Từng bước kiểm soát việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi

Thứ tư, 26/04/2017 18:48
(ĐCSVN) - Vấn đề kiểm soát sử dụng kháng sinh nhằm thực hiện lộ trình từng bước cắt giảm, tiến tới không còn sử dụng kháng sinh trong kích thích sinh trưởng và phòng bệnh đang là mối quan tâm của ngành chăn nuôi. Để thực hiện được mục tiêu trên, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra.

Trước vấn đề trên, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương. (Ảnh: BT)

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết cụ thể về việc loại bỏ dần kháng sinh trong chăn nuôi cũng như các giải pháp để thay thế việc sử dụng kháng sinh?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Đây là chủ trương của Chính phủ trong vấn đề kiểm soát, hạn chế sử dụng kháng sinh đến mức chúng ta sẽ không còn dùng kháng sinh trong chăn nuôi. Nhưng tôi phải nói rõ, kháng sinh dùng trong chăn nuôi có 3 mục đích. Một là kích thích sinh trưởng. Điều này Chính phủ yêu cầu đến 31/12/2017 sẽ loại bỏ, nghĩa là chỉ còn 5-6 tháng nữa thôi thì Việt Nam sẽ không dùng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi để kích thích sinh trưởng.

Mục đích thứ hai là sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi với mục tiêu phòng bệnh.  Chính phủ cũng đưa ra lộ trình chỉ cho phòng bệnh đối với gia súc non. Điều này đã được chỉ rõ trong Nghị định 39 là lợn dưới 25 cân, gia cầm dưới 21 ngày. Và đến năm 2020 thì chúng ta cũng dừng mục đích này.

Mục đích thứ ba là dùng trong điều trị. Rõ ràng khi con vật ốm thì phải điều trị, nhưng điều quan trọng ở đây là Chính phủ yêu cầu điều trị và phòng trị phải có kê đơn của bác sĩ thú y. Mục tiêu là làm sao chúng ta tránh sử dụng kháng sinh ngoài danh mục, tránh sử dụng kháng sinh vượt quá liều cho phépvà tránh sử dụng kháng sinh không đúng liệu trình, gây tác hại tồn dư kháng sinh trong thực phẩm dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh trong điều trị ở cả vật nuôi và con người.

Với lộ trình này, tôi cho rằng Việt Nam đang đi theo hướng tích cực.

PV: Vì sao chúng ta cần thay thế kháng sinh trong chăn nuôi, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Việc dùng kháng sinh gây ra một số tồn tại như trên. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi không thể không phát triển. Và trong môi trường vệ sinh chăn nuôi như chúng ta, không nên nghĩ rằng chúng ta đã tuyệt đối hóa không dùng kháng sinh. Nhưng vấn đề là chúng ta dùng như thế nào để đúng quy trình quy phạm.

Vấn đề thứ hai là tìm giải pháp để thay thế được kháng sinh. Hiện nay, Việt Nam đã có những đề tài nghiên cứu và tìm ra một số giải pháp về công nghệ chăn nuôi, về sản phẩm mà thường là có nguồn gốc từ thảo dược, vi sinh thay thế được các kháng sinh. Tôi cho rằng, song song với pháp luật thì cần phải có giải pháp về công nghệ để giúp cho ngành chăn nuôi, làm sao để người chăn nuôi sản xuất được mà vấn đề sử dụng kháng sinh cũng được kiểm soát.

PV: Ông có thể cho biết vấn đề quản lý việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi như thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Kháng sinh bây giờ nhập về, nếu là thuốc thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã quản lý là không được bán các nguyên liệu đơn kháng sinh ra bên ngoài. Các doanh nghiệp nhập thuốc nguyên liệu kháng sinh về để pha chế thành thuốc thú y phải có phương án sử dụng những nguyên liệu này và chỉ bán ra ngoài dưới các dạng premix (thức ăn bổ sung hỗn hợp) hoặc là những sản phẩm thuốc, không bán nguyên liệu. Điều này ngăn chặn nguy cơ người chăn nuôi mua nguyên liệu kháng sinh trực tiếp về sử dụng.

Vấn đề thứ hai, đối với thức ăn chăn nuôi, kháng sinh với mục đích kích thích sinh trưởng và phòng trị bệnh cũng được nhập khẩu về và bây giờ chúng ta chỉ có khoảng 9 doanh nghiệp nhập. Việc nhập mỗi lô phải có liệt kê kế hoạch sử dụng vào đối tượng nào và thống kê những phần kháng sinh, sản phẩm thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh còn tồn dư của những lô nhập trước, tiếp tục có kế hoạch nhập sau.

Trước kia chúng ta có khoảng 43 kháng sinh được dùng với mục đích kích thích sinh trưởng, thì bây giờ theo Thông tư 06 của Bộ NN&PTNT chỉ còn có 15 kháng sinh. Và 15 kháng sinh này cũng chỉ đến 31/12/2017 là không còn dùng nữa. Với các sản phẩm được nhập về thì quy định rất rõ là không quá 20% hàm lượng kháng sinh, nghĩa là chúng ta tránh tình trạng nhập nguyên liệu 100% là kháng sinh đậm đặc.

Thứ hai là trong mỗi sản phẩm không được quá 2 kháng sinh nhằm tránh những tương tác kháng sinh không tốt. Về tổ chức thực hiện, Cục Chăn nuôi đã hướng dẫn có 2 thời điểm rất rõ đối với kháng sinh kích thích sinh trưởng. Trong tháng 5 này, các doanh nghiệp không được phép nhập những sản phẩm thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh nằm ngoài Thông tư 06 vì chỉ đến 31/6 là không được sử dụng nữa.

Và thời điểm thứ hai là trước 31/12, Thông tư 06 không còn hiệu lực nữa, chúng tôi cũng đã khuyến cáo tháng 10, các doanh nghiệp không còn phải nhập nữa, bởi vì nhập về chỉ sử dụng được khoảng 2 tháng.

PV: Xin cảm ơn ông!

BT (ghi)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực