Trần Đề - vùng đồng bào dân tộc Khmer đang khởi sắc

Thứ ba, 16/07/2019 12:25
(ĐCSVN) - Trần Đề là huyện ven biển tỉnh Sóc Trăng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (chiếm 49,1% dân số), có nhiều xã đặc biệt khó khăn. Những năm qua, từ các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, Trần Đề đã thay đổi diện mạo từng ngày.
Người dân ấp Đại Nôn cùng với Đoàn thanh niên xã chỉnh trang đường giao thông nông thôn liên ấp
(xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 135).

Hiện nay, ở các xã có đông đồng bào dân tộc Khmer của Trần Đề đều có đường lộ giao thông nông thôn nối liền ấp, liền xã, tạo điều kiện đi lại được dễ dàng, mạng lưới điện quốc gia cũng được hạ thế đều khắp, phục vụ tốt, nhu cầu sinh hoạt của nhân dân; trường học, trạm y tế xã cũng được đầu tư xây dựng khang trang, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao cũng không ngừng phát triển.

Ông Lưu Hữu Danh, Chủ tịch UBND huyện Trần Đề cho biết: “Trong năm qua, Trần Đề đã triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cho các xã đặc biệt khó khăn với tổng số vốn trên 10,2 tỉ đồng. Trong đó, xây dựng cơ sở hạ tầng hơn 6,2 tỉ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo gần 4 tỉ đồng. Ngoài ra Quyết định 22 của Chính phủ cũng đã hỗ trợ cho 2.751 hộ (với 11.334 nhân khẩu) với hơn 1 tỉ đồng; tổ chức dạy nghề cho 732 lao động, giới thiệu việc làm cho 2.718 lao động và xuất khầu 20 lao động với tổng kinh phí trên 1 tỉ đồng. Đồng thời, phối hợp với người có uy tín, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đồng bào dân tộc có ý thức tự vươn lên trong sản xuất, giảm nghèo bền vững, góp phần đáng kể cho chính sách giảm nghèo và hộ nghèo giảm còn 7,73%”.

Đến Thạnh Thới An (huyện Trần Đề – Sóc Trăng) anh hùng, xã có hơn 43% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Trong những năm qua, bằng các chính sách của Nhà nước như Chương trình 135, 102, Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ đất và nhà ở và các chương trình nước sạch, điện cho đồng bào dân tộc Khmer đã từng bước phát huy hiệu quả, qua đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer năm 2018 giảm xuống còn 8,4%.

Anh Thạch Bươnl đã thoát nghèo từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất với mô hình chuyên xanh cây màu.

Ông Lê Minh Chí, Chủ tịch UBND xã Thạnh Thới An cho biết: Nhờ chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ cây trồng, vật nuôi (chủ yếu là bò sinh sản), tạo kế sinh nhai cho bà con, đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch vùng sản xuất, vận động bà con đưa màu xuống chân ruộng đã và đang mang lại hiệu quả rõ nét. Bên cạnh đó, xã chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tổ chức các lớp đan đát, chăn nuôi, trồng trọt…nhờ vậy cuộc sống của bà con Khmer nơi đây ngày càng khởi sắc. “Điều đáng ghi nhận với sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước và bằng sự cần cù, chịu khó lao động nên nhiều hộ đã từng bước thoát nghèo với những mô hình làm ăn có hiểu quả: sản xuất lúa chất lượng cao, trồng màu, chăn nuôi bò…Ngoài ra, bằng sự đồng thuận của người dân trong năm 2018 vừa qua Thạnh Thới An được công nhận xã nông thôn mới. Đây thực sự là niềm vui, phấn khởi của Đảng bộ và nhân dân với những chủ trương đúng hợp lòng dân, đặc biệt sự thay đổi đời sống của đại bộ phận người dân tộc Khmer” – ông Chí nói.

Ông Lý Cô ở ấp An Hòa, xã Thạnh Thới An, phấn khởi nói: Xây dựng nông thôn mới, Nhà nước đầu tư xây dựng cầu, đường, trường, trạm, nạo vét kênh thủy lợi phục vụ sản xuất…tôi và bà con ở đây rất vui mừngNgoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ cho bà con Khmer nghèo vay vốn làm ăn nuôi bò, con em được vay vốn để học hành đến nơi đến chốn, bệnh tật thì có bảo hiểm. “Tôi được Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay 30 triệu mua 1 con bò sữa, nuôi dần dần đến nay được 3 con bò sữa, 4 con bò thịt, hàng ngày vắt sữa cũng được hơn 20 ký, cũng giải quyết được cuộc sống gia đình, nuôi 2 đứa con học đại học” – ông Cô nói.

Nhờ có vốn vay nuôi bò sữa đã giúp gia đình ông Lý Cô thoát nghèo.

Đến ấp Đại Nôn, một trong những ấp nghèo ở xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, có đông đồng bào Khmer (chiếm hơn 80%) trên con đường bê tông kiên cố dẫn vào ấp, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện giúp nhau làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo của đồng bào Khmer.

Anh Thạch Bươnl một nông dân ở ấp Đại Nôn thoát nghèo nhờ vốn vay giảm nghèo do địa phương hỗ trợ, kể: “Sau khi “cơn gió lành” mang tên Chương trình 135 thổi vào những vùng dân tộc nghèo khó, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, hệ thống thủy lợi nội đồng được cải thiện và sự chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất của ngành chức năng, cùng với đồng vốn xóa nghèo của Nhà nước, đồng bào Khmer ở ấp Đại Nôn đã bắt tay chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng thêm thu nhập”. Từ một hộ nghèo, chỉ có 2.000 m2 trồng cây màu, được hỗ trợ vốn vay làm kinh tế, sau nhiều năm anh đã trở thành hộ khá, có thu nhập trên 40 triệu đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho mình, anh còn chia sẻ cách làm giàu cho bà con Khmer trong ấp và tích cực tham gia vận động bà con đóng góp xây dựng nông thôn mới.

Ông Lưu Quốc Phong, Chủ tịch UBND xã Liêu Tú cho biết thêm: “Bên cạnh việc nhận được các chính sách hỗ trợ, điều quan trọng nhất là ý thức của đồng bào Khmer đã có nhiều thay đổi. Bà con không còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước mà đã ý thức hơn về phát triển kinh tế gia đình, tích cực lao động sản xuất nhằm giảm nghèo. Chính vì vậy, trong những năm gần đây đời sống đồng bào Khmer không ngừng nâng lên thấy rõ”. 

Có thể nói, sự vươn lên của đồng bào dân tộc Khmer ở Trần Đề cho thấy những dấu hiệu tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của đồng bào dân tộc Khmer; qua đó, khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước đã phát huy hiệu quả, diện mạo nông thôn, phum sóc ngày càng đổi mới./.

Phương Nghi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực