Tín dụng ưu đãi cần được duy trì và mở rộng

Thứ sáu, 22/07/2016 10:49
(ĐCSVN) - Sau gần 3 năm triển khai, gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng đã có tác dụng tích cực, giúp “phá băng” thị trường bất động sản, góp phần quan trọng trong việc thực hiện 3 mục tiêu: Giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp tiếp cận nhà ở.

Gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng ra đời trên cơ sở thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Xây dựng đã ban hành các văn bản quy định về việc cho vay hỗ trợ nhà ở từ nguồn tái cấp vốn và hướng dẫn việc xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở. Tính đến ngày 10/5/2016, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay 34.826 tỷ đồng đối với 56.240 khách hàng, giải ngân theo tiến độ đạt 25.800 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Việt Nam có xuất phát điểm là một nước nông nghiệp với hơn 70% dân số sống tại các vùng nông thôn, quá trình công nghiệp hoá làm người dân từ các vùng quê được tham gia nhiều hơn trong sản xuất công nghiệp tại các khu công nghiệp và các đô thị lớn, hình thành nên làn sóng di dân từ nông thôn lên thành thị và đẩy nhanh quá trình đô thị hoá.

Phát triển kinh tế trước hết phải ổn định xã hội, thực tế cho thấy, các quốc gia trên thế giới cũng đã và đang thực hiện các gói hỗ trợ tương tự với nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ, tại Anh, chính phủ thường đứng ra để xây dựng các nhà xã hội cho thuê và thực hiện các chương trình như chia sẻ quyền sở hữu nhà hay cung cấp các khu vực được hoạch định để xây dựng nhà ở cho dân cư với bảng giá xây dựng cơ sở hạ tầng thấp. Tại Úc, chương trình an sinh xã hội trợ cấp trực tiếp tiền thuê nhà cho người dân, căn cứ vào số tiền thuê và số người phụ thuộc. Ngoài ra mọi công dân có quốc tịch Úc khi mua nhà lần đầu sẽ được hưởng khoản trợ cấp là 7000 AUD. Chính phủ Mỹ trợ cấp cho người dân mua nhà thông qua biện pháp hỗ trợ tài chính, như cắt giảm lãi suất cho vay bất động sản hay chương trình hỗ trợ cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. Vào những năm thập niên 1970, chính quyền Liên bang Mỹ áp dụng chương trình giảm thuế cho các hộ gia đình thu nhập thấp có sở hữu nhà. Các hình thức trợ cấp nhà ở của chính phủ Hoa Kỳ có thể chia thành 3 hình thức chính là trợ cấp đến từng hộ gia đình, trợ cấp cho các dự án nhà mà được dùng để cho thuê, và trợ cấp để xây dựng các nhà xã hội (public house) được vận hành bởi chính phủ...

Việc giải quyết các vấn đề xã hội không chỉ là nhiệm vụ của Chính phủ hay các doanh nghiệp xã hội mà cần sự chung tay góp sức của tất cả các cá nhân, tổ chức trong xã hội, trong đó phải kể đến vai trò quan trọng của ngành ngân hàng, kênh cung cấp vốn chủ yếu cho nền kinh tế. Mặt khác, việc chính phủ giao cho ngành ngân hàng thực hiện các gói hỗ trợ tín dụng, như gói 30 nghìn tỷ vừa qua là một hình thức điều tiết, phân phối lại thu nhập trong xã hội bằng cách sử dụng một phần vốn huy động nhàn rỗi trong dân cư để thực hiện mục tiêu an sinh.

Đối với bản thân các ngân hàng, tham gia thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng giúp điều hòa, cân bằng giữa mục tiêu về lợi nhuận với trách nhiệm xã hội, mặt khác giúp tăng cường uy tín, hình ảnh cũng như giá trị thương hiệu trên thị trường.

Xét về dài hạn, điều này không những không làm ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của ngân hàng mà còn tạo điều kiện để ngân hàng phát triển hoạt động và gia tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để triển khai các hoạt động tuyên truyền nhằm giúp người dân hiểu rõ, tiếp cận sâu rộng hơn với hệ thống tài chính vi mô chính thức, hạn chế tín dụng phi chính thức phục vụ cho việc thúc đẩy tăng trưởng lâu dài và bền vững.

Thời hạn thực hiện gói 30 nghìn tỷ đồng đã gần kết thúc. Tuy nhiên, chính sách tín dụng để phát triển nhà ở xã hội cũng như chính sách tín dụng hỗ trợ cho người nghèo, người thu nhập thấp nói chung không nên là chính sách có tính “thời vụ” mà cần được xây dựng thành chiến lược mang tính lâu dài trong suốt quá trình phát triển của nền kinh tế.

Thực hiện các gói hỗ trợ với thời gian lâu dài và cam kết lãi suất ưu đãi được duy trì ổn định. Đây là điều kiện để người đi vay yên tâm trong việc sử dụng khoản vay và chủ động trong trả nợ.

Khích lệ số lượng lớn các ngân hàng tham gia vào gói hỗ trợ và coi đây như một tín hiệu cạnh tranh của các ngân hàng. Việc tham gia các chính sách hỗ trợ như trên không chỉ mang đến lợi nhuận cho các ngân hàng mà ích lợi thu được nhiều hơn là giá trị về uy tín, hình ảnh, thương hiệu của ngân hàng trên thị trường.

Cần sự tham gia vào cuộc tích cực của các cơ quan thông tấn báo chí nhằm giúp người dân, đặc biệt là đối tượng trực tiếp hưởng lợi, hiểu biết và nắm rõ các quy định về quy trình, thủ tục, yêu cầu cũng như thời hạn thi hành… tránh tình trạng bị kẻ xấu lợi dụng, hạn chế hiện hượng cò mồi, lách luật để trục lợi từ chính sách./.

TS. Nguyễn Thị Kim Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực