TP. Hòa Bình có lãng phí tài nguyên đất từ những dự án chậm tiến độ?

Chủ nhật, 14/06/2020 10:45
(ĐCSVN) - Dù đã thực hiện nhiều giải pháp xong đến nay trên địa bàn TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình vẫn đang có hàng chục dự án chậm tiến độ; trong đó, đa phần là các dự án bất động sản. Thực tế này không chỉ gây ra tình trạng lãng phí tài nguyên đất mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư của địa phương...

Nằm ở vị trí “cửa ngõ” phía Tây Bắc của thủ đô Hà Nội với nhiều tiềm năng, lợi thế song đến nay, so với các thành phố khác trong khu vực trung du, miền núi phía Bắc, sự phát triển của TP. Hòa Bình vẫn dừng lại ở mức khá “khiêm tốn”. Theo nhiều chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn đến tính trạng này là do số các dự án đầu tư chậm hoặc không triển khai còn chiếm tỷ lệ lớn. Những dự án chậm triển khai, chậm tiến độ chưa phát huy được hiệu quả sử dụng đất trong thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển.

Tính đến đầu năm 2020, trên địa bàn TP. Hoà Bình hiện có khoảng 100 dự án đầu tư (có 39 dự án vốn đầu tư nước ngoài - FDI), chiếm gần 20% tổng số dự án đầu tư của toàn tỉnh Hòa Bình. Trong đó, có 51% số dự án đã được đầu tư, đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; số còn lại, trong gần 50% dự án đầu tư chậm hoặc chưa triển khai thực hiện chủ yếu là các dự án liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Trong số các dự án chậm tiến độ, có thể kể đến một số dự án “nổi bật” như: Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở Hoàng Vân tại phường Thịnh Lang của Công ty CP bất động sản Hoàng Vân Hoà Bình; Dự án Khách sạn Ánh Dương Hòa Bình thuộc tổ 8, phường Tân Thịnh của Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Ánh Dương Hoà Bình; Dự án khu du lịch sinh thái đa năng hồ Dè - núi Đúng, thuộc phường Hữu Nghị của Công ty TNHH Thương mại & Du lịch Thiên Anh; dự án hạng mục sân golf, sân tenis, sân tập bóng đá - khu liên hợp thể thao Tây Bắc ở phường Thịnh Lang của Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng & Xây dựng thương mại Hoàng Sơn... Trong số các dự án này, thậm chí có dự án còn chưa được triển khai dù đã được cấp phép đầu tư từ gần chục năm trước đây.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, đồng chí Quách Tùng Dương, Bí thư Thành uỷ Hoà Bình đã nhấn mạnh: “Thời gian qua, UBND TP. Hòa Bình cùng các cơ quan chuyên môn của tỉnh Hòa Bình đã có nhiều biện pháp để giải quyết tình trạng dự án chậm triển khai, chậm tiến độ”. Cụ thể, chỉ tính riêng trong năm 2018, UBND TP. Hòa Bình đã báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh thu hồi 14 dự án với tổng diện tích gần 40 ha đất. Quá trình làm việc với cơ quan chức năng, cấp uỷ, chính quyền địa phương, đại diện chủ đầu tư các dự án đều khẳng định đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực về tài chính, phương tiện, máy móc thiết bị, đảm bảo năng lực để triển khai dự án; đảm bảo triển khai, hoàn thành dự án, đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng kế hoạch. Song đến nay, tình trạng dự án chậm tiến độ vẫn đang là thực tế đáng báo động trong công tác quản lý, điều hành của TP. Hòa Bình.

Dù đã được cấp chứng nhận đầu tư từ nhiều năm trước nhưng Dự án Khách sạn Ánh Dương

Hòa Bình vẫn chưa được triển khai. Ảnh: QĐ

Điển hình là Dự án khách sạn Ánh Dương Hoà Bình tư tại tổ 8, phường Tân Thịnh do Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Ánh Dương Hoà Bình (Công ty Ánh Dương Hòa Bình) làm chủ đầu. Dự án này được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2017, thuộc vào vị trí đất đẹp nhất bên cạnh sông Đà, nhưng đến nay vẫn đang trong tình trạng "bất động”. Đây là dự án khách sạn tiêu chuẩn 4 sao với 78 phòng đơn, 6 phòng đôi cao cấp cùng hệ thống phòng họp, hội trường, nhà hàng, dịch vụ thể thao, vui chơi giải trí, bể bơi, sân tập golf... trên diện tích 14.900 m2. Thời điểm đầu, dự án này là của  Công ty CP bất động sản An Thịnh. Tuy nhiên, sau khi khởi công năm 2010, dự án đã không tiếp tục triển khai và được chuyển nhượng cho Công ty Ánh Dương Hòa Bình. Song từ năm 2017 đến nay, dự án này vẫn chưa được triển khai. Mặc dù Công ty Ánh Dương Hòa Bình đã cam kết đến tháng 12/2019 dự án sẽ hoàn thành việc đầu tư xây dựng, tuyển dụng, đào tạo lao động và đưa dự án vào hoạt động kinh doanh...

Thậm chí có những dự án được UBND tỉnh Hòa Bình cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2012 như Dự án hạng mục sân golf, sân tenis, sân tập bóng đá - khu liên hợp thể thao Tây Bắc của Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng & Xây dựng thương mại Hoàng Sơn và Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở Hoàng Vân do Công ty Hoàng Vân làm chủ đầu tư tại phường Thịnh Lang nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. Chị Phạm Như Quỳnh, một người dân sinh sống tại TP. Hòa Bình chia sẻ: “Những dự án chậm tiến độ cơ bản đều nằm ở các vị trí đắc địa, “đất vàng” của thành phố. Việc chậm triển khai các dự án này đã gây rất nhiều ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân ở khu vực xung quanh dự án”

Có thể thấy, hàng chục dự án kinh doanh bất động sản chậm triển khai, chậm tiến độ trên địa bàn TP. Hòa Bình đã gây ra lãng phí tài nguyên đất đai, làm thất thu ngân sách; gây bất ổn, xáo trộn trong một bộ phận đời sống xã hội. Đồng thời, cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh môi trường đầu tư của TP. Hòa Bình trong mắt các nhà đầu tư. Để sớm khắc phục tình trạng này, thiết nghĩ UBND TP. Hòa Bình cùng các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình cần có những giải pháp xử lý kịp thời, đồng bộ. Nhất là việc xử lý các dự án "treo”; kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ nhiều năm, dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng đất để mời gọi các nhà đầu tư khác. Qua đó, vừa trả lại sự trong sạch cho môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương và vừa giúp ổn định cuộc sống, sản xuất của nhân dân tại các khu vực có liên quan đến dự án chậm tiến độ./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực