Tinh gọn sản xuất và gắn kết người lao động tại các nhà máy dệt may Việt Nam

Thứ năm, 17/05/2018 23:14
(ĐCSVN) – Việc sắp xếp tinh gọn sản xuất cũng như gắn kết người lao động tại các nhà máy dệt may Việt Nam được xem là giải pháp tối ưu giúp tăng năng suất lao động và giảm chi phí giá thành sản phẩm.

Điều này được khẳng định tại buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về tinh gọn sản xuất và gắn kết người lao động trong ngành dệt may Việt Nam diễn ra ngày 17/5, tại Hà Nội.

Đây là hoạt động nằm trong Thỏa thuận hợp tác hỗ trợ phát triển bền vững ngành công nghiệp dệt may giữa Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH) và Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) ký ngày 27/10/2016. Sau hơn một năm thực hiện, chương trình đã đạt được những tiến bộ rõ rệt nhằm hỗ trợ sản xuất và thương mại có trách nhiệm đối với hàng dệt may.

Hội thảo thu hút các đại biểu trong nước và quốc tế tham gia (Ảnh: HNV)

Theo ông Đăng Khoa, Trưởng nhóm nghiên cứu về tinh gọn sản xuất, điểm mấu chốt tạo ra lợi nhuận trong sản xuất là giảm giá thành. Với việc áp dụng chuẩn liên kết cũng như tinh gọn trong sản xuất ngành dệt may, một số nhà máy đã tăng năng suất và hiệu quả lao động đáng kể. Trong khi phần lớn các doanh nghiệp chật vật với thứ mình đang có, gần như chỉ đầu tư vào máy móc, thiết bị mà chưa quan tâm tới việc chuẩn hóa thao tác để tăng năng suất lao động thì một số nhà máy, doanh nghiệp đã áp dụng LEAN, 5S (mô hình sản xuất tinh gọn - sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng) nhằm cải tiến hệ thống, giảm dừng chờ và thời gian lãng phí.

Việc áp dụng LEAN ở một số nhà máy dệt may Việt Nam hiện nay đã khiến cho cách bố trí, sắp xếp tại đây rất khoa học, tạo thành một quy trình sản xuất khép kín, tạo ra môi trường làm việc sạch sẽ, kho hàng, nhà xưởng thoáng mát tạo không gian và môi trường cho người lao động. Hơn nữa, LEAN còn giúp cho việc lập kế hoạch, tính toán chính xác các công đoạn phù hợp với tiến độ sản xuất, giảm thiểu nguyên phụ liệu và hàng tồn từ đó tiết kiệm tối ưu chi phí quản lý tăng năng suất và chất lượng… tạo thành dòng chảy liên tục.

 Theo chia sẻ của bà Vũ Hương, Trưởng nhóm nghiên cứu về gắn kết người lao động trong ngành dệt may, một trong những yếu tố cấu thành sản phẩm là chi phí chi trả cho người lao động và hiệu suất của người lao động. Việc không ngừng chăm lo, tạo môi trường gắn kết người lao động trong nhà máy dệt may không chỉ là giá trị vô hình nữa mà thực sự trở thành giá trị hữu hình, góp phần vào sự phát triển của nhà máy dệt may nói riêng và ngành dệt may nói chung.

Bà Vũ Hương cũng cho rằng, chương trình gắn kết người lao động để có hiệu quả cần thay đổi thái độ và sự tham gia của người lao động, cụ thể, đối với người lao động: Tiếng nói và quan sát của những người làm thực tế; Tiếng nói của họ được lắng nghe và các vấn đề tác động đến hiệu quả thực hiện, những vấn đề cần làm rõ, ý kiến và quyết định được phản ánh lên cấp có thẩm quyền; Kiến thức, kỹ năng, thái độ, quyền và trách nhiệm tại nơi làm việc, giảm thiểu tình trạng quá tải cho các nhà máy tham gia thực hiện nhiều dự án cùng một lúc; tránh bàn giao không đầy đủ khi có thay đổi nhân sự, việc gắn kết người lao động cần phải được coi là phần tập huấn quan trọng và thiết yếu để thay đổi và có tính chiến lược, không phải chỉ là phần bổ trợ. Đồng thời, cần phải được xây dựng một cách đầy đủ theo gói và là một chương trình độc lập bao gồm các khía cạnh khác nhau của hoạt động gắn kết…

Tại Hội thảo, các đại biểu mong muốn, ngành dệt may sẽ nhân rộng hệ thống LEAN cũng như tăng cường gắn kết người lao động, qua đó, góp phần cho ngành phát triển thực sự bền vững./.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực