Ứng phó với bão số 2: Cần đảm bảo an toàn cho tàu thuyền

Chủ nhật, 02/08/2020 12:35
ĐCSVN) - Nhằm ứng phó với bão số 2, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị các đơn vị, địa phương cần tiếp tục theo dõi, đảm bảo an toàn tàu thuyền, nhất là tại các khu neo đậu, khu nuôi trồng thủy hải sản; cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Bão số 2 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10

 Hướng đi của bão số 2 (Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia)

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 7 giờ ngày 2/8, vị trí tâm bão ở khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 130km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Ninh Bình đến Nghệ An và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19 giờ ngày 2/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 105,0 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi Thanh Hóa - Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 - 50km/giờ), giật cấp 8.

Trong 12 - 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào. Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Phía Bắc vĩ tuyến 17,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 110,0 độ Kinh Đông.

Về tình hình mưa, dự báo, trong ngày và đêm 2/8, các tỉnh Thanh Hóa - Quảng Trị mưa 50 - 150mm/24h, có nơi trên 150mm/24h. Từ ngày 2 - 5/8, Bắc Bộ có mưa 200 - 350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt.

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến 5h sáng 2/8, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 56.174 tàu/233.900 lao động. Hiện chưa có thiệt hại và sự cố tàu thuyền trên biển do bão.

Triển khai ứng phó bão số 2, sáng ngày 1/8, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban, cùng Bộ trưởng - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, các tỉnh thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận, khu vực Tây nguyên để chỉ đạo công tác ứng phó với bão, mưa lũ. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện số 1021/CĐ-TTg ngày 1/8/2020 chỉ đạo các các Bộ, ngành và địa phương tập trung ứng phó với bão và mưa lũ.

Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải đã có công điện chỉ đạo các đơn vị liên quan ứng phó với bão số 02. Tổng cục Phòng chống thiên tai có văn bản số 745/PCTT-QLĐĐ ngày 1/8/2020 gửi các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III trở lên, chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện kiểm tra công tác đảm bảo an toàn hệ thống đê điều ứng phó với áp thấp nhiệt đới/bão. Sáng ngày 2/8, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã cử đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 2 tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Tại địa phương, các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng đã ban hành công điện chỉ đạo ứng phó với áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão. Trong đó các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định Ninh Bình đã cấm biển.

Nhằm ứng phó với bão số 2, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị các đơn vị, địa phương cần triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Công điện số 1021/CĐ-TTg ngày 1/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục theo dõi, đảm bảo an toàn tàu thuyền, nhất là tại các khu neo đậu, khu nuôi trồng thủy hải sản; cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực trũng thấp có nguy cơ xảy ra ngập lụt khi mưa lớn, khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; phát hiện, xử lý vật cản gây tắc nghẽn dòng chảy. Kiểm tra các trọng điểm đê điều xung yếu, các hồ đập bị hư hỏng, xuống cấp, đang thi công; bố trí lực lượng sẵn sàng xử lý sự cố ngay từ giờ đầu. Rà soát, kiểm tra phương án vận hành đảm bảo an toàn công trình, hạ du, tránh để tình huống xả lũ bất ngờ gây thiệt hại cho hạ du.

Cùng với đó, kiểm tra hệ thống kênh mương, cống, trạm bơm sẵn sàng tiêu nước chống úng bảo vệ sản xuất, tiêu thoát nước khu vực đô thị. Sơ tán kịp thời các hộ dân bị nguy hiểm, kiểm soát giao thông qua ngầm tràn, nhất là vận tải hành khách, nghiêm cấm vớt củi, gỗ. Kiểm tra phương án sơ tán dân khỏi các khu vực nguy hiểm, trong đó ưu tiên sơ tán tại chỗ, đồng thời rà soát các điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh./.

 

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực