Vĩnh Long hướng tới ngành chăn nuôi phát triển bền vững

Chủ nhật, 05/07/2020 09:44
(ĐCSVN) - Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long), toàn tỉnh hiện có 110 trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn, trong đó có 76 trang trại ứng dụng cơ giới hóa với quy trình chăn nuôi tiên tiến…
Mô hình nuôi gia cầm tập trung cho hiệu quả kinh tế cao ở Vĩnh Long. (Ảnh: K.V) 

Những năm trước đây, phần lớn việc chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Vĩnh Long ở qui mô nhỏ lẻ, giúp cải thiện thu nhập cho các gia đình ở nông thôn. Tuy nhiên, chăn nuôi theo hình thức này phát sinh nhiều mối nguy về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường…, chính vì thế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hỗ trợ, khuyến khích người chăn nuôi từng bước chuyển dần sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn.

Có thể thấy, tỉnh Vĩnh Long có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, trước thực tế này, Tỉnh đang định hướng chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp; tập trung các dự án ưu tiên có định hướng trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp về con giống, mô hình chăn nuôi trang trại, chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn sinh học, xây dựng các cơ sở nuôi an toàn dịch bệnh và thực hành nuôi tốt- VietGAP.

Theo đó, chăn nuôi theo mô hình tập trung sẽ giúp người chăn nuôi vừa tiết kiệm được nhiều chi phí sản xuất, chủ động được trong công tác tiêm phòng, giảm thiểu bệnh tật, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững hơn. Nhiều địa phương ở Vĩnh Long đã triển khai thực hiện được những mô hình xử lý chất thải, chăn nuôi an toàn sinh học bảo vệ môi trường khá tốt.

Để bảo vệ môi trường trong chăn nuôi thì thời gian qua, các địa phương đã đẩy mạnh phương án chăn nuôi kết hợp với biogas. Đồng thời Vĩnh Long củng cố lại mạng lưới thú y cơ sở; đầu tư phương tiện, thiết bị cho cán bộ nông nghiệp xã nhằm nâng cao năng lực quản lý và giám sát dịch bệnh tại địa phương; tổ chức liên kết giữa các trang trại chăn nuôi - doanh nghiệp chế biến thức ăn - cơ sở chế biến và phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi an toàn…

Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh cũng thực hiện quản lý chặt chất lượng nguồn giống, thức ăn, kiểm soát vận chuyển, giết mổ, bảo quản và chế biến sản phẩm chăn nuôi; tập trung đưa các giống mới, có hiệu quả kinh tế, chất lượng cao vào nuôi như bò thịt, lợn hướng nạc, gia cầm siêu thịt, siêu trứng... theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, giảm bớt thời gian nuôi, tăng số lứa trong năm. Khai thác và tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương để sản xuất thức ăn chăn nuôi... Nhờ vậy, đã góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong phát triển chăn nuôi, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô trong chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Để đàn vật nuôi trên địa bàn phát triển ổn định và ngày càng nâng cao chất lượng, thời gian tới, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hộ gia đình, các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi và hình thành các khu chăn nuôi tập trung; áp dụng quy trình phòng chống dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường, vùng an toàn dịch nhằm phát huy lợi thế so sánh của một số sản phẩm tiêu biểu của địa phương. Xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm chăn nuôi đặc sản địa phương. Tổ chức lại hệ thống giết mổ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường; tăng cường kiểm soát hiệu quả, chặt chẽ dịch bệnh và quản lý, kiểm soát chất lượng thức ăn, thuốc thú y (chất cấm, kháng sinh…) sử dụng trong chăn nuôi.

Các ngành chức năng cũng tăng cường giúp đỡ, tư vấn các hộ dân tham gia các mô hình phát triển chăn nuôi lựa chọn con giống tốt, vệ sinh phòng bệnh nhằm giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh và nâng cao hiệu quả sản xuất mở rộng quy mô chăn nuôi. Khuyến khích việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của các chương trình, dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi quy mô trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa. Cùng với đó, đẩy mạnh nâng cao kiến thức, năng lực cho người chăn nuôi để họ có khả năng tiếp cận với khoa học, công nghệ mới, chuyển giao nhanh và áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi…Từ đó, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực