vốn, nhiều gói thầu khác nhau như: tư vấn, xây lắp, mua sắm hàng hóa – vật tư. “Hội thảo lần này được tổ chức với mong muốn tìm được các kiến nghị giải pháp bổ sung cơ chế, chính sách, sớm chấm dứt tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản” – ông Hiệp nói.

Chủ tịch VACC cũng kỳ vọng Hội thảo sẽ có những đánh giá sát thực về tình hình nợ đọng trong xây dựng cơ bản và đưa ra những giải pháp khắc phục mang tính khả thi để giải quyết được thực trạng nợ đọng hiện nay và tìm cách hạn chế, tiến tới dần xóa bỏ tình trạng này trong những năm tới.

Theo đánh giá trong Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016 thì tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản vốn ngân sách trung ương là hơn 9.557 tỷ đồng. Con số này cho thấy tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản đang ảnh hưởng xấu: công trình thi công dở dang, kéo dài, hiệu quả đầu tư kém; chủ đầu tư không có nguồn vốn để thanh toán cho giá trị khối lượng đã thực hiện; công tác quyết toán hoàn công công trình còn chậm trễ, nhiều doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu phải nợ lương công nhân, nợ vật tư, nợ ngân hàng, nợ thuế Nhà nước, dẫn đến một số doanh nghiệp phải giải thể hoặc phá sản. Nghiêm trọng hơn, tình trạng này còn đã, đang ảnh hưởng xấu đến an ninh tài chính, an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tại Hội thảo, đại diện Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đề xuất cho rằng, các bên liên quan phải tự cân đối các nguồn vốn để xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản, riêng doanh nghiệp cần chủ động đánh giá, xác định hiệu quả, mức độ hoàn thiện, khả năng khai thác của từng dự án, công trình để thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại đối với những công trình xây dựng dở dang do nợ đọng xây dựng cơ bản. Cần bổ sung các quy định pháp luật cụ thể, đầy đủ bởi Luật và các văn bản hướng dẫn hiện tại chưa làm rõ các khâu, các bước đồng thời chưa quy định rõ về đánh giá tổng thể tài chính, hoạt động quản lý điều hành của doanh nghiệp trước khi xây dựng phương án củng cố, hoạt động. Bên cạnh đó, cần ban hành Danh mục phân bổ vốn cho các công trình, dự án xây dựng một cách chi tiết, cụ thể cũng như nghiên cứu sửa đổi một số tồn tại liên quan đến phê duyệt chủ trương đầu tư và bố trí vốn đầu tư.

Trong khi đó, theo đại diện của Tổng công ty sông Đà, việc gắn trách nhiệm của nhà thầu thi công cùng với chủ đầu tư trong vấn đề phê duyệt quyết toán vốn đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước hoặc nhà nước bảo lãnh vay vốn là chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, làm cho tình trạng dở dang công nợ của nhà thầu lớn, kéo dài, không thanh lý được hợp đồng, nhà thầu phụ thuộc…, do đó, đề nghị xem xét lại các quy định có thể theo hướng hồ sơ quyết toán để giảm bớt khó khăn cho nhà thầu, giảm bớt khác biệt giữa các dự án có nguồn vốn đầu tư khác nhau.

Hội thảo cũng thống nhất rằng, để giải quyết được tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, đã đến lúc bắt buộc phải có ngân hàng bảo lãnh vốn như một nội dung bảo lãnh thực hiện hợp đồng, chủ đầu tư phải chứng minh được năng lực tài chính thì mới được cấp giấy phép xây dựng dự án cũng như phải trả hết tiền cho nhà thầu thì mới cấp phép công trình đi vào sử dụng. Đồng thời, Hiệp hội xây dựng và các đơn vị nghề nghiệp liên quan phải tẩy chay các chủ đầu tư thường xuyên chậm trả hay nợ vốn của các nhà thầu nhưng song song là vinh danh các chủ đầu tư uy tín trong vấn đề tài chính. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, phải thực hiện xử lý và truy cứu trách nhiệm cả tập thể và các cá nhân sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước của Chính phủ vì đây chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra nợ đọng trong xây dựng cơ bản hiện nay./.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực