Trao Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ của tỉnh Quảng Nam

Thứ hai, 29/08/2016 20:50
(ĐCSVN) - Chiều 29/8, tại Quảng Nam, đại diện lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công bố chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ và trao Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ của tỉnh Quảng Nam.

Công bố chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Việt Thanh

 trao Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" đối với sản phẩm sâm củ cho đại diện UBND tỉnh Quảng Nam. 

 

Đại diện lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ đã công bố Quyết định số 3235/QĐ-SHTT, ngày 26/8/2016 của Cục Sở hữu trí tuệ về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00049 cho Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý là Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam, chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” với sản phẩm sâm củ. Khu vực địa lý được cấp giấy chứng nhận là xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Sâm Ngọc Linh là loại thân khí sinh thẳng đứng, màu lục hoặc hơi tím, thân rễ nhiều đốt cong ngoằn nghèo, dài từ 3,5 cm đến 10,5 cm, đường kính từ 0,5 cm đến 2 cm, mặt ngoài có màu nâu hoặc vàng xám. Rễ củ có dạng hình con quay dài 2,4 đến 4 cm, đường kính 1,5 cm đến 2 cm, rễ củ có màu nâu nhạt, có những vân ngang và các nốt rễ con, thể chất nạc, chắc, khó bẻ gãy.

Sâm Ngọc Linh là có tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv, thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae). Ngoài ra, còn có một số tên gọi khác là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm (sâm K5), sâm trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm), củ ngải rọm con hay cây thuốc dấu của đồng bào dân tộc sống xung quanh chân núi Ngọc Linh.

Sâm Ngọc Linh có tác dụng như loại thuốc tăng lực, chống lão hóa, hồi dương, tăng cường sức đề kháng, chống độc tố, kích thích điều hòa cơ chế miễn dịch của cơ thể và hỗ trợ phòng bệnh ung thư,... Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm một số nước khác không có là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh tiểu đường,...    

Phát biểu tại buổi Lễ, ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết: Cả thế giới chỉ có nước Việt Nam, cả nước chỉ có 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam và tại 2 tỉnh cũng chỉ có 5 huyện, với 16 xã là có sâm Ngọc Linh. Qua đó, có thể thấy được rằng sâm Ngọc Linh là cây bản địa Việt Nam, đặc hữu của vùng núi Ngọc Linh.

Việc cấp chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ là sự ghi nhận của nhà nước đối với sản vật quý của Quảng Nam và Kon Tum; bởi đây là loại sâm được đánh giá tốt nhất thế giới, được sử dụng như bài thuốc cổ truyền trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Trung Trung bộ Việt Nam. Cho đến nay, sản phẩm sâm Ngọc Linh đã và đang có những đóng góp quan trọng trong đời sống của người dân và trong lĩnh vực y học của Việt Nam.

Hiện nay, việc bảo tồn và phát triển diện tích sâm Ngọc Linh đang trở nên cấp bách, không chỉ để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, mà còn bảo tồn được nguồn gien quý hiếm của đất nước.

Thứ trưởng Trần Việt Thanh nhấn mạnh: “Từ giá trị kinh tế to lớn của sâm Ngọc Linh, đồng thời phát huy lợi thế về điều kiện sản xuất, hình thành những chuỗi giá trị nông sản bền vững là điều mà 2 tỉnh Quảng Nam, Kon Tum nói riêng và Việt Nam nói chung đang hướng đến. Vì thế, trong thời gian tới, cả Quảng Nam và Kon Tum cần tiếp tục tập trung hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp trong để đảm bảo quyền và  lợi ích trong việc trồng và chế biến sâm Ngọc Linh. Tăng cường thu hút, nghiên cứu các giải pháp công nghệ phù hợp để giúp người trồng sâm nâng cao sản lượng. Cùng với đó, 2 tỉnh cũng cần thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ sâm, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách cũng như nhân dân trên địa bàn…”.

Dịp này, Thứ trưởng Trần Việt Thanh đã trao Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ cho đại diện UBND tỉnh Quảng Nam.

Là người đại diện cho địa phương có vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh vừa được công nhận chỉ dẫn địa lý, ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: Với trách nhiệm của mình, UBND huyện Nam Trà My tập trung huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ huyện đến xã, và đặc biệt là sự tham gia thật sự của người dân vào công tác quản lý, bảo vệ chỉ dẫn địa lý đối với sâm Ngọc Linh; địa phương chỉ trồng và phát triển cây sâm Ngọc Linh bản địa, không lai tạp các sản phẩm sâm khác; tổ chức phát triển cây sâm Ngọc Linh ra các xã trên địa bàn huyện theo đúng quy hoạch của tỉnh đã phê duyệt; có chế độ hỗ trợ người dân trồng và phát triển cây sâm Ngọc Linh theo cơ chế đã được tỉnh thông qua; bảo vệ các cây sâm gốc, cây sâm có chất lượng cao để lấy hạt làm giống nhằm duy trì, phát triển nguồn gen gốc; đồng thời với đó là triển khai đề án phát triển vùng sâm gốc để bảo tồn nguồn gen quý và tạo giống cho nhân dân trồng; cương quyết trong việc quản lý và giám sát nguồn giống cung ứng trên địa bàn để kịp thời loại bỏ những giống kém chất lượng….

Tuy nhiên, để thực hiện tốt những chủ trương trên, UBND huyện Nam Trà My cũng đề nghị Chính phủ, các bộ ngành ở Trung ương và UBND tỉnh Quảng Nam quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau: Sâm Ngọc Linh là loại cây trồng có giá trị cao, hiện tại được bà con nhân dân tập trung trồng và phát triển, từng bước xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Bên cạnh đó, trồng sâm Ngọc Linh sẽ góp phần giữ rừng do cây sâm chỉ sống được dưới tán rừng,.... Tuy nhiên, hiện nay khâu giống hết sức khó khăn, chất lượng giống chưa được kiểm định. Vì vậy, đề nghị Nhà nước cần có chính sách nghiên cứu, hỗ trợ giống sâm chất lượng cho nhân dân trồng; có cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà khoa học, các doanh nghiệp nghiên cứu để sản xuất ra các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh như: dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; tổ chức nghiên cứu và thực hiện di thực cây sâm Ngọc Linh từ dãy núi Ngọc Linh ra những nơi khác, nhằm phát triển rộng rãi loại cây này; mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu trao đổi kinh nghiệm với các quốc gia trồng sâm nổi tiến trên thế giới trong việc trồng và chế biến các sản phẩm từ sâm…

Được biết, hiện sâm Ngọc Linh có giá rất cao, từ 45 triệu đồng đến trên 150 triệu đồng/kg, tuỳ theo kích thước, độ tuổi của sâm. Vì vậy, huyện Nam Trà My xác định sâm Ngọc Linh là cây xoá nghèo nên huyện phối hợp cung cấp giống sâm cho người dân trồng được 1 năm tuổi và phát triển rất tốt. Vừa qua, Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh đến năm 2030 chính thức được Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2015. Giai đoạn I từ 2016 - 2020 sẽ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng sâm; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung; bảo tồn giống và phát triển vùng nguyên liệu sâm; công tác truyền thông về cây sâm. Giai đoạn II từ 2020 - 2030 tổ chức phát triển trồng sâm ra 7 xã của huyện với diện tích 30.000ha; phát triển ngành công nghiệp chế biến sâm; phát triển du lịch gắn với phát triển vùng sâm Ngọc Linh. Tổng mức đầu tư của 2 giai đoạn này cần khoảng gần 9.500 tỷ đồng./.

 

 

Tin, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực