Tổ chức sản xuất theo chuỗi để quản lý tốt việc sử dụng thuốc bảo vật thực vật

Thứ ba, 15/05/2018 23:11
(ĐCSVN) - Đó là một trong những giải pháp được đưa ra tại Hội nghị “Định hướng công tác bảo vệ thực vật trong tình hình mới” nhằm khắc phục những tồn tại của ngành bảo vệ thực vật hiện nay, đặc biệt trong việc kiểm soát sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật.
Hội nghị “Định hướng công tác bảo vệ thực vật trong tình hình mới” (Ảnh: BT)

Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức sáng 15/5, tại Hà Nội.

Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật Hoàng Trung, những năm gần đây, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng rõ nét. Hạn hán, lũ lụt, mưa trái mùa, mùa đông ấm, rét đậm kéo dài,… tác động mạnh mẽ đến sản xuất trồng trọt, không những ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng của cây trồng mà còn làm bùng phát nhiều sinh vật gây hại mới hoặc thay đổi quy luật phát sinh gây hại của sinh vật gây hại. Điển hình như một số bệnh: lùn sọc đen, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá hại lúa; bệnh chổi rồng nhãn, bệnh đốm nâu hại thanh long; bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu,…

Biến đổi khí hậu cũng gây nhiều khó khăn cho công tác dự tính dự báo và chỉ đạo phòng chống sinh vật gây hại do khó dự đoán trước được những thay đổi của thời tiết. Trong khi đó, các cán bộ ở địa phương chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó với biến đối khí hậu, chưa được trang bị những kiến thức về dự tính, dự báo trong điều kiện biến đổi khí hậu cũng như chưa có các trang thiết bị hiện đại hỗ trợ công tác dự tính dự báo.

Đặc biệt, nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng trong nước cũng tăng theo đòi hỏi việc tổ chức sản xuất nông nghiệp phải khoa học hơn, trong đó chú trọng việc hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học là vấn đề cần thiết. Trên thực tế, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học vẫn đang diễn ra ở nhiều địa phương.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do đang được ký kết, hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đang được các nước nâng lên ở mức rất cao. Các nước hầu như đòi hỏi nước xuất khẩu phải cung cấp một bộ tài liệu kỹ thuật rất chi tiết về thành phần dịch hại, biện pháp phòng trừ, sản lượng, phân bố vùng trồng… Về mặt an toàn thực phẩm, rất nhiều mức dư lượng đang được các nước EU, Mỹ quy định ở mức là 0 hoặc rất thấp.

Để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, theo Cục trưởng Hoàng Trung, cần tăng cường tập huấn, tuyên truyền để nâng cao trình độ và nhận thức của cán bộ cơ sở về biến đối khí hậu và các tác động của biến đổi khí hậu đến tình hình phát sinh, phát triển của sinh vật gây hại để chủ động trong công tác dự tính, dự báo.

Đẩy mạnh việc sử dụng các công nghệ mới về phần mềm quản lý sinh vật gây hại, công nghệ trạm khí tượng tự động, bẫy đèn kết nối camera giám sát, giám định nhanh virus gây bệnh.

Tiếp tục tổ chức triển khai Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, chương trình thâm canh lúa cải tiến (SRI), gieo sạ né rầy, công nghệ sinh thái trên diện rộng để giảm áp lực sinh vật gây hại và giảm giá thành sản xuất. Trong đó đặc biệt chú ý phát triển chương trình IPM trên các loại cây trồng khác ngoài cây lúa.

Đáng chú ý, đẩy mạnh tổ chức và thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ để đảm bảo quản lý tốt việc sử dụng các loại thuốc bảo vật thực vật, đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm cho sản phẩm tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Liên kết sản xuất còn là yếu tố quan trọng để tổ chức thu gom bao bì thuốc bảo vật thực vật sau sử dụng, không để gây ô nhiễm môi trường.   

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật thời gian qua dẫn đến làm tăng giá thành sản phẩm nông sản, tác động không nhỏ tới môi trường. Trước thách thức của biến đổi khí hậu gây nguy cơ làm gia tăng dịch bệnh đối với cây trồng và những yêu cầu về chất lượng sản phẩm trồng trọt từ thị trường, đòi hỏi công tác bảo vệ thực vật cần có sự thay đổi nhằm đáp ứng tình hình mới. Trong đó, cần khắc phục tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật để giảm giá thành sản phẩm, gia tăng chất lượng nông sản, bảo vệ tốt môi trường. Đồng thời, cần xây dựng các mô hình sản xuất nông sản hữu cơ nhằm tạo ra nông sản tốt, thân thiện với môi trường./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực