Vai trò của dịch vụ hậu cần trong phát triển kinh tế ASEAN

Thứ sáu, 22/01/2010 10:48

(ĐCSVN) – Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thế giới theo hướng toàn cầu hóa, khu vực hóa, dịch vụ hậu cần ASEAN ngày càng đóng vai trò hết sức quan trọng.

Từ tháng 12/2006, các Bộ trưởng kinh tế ASEAN quyết định đưa thêm dịch vụ hậu cần vào danh mục ưu tiên hội nhập bởi dịch vụ hậu cần có vai trò hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ cho phát triển kinh tế và hoạt động sản xuất hàng hóa ở các nước ASEAN. Dịch vụ hậu cần hoạt động có hiệu quả sẽ góp phần quan trọng nâng cao lợi ích kinh tế - xã hội cho toàn bộ nền kinh tế khu vực, giúp thúc đẩy nhanh quá trình hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Hậu cần ASEAN đóng vai trò quan trọng trong liên kết các hoạt động của chuỗi giá trị toàn cầu GVC (Global Value Chain) như cung cấp, sản xuất, lưu thông phân phối, mở rộng thị trường cho các hoạt động kinh tế.

Dịch vụ hậu cần là một chuỗi các hoạt động liên tục, có liên hệ mật thiết với nhau, tác động qua lại lẫn nhau. Dịch vụ hậu cần xuất hiện trong hầu như toàn bộ quá trình sản xuất, lưu thông và phân phối hàng hóa. Vì vậy, dịch vụ hậu cần có vai trò quan trọng trong hỗ trợ phát triển kinh tế nói chung và trong hoạt động sản xuất hàng hóa nói riêng. Khi thị trường toàn cầu phát triển cùng với các tiến bộ của khoa học công nghệ, đặc biệt là việc mở cửa thị trường ở các nước đang và chậm phát triển, thì hậu cần được các nhà quản lý coi như là công cụ, phương tiện liên kết các lĩnh vực khác nhau trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Hậu cần tạo ra sự tiện ích về thời gian và địa điểm cho các hoạt động của doanh nghiệp bởi vì hậu cần chính là "có được thứ mình cần thiết tại thời điểm và thời gian đúng nhất". Trên cơ sở tận dụng các ưu điểm của khoa học công nghệ, của công nghệ thông tin để điều phối hàng hóa từ khâu tiền sản xuất tới tận tay người tiêu dùng thông qua các công đoạn: dịch chuyển, lưu kho và phân phối hàng hóa.

Hậu cần có vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa chu trình lưu chuyển của sản xuất kinh doanh từ khâu đầu vào nguyên vật liệu, phụ kiện….tới sản phẩm cuối cùng đến tay khách hàng sử dụng.

Khi đề cập đến vai trò của lĩnh vực hậu cần, các nhà lãnh đạo chính phủ ASEAN thừa nhận rằng, giao thông vận tải là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế và tính cạnh tranh quốc tế của ASEAN trong khu vực và trên thị trường thế giới. Đặc biệt, khi các cuộc khủng hoảng năng lượng xảy ra liên tiếp từ thập niên 1970 buộc các doanh nghiệp ASEAN phải quan tâm hơn tới chi phí, đặc biệt là chi phí vận chuyển. Trong buôn bán quốc tế, chi phí vận chuyển chiếm tỉ trọng khá lớn, theo số liệu thống kê của UNCTAD[1] thì chi phí vận chuyển đường biển chiếm trung bình 10-15% giá FOB (Free on Board là giá giao lên tàu tại cảng xếp hàng), và khoảng 8-9% gía CIF (Cost, Insurance, Freight là giá thành, phí bảo hiểm, cước phí vận chuyển đường sông). Giao thông vận tải có vai trò quan trọng nhất trong hệ thống hậu cần, cho nên dịch vụ hậu cần ngày càng hoàn thiện và hiện đại sẽ tiết kiệm cho phí vận tải và các chi phí khác phát sinh trong qúa trình vận chuyển dẫn đến tiết kiệm và giảm chi phí lưu thông. Nếu tính cả chi phí vận tải, tổng chi phí hậu cần (bao gồm đóng gói, lưu kho, vận tải, quản lý….) ước tính chiếm tới 20% tổng chi phí sản xuất ở các nước phát triển, trong khi đó nếu chỉ tính riêng chi phí vận chuyển có thể chiếm tới 40% giá trị xuất khẩu của một số nước không có đường bờ biển (như Lào). Rõ ràng, nâng cao chất lượng dịch vụ hậu cần và giao thông vận tải sẽ thúc đẩy năng lực xuất khẩu của mỗi quốc gia và do đó xuất khẩu của toàn khu vực cũng tăng lên. Lãi suất ngân hàng cao trong nhiều giai đoạn cũng khiến các doanh nghiệp có nhận thức sâu sắc hơn về vốn, vì vốn sẽ bị đọng lại do việc duy trì qúa nhiều hàng tồn kho. Chính trong giai đoạn này, cách thức tối ưu hóa qúa trình sản xuất, lưu kho, vận chuyển hàng hóa đuợc đặt lên hàng đầu. Với sự trợ giúp của công nghệ thông tin, hậu cần chính là công cụ đắc lực để thực hiện điều này.

Hậu cần hỗ trợ cho các nhà quản lý ra quyết định chính xác trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong qúa trình sản xuất kinh doanh, nhà quản lý phải giải quyết nhiều bài toán hóc búa về nguồn nguyên liệu cung ứng, số lượng và thời điểm hiệu qủa để bổ sung nguồn nguyên liệu, phương tiện và hành trình vận tải, địa điểm, bãi chứa thành phẩm, bán thành phẩm… Để giải quyết những vấn đề này một cách có hiệu qủa không thể thiếu vai trò hậu cần vì hậu cần cho phép nhà quản lý kiểm soát và ra quyết định chính xác về các vấn đề nêu trên để giảm tối đa chi phí phát sinh đảm bảo hiệu qủa trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hậu cần đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo yếu tố đúng thời gian, địa điểm (just in time).

Quá trình toàn cầu hóa kinh tế đã làm cho hàng hóa và sự vận động của chúng phong phú và phức tạp hơn, đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ, đặt ra yêu cầu mới đối với dịch vụ vận tải giao nhận. Đồng thời, để tránh hàng tồn kho, doanh nghiệp phải làm sao để lượng hàng tồn kho luôn là nhỏ nhất. Kết qủa là hoạt động lưu thông nói riêng và hoạt động hậu cần nói chung phải đảm bảo yêu cầu giao hàng đúng lúc, kịp thời, mặt khác phải đảm bảo mục tiêu khống chế lượng hàng tồn kho ở mức tối thiểu. Sự phát triển mạnh mẽ của tin học cho phép kết hợp chặt chẽ quá trình cung ứng, sản xuất, lưu kho hàng hóa, tiêu thụ và vận tải giao nhận, làm cho cả qúa trình này trở nên hiệu qủa hơn, nhanh chóng hơn, nhưng đồng thời cũng phức tạp hơn.

Tóm lại, trong xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa diễn ra mạnh mẽ, trao đổi thương mại giữa các quốc gia, khu vực trên thế giới ngày càng tăng, kéo theo sự phát triển mạnh của các dịch vụ hậu cần như vận tải, kho bãi, thông tin... Dịch vụ hậu cần ASEAN cũng không nằm ngoài xu hướng chung này. Dịch vụ hậu cần đem lại nguồn lợi khổng lồ, là tâm điểm của sự phát triển kinh tế, thương mại của mọi quốc gia. Với nội hàm dịch vụ hậu cần bao gồm các dịch vụ hoạt động tương tác với nhau nhằm chuyển đổi và di dời các nguồn lực kinh tế (nguồn nhân lực, nguyên liệu và các sản phẩm đầu vào khác) từ nơi các nguồn lực đó được khai thác (hoặc tập trung) tới nơi cần thiết cho qúa trình sản xuất, tiêu dùng hàng hóa hoặc dịch vụ đó thì hoạt động này thực sự có vai trò cực kỳ quan trọng trong chu trình hoạt động sản xuất và luân chuyển hàng hóa trên thị trường. Các dịch vụ này thực chất bảo đảm các mối liên kết giao thông vận tải, thông tin viễn thông đa phương diện (dưới nhiều hình thức khác nhau), các nút trạm giao thông liên quan đến sự chuyển giao, dự trữ, các loại giấy phép bàn giao thanh toán, qúa trình đóng gói và phân phối sản phẩm. Với những vai trò đó dịch vụ hậu cần góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, tiết kiệm, giảm chi phí và góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa ASEAN.


[1] UNCTAD (2006), Negotiations on Transport and Logistics Services: Issues to consider. Geneva. (http://www.unctad.org/en/docs/sdtetib

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực