Việt Nam tìm kiếm thêm cơ hội hợp tác vận tải logistics đường sắt với các nước thành viên OSJD

Thứ sáu, 20/04/2018 08:55
(ĐCSVN) - Với việc đăng cai thành công Phiên họp thứ 33, Hội nghị Tổng Giám đốc (đại diện phụ trách) Tổ chức hợp tác đường sắt (OSJD) tại Đà Nẵng trong các ngày 16-19/4/2018, Việt Nam thể hiện vai trò quan trọng trong củng cố và thắt chặt tình hữu nghị, hợp tác hiệu quả giữa các thành viên trên nhiều lĩnh vực đặc thù.

Trong năm 2017, OSJD (Organization for Cooperation of Railways) chủ yếu tập trung vào việc hoàn thiện và phát triển liên vận hành khách và hàng hóa đường sắt quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh vận tải hành khách và hàng hoá trong không gian Á - Âu, tăng cường khung pháp lý để đạt được hiệu quả cao nhất trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt và đáp ứng nhu cầu của các thành viên.

Đặc biệt, tổ chức có trụ sở tại thủ đô Vác-sa-va của Ba Lan đã thành công trong việc xây dựng vận tải đa phương thức và tạo các hành trình container mới trên các tuyến với tổng số 290 hành trình (150 hành trình chạy thường xuyên).

Các đại biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Anh Tuấn)

Phát biểu trước gần 120 đại biểu đến từ 20 đoàn thành viên OSJD, 7 doanh nghiệp liên kết và 2 tổ chức quốc tế, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết Việt Nam xác định bên cạnh cải cách thể chế, phát triển nguồn nhân lực thì phát triển kết cấu hạ tầng cũng được coi là khâu đột phá chiến lược.

Theo đại diện chủ nhà, đường sắt trong khối OSJD được các quốc gia quan tâm đầu tư, phát triển, ban hành nhiều cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện kết nối hạ tầng tốt hơn, chú trọng liên kết vận tải qua hai châu lục Á - Âu, cùng với đó là sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ giữa đường sắt và các phương thức vận tải khác, đặc biệt là hàng không giá rẻ, chuỗi vận tải biển, đòi hỏi ngành này phải nỗ lực hơn nữa để tồn tại và phát triển.

Chính phủ và Bộ GTVT đã ban hành nhiều chính sách tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhằm thu hút vốn đầu tư cả trong và ngoài nước với nhiều thành phần/hình thức như ngân sách, trái phiếu, đối tác công - tư, chuyển nhượng quyền kinh doanh khai thác kết cấu hạ tầng hiện có, khai thác quỹ đất và các dịch vụ có liên quan. Ngoài ra, bản thân ngành đường sắt đang tích cực, chủ động thực hiện tái cơ cấu, đổi mới tổ chức quản lý, sản xuất kinh doanh, tăng cường đầu tư, xây dựng kết nối với mạng lưới quốc tế như Trung Quốc, Lào, Campuchia, ASEAN, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút khách hàng, mở rộng và tăng thị phần vận tải.


Trưởng các đoàn chụp ảnh chung với chủ nhà Việt Nam. (Ảnh: Anh Tuấn)

Tới đây, Bộ sẽ trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai, kết nối với Trung Quốc, từ đó giúp ngành phát triển theo hướng hiện đại, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, cơ quan này vẫn tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để ngành hiện thực hóa những mục tiêu đặt ra trong Chiến lược giao thông đường sắt đến năm 2020, tầm nhìn 2050, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của mạng lưới đường sắt OSJD.

Là một quốc gia phát triển năng động trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam cũng đã tham gia và thực hiện nhiều hiệp định thương mại với các nước trên thế giới và gần đây đã ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và đang chuẩn bị ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA). Từ đó trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước này trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng trưởng. Đây cũng là cơ hội, thách thức đặt ra yêu cầu Việt Nam phải thiết lập một mạng lưới giao thông và logistics hiệu quả hơn có tích hợp các phương thức (đường bộ, đường sắt, đường biển, và đường hàng không).

Sau nhiều phiên thảo luận trên tinh thần hợp tác và xây dựng, chiều muộn 19/4, Hội nghị đã thông qua 16 Nghị quyết nằm trong thẩm quyền của Hội nghị Tổng Giám đốc nhằm đảm bảo hoạt động của Tổ chức trong giai đoạn 2018 - 2019 và trình lên Hội nghị Bộ trưởng thông qua những nghị quyết nằm trong thẩm quyền của Hội nghị Bộ trưởng, về các lĩnh vực vận tải hàng hóa và hành khách, cơ sở hạ tầng và đầu máy toa xe, mã hóa và công nghệ thông tin, tài chính và thanh toán, giáo dục/đào tạo nghề nghiệp trong lĩnh vực vận tải đường sắt, bổ nhiệm lãnh đạo Ủy ban OSJD, phân bổ chức danh trong bộ máy lãnh đạo Ủy ban, chức danh Trưởng ban và chuyên gia tại các bộ máy làm việc của OSJD kể từ ngày 01/7/2018, chương trình công tác năm 2019 và những năm tiếp theo.

Bên lề hội nghị, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã có các cuộc gặp song phương tìm kiếm cơ hội hợp tác để phát triển vận tải logistics bằng phương tiện đường sắt giữa Việt Nam và các nước thành viên, tổ chức chạy các đoàn tàu container chuyên tuyến từ Việt Nam đến châu Âu, tăng cường hợp tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt tại Việt Nam nhằm kết nối Mạng đường sắt xuyên Á và các dự án trong khuôn khổ Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam, thúc đẩy và mở rộng hợp tác trong nghiên cứu, tổ chức sản xuất và cung ứng đầu máy toa xe, máy móc, thiết bị, vật liệu xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt và thiết bị đảm bảo an toàn chạy tàu…/.

Ra đời trong một Hội nghị quốc tế cấp Bộ trưởng tổ chức tại thủ đô Xô-phi-a (Bulgaria) ngày 28/6/1956 với tổng chiều dài các tuyến ban đầu khoảng 227.000 km, đến nay, OSJD đang quản lý và khai thác mạng lưới 281.215,8 km đường sắt, cùng với đó là khoảng 4 tỷ lượt hành khách và 6 tỷ tấn hàng hóa chuyên chở mỗi năm. 
Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực