Việt Nam cần tạo bước ngoặt đột phá để phát triển

Thứ hai, 04/01/2010 14:23
Năm 2009, Việt Nam đã bước qua ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Nhìn lại 10 năm đầu của thế kỷ 21, chúng ta rút ra được những bài học gì, những kinh nghiệm gì để chuẩn bị cho bước phát triển của thập kỷ tiếp theo và lâu hơn nữa. Phóng viên báo chí đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh xung quanh vấn đề này.

* PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2009?

* Năm 2009, VN đã vượt qua được tác động của cuộc khủng hoảng tương đối nhanh, nhưng không nhẹ nhàng, hệ quả của nó không thể xem thường. Cùng với đà hồi phục kinh tế thế giới, VN đã tăng trưởng trở lại nhờ những gói kích thích kinh tế của chính phủ, hỗ trợ lãi suất… Nhưng quan trọng là sự nỗ lực của các doanh nghiệp (DN) và nhờ vào một nền nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, bảo đảm an ninh lương thực… Người lao động đã có việc làm trở lại mặc dù người lao động trong lĩnh vực phi hình thức như làng nghề, hộ cá thể, thợ thủ công vẫn còn khó khăn.

* PV: Nhìn lại 10 năm qua, theo ông, kinh tế VN đã có những phát triển như thế nào?

* Trong 10 năm qua, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng. Cơ cấu xuất khẩu vẫn chủ yếu là dầu thô, than đá, cà phê hạt, da giày, may mặc… là những sản phẩm có ít giá trị gia tăng, ít hàm lượng chất xám, trí tuệ của dân tộc VN, con người VN.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2006, 73% tổng tài sản quốc gia của VN là tài nguyên thiên nhiên, 20% là tài sản vốn vật chất đã xây dựng (như kết cấu hạ tầng) và chỉ khoảng 7% là tài sản vốn vô hình (tri thức, vốn con người được đào tạo, công nghệ...) trong khi ở các nước OECD (có thu nhập trên 10.000 USD/người), các chỉ số này là 2%, 17% và 80%.

Hiện nay, việc khai thác tài nguyên VN đã đi gần đến giới hạn tự nhiên. Trong khi đó, từ năm 2006 đến nay, trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), VN tụt liên tục 11 bậc so với trước đó, từ 64 xuống 75/133 nền kinh tế, còn Trung Quốc tăng liên tục, từ 35 lên thứ 29/133.

VN đang đứng trước yêu cầu bức bách phải cải cách để nắm bắt cơ hội phát triển. Chúng ta đã có tiến bộ trong việc thực hiện đội nón bảo hiểm… nhưng trật tự giao thông và giảm tai nạn giao thông chậm tiến bộ. Chúng ta đã dùng những ngôn từ mạnh mẽ nhất để lên án nạn tham nhũng như “nội xâm”, đã ban hành Luật Chống tham nhũng, nhưng kết quả chống tham nhũng trên thực tế còn rất hạn chế.

Trong 10 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp 1999, đã bãi bỏ được 186 giấy phép con, nhưng nền hành chính của chúng ta đã thay đổi bao nhiêu khi số giấy phép con đã tăng lên quá số đã bãi bỏ. Chúng ta có nhiều năm cố gắng nâng cao chất lượng giáo dục, cải cách giáo dục nhưng rõ ràng là chưa đạt hiệu quả mong muốn. Chúng ta mới chủ yếu xuất khẩu lao động tay nghề thấp, chưa xuất khẩu được bác sĩ, chuyên gia giỏi được đào tạo từ nền giáo dục của chúng ta.

Ô nhiễm môi trường sống tại thành thị và nông thôn ngày càng trầm trọng hơn. Vụ hơn 3.000m³ gỗ trôi xuống hạ nguồn sau cơn bão số 9 vừa qua cho thấy mức độ phá rừng rất nghiêm trọng, không đơn thuần là những vụ phá rừng lẻ tẻ do lâm tặc mà đây là những vụ phá rừng có quy mô lớn. Rõ ràng là trong những lĩnh vực kể trên, chúng ta đã tiến lên rất chậm, dưới sự mong đợi của người dân.

*PV:  Kinh tế Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường, theo ông, chúng ta cần làm gì để phát triển căn cơ, bền vững hơn?

* Thay vì tăng trưởng theo chiều rộng, chúng ta phải tăng trưởng theo chiều sâu, tạo thêm giá trị gia tăng cao hơn từ mỗi đơn vị nguyên liệu, nhiên liệu. Thay vì tăng lượng gạo xuất khẩu, chúng ta phải nâng cao chất lượng gạo, giảm thất thoát sau thu hoạch, chế biến các sản phẩm từ gạo, từ cà phê, từ các sản phẩm thủy sản, nông sản thay cho xuất thô như hiện nay. Để đạt được điều này, chúng ta không chỉ đầu tư vào công nghệ, đào tạo lao động mà cần có kết cấu hạ tầng hiện đại, bộ máy hành chính chuyên nghiệp, trong sạch, doanh nghiệp có thương hiệu quốc tế. Không thể chấp nhận gạo, cà phê, hàng thủy sản Việt Nam chỉ xuất thô trong khi lao động cần việc làm.

Chúng ta cần tạo bước ngoặt, một bước phát triển vượt bậc. Trước hết phải tiếp tục cải cách thể chế cho nền kinh tế thị trường. Cơ chế thị trường phát huy sự năng động, sáng tạo và huy động nguồn vốn từ nhân dân; cải cách bộ máy nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân. Người dân có quyền tiếp cận thông tin, cần ban hành luật về trưng cầu dân ý, vận động hành lang và thực thi các luật một cách nghiêm túc. Có những cơ quan chăm lo lợi ích lâu dài cho dân tộc và không bị tác động bởi những lợi ích nhóm.

Về giáo dục, cần đào tạo người lao động VN có kỹ năng, kỷ luật, khao khát sáng tạo, năng lực sáng tạo và có không gian sáng tạo một cách thực chất. Có không ít sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp ở nước ngoài tuy muốn về Việt Nam làm nhưng chỉ được một thời gian ngắn lại phải ra nước ngoài. Không hẳn vì tiền mà vì họ không có đủ không gian sáng tạo, một môi trường làm việc để phát huy hết khả năng, và một môi trường tôn trọng người lao động. Hiện nay, hầu hết sinh viên Việt Nam ra nước ngoài học đều giỏi đến hết năm thứ 2 vì đây là thời gian học những môn cơ bản. Nhưng sang những năm tiếp theo, khi học những môn đòi hỏi tư duy độc lập, sáng tạo thì số sinh viên giỏi của Việt Nam giảm rất nhiều và đến khi tốt nghiệp thì số sinh viên giỏi còn rất ít.

Giáo dục là sự nghiệp và trách nhiệm của toàn dân, hiện nay ngành giáo dục của chúng ta đang nỗ lực một cách đơn độc mà chưa thật sự có sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Không chỉ cải cách giáo dục mà phải cải tổ cả hệ thống. Đây là trách nhiệm của toàn xã hội, của toàn dân.

* PV: Xin cảm ơn ông! 


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực