Vượt qua dịch bệnh, kinh tế Việt Nam duy trì đà tăng trưởng thấp

* GDP 9 tháng tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020
Thứ tư, 30/09/2020 20:33
(ĐCSVN) - Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2020 ước tính tăng 2,12% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của 9 tháng trong các năm 2011-2020. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19, thì đây có thể xem là một thành công của nước ta trong việc khôi phục và phát triển kinh tế.

Tăng trưởng GDP trong bối cảnh nỗ lực “hành động kép”

 Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý  III và 9 tháng năm 2020.(Ảnh: HNV)

Báo cáo số liệu tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2020, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh, GDP quý III/2020 ước tính tăng 2,62% so với cùng kỳ năm 2019, là mức tăng thấp nhất của quý III các năm trong giai đoạn 2011-2020.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 được kiểm soát chặt chẽ, nền kinh tế từng bước hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới nên GDP quý III/2020 tăng trưởng khởi sắc so với quý II/2020, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,93%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,95%; khu vực dịch vụ tăng 2,75%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,70%.

Về sử dụng GDP quý III năm nay, tiêu dùng cuối cùng tăng 1,19% so với cùng kỳ 2019; tích lũy tài sản tăng 5,79%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,86%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,88%.

“GDP 9 tháng năm 2020 tăng 2,12% (quý I tăng 3,68%; quý 2 tăng 0,39%; quý 3 tăng 2,62%), là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng dương cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn hệ thống chính trị, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội” – bà Nguyễn Thị Hương cho biết.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,84%, đóng góp 13,62% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,08%, đóng góp 58,35%; khu vực dịch vụ tăng 1,37%, đóng góp 28,03%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2020 tăng thấp so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch COVID-19 và dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 1,65%, chỉ cao hơn mức tăng 0,02% và 0,91% của 9 tháng năm 2016 và năm 2019 trong giai đoạn 2011-2020, đóng góp 0,19 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 2,02% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,01 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,44%, cao hơn mức tăng 2,11% và 1,81% của 9 tháng năm 2015 và năm 2016 trong giai đoạn 2011-2020, đóng góp 0,08 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 9 tháng năm 2020 tăng 2,69% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ các năm 2011-2020, đóng góp 0,91 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,05%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,16%; khu vực dịch vụ chiếm 42,73%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,06% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2019 là: 13,21%; 33,97%; 42,75%; 10,07%).

Có thể thấy, 9 tháng qua, kinh tế - xã hội nước ta đã diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Các nền kinh tế lớn đối mặt với tình trạng suy thoái sâu, tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, đến thời điểm giữa tháng 9, khi các nền kinh tế tái khởi động sau phong tỏa do dịch COVID-19, dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới có những dấu hiệu khả quan hơn. Thương mại toàn cầu, giá cả hàng hóa đang dần được phục hồi, thị trường chứng khoán toàn cầu đã cho thấy mức tăng cao nhờ sự nới lỏng của các ngân hàng trung ương và dần mở cửa trở lại của một số nền kinh tế. Dòng vốn vào các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tiếp tục nới lỏng, lạm phát duy trì ở mức thấp.

Cả nước có gần 99 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và cũng như tháng Bảy âm lịch nên trong tháng 9/2020 cả nước có 10,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 203,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 83 nghìn lao động, giảm 23,1% về số doanh nghiệp, giảm 29,6% về vốn đăng ký và giảm 13,8% về số lao động so với tháng 8/2020.

Tính chung 9 tháng, cả nước có gần 99 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.428,5 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 777,9 nghìn lao động, giảm 3,2% về số doanh nghiệp, tăng 10,7% về vốn đăng ký và giảm 16,3% về số lao động so với cùng kỳ 2019. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đạt 14,4 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 2.173,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 29,5 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng năm nay là 3.601,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ 2019. Bên cạnh đó, còn có 34,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 25,5% so với 9 tháng năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng lên 133,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 2,9% so với cùng kỳ 2019.

Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 cũng làm cho hoạt động của nhiều doanh nghiệp thực sự khó khăn. Minh chứng là trong 9 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 38,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 81,8% so với cùng kỳ 2019.

Việt Nam đang nỗ lực thực hiện hiệu quả nhiệm vụ "kép" trong bối cảnh hiện nay. (Ảnh: HNV)

Một số tín hiệu khả quan dù dịch COVID-19 đang gây khó

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/9/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 21,2 tỷ USD, giảm 18,9% so với cùng kỳ 2019. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng ước tính đạt gần 13,8 tỷ USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ 2019.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 tiếp tục được kiểm soát trên phạm vi cả nước, một số địa phương trong vùng dịch nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội, từng bước khôi phục trở lại các hoạt động kinh tế đã tác động đến kết quả thu, chi ngân sách Nhà nước trong tháng 9/2020. Theo đó, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2020 ước tính đạt 902,5 nghìn tỷ đồng, bằng 59,7% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 747,3 nghìn tỷ đồng, bằng 59,1%; thu từ dầu thô 26,3 nghìn tỷ đồng, bằng 74,9%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 128 nghìn tỷ đồng, bằng 61,6%.

Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương, trong đó nổi lên vai trò của khu vực kinh tế trong nước. Tính chung 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 388,73 tỷ USD, tăng 1,8%, trong đó xuất khẩu đạt 202,86 tỷ USD (tăng 4,2%). Khu vực kinh tế trong nước có giá trị kim ngạch xuất khẩu 9 tháng tăng cao 20,2%, nhập khẩu tăng 4,7%. Cán cân thương mại 9 tháng tiếp tục xuất siêu với mức 16,99 tỷ USD.

Như khẳng định của Tổng Cục trưởng Nguyễn Thị Hương, mặc dù 9 tháng năm nay chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19 nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của nhân dân nên nhìn chung đời sống dân cư cả nước giữ ổn định; công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.

Đáng mừng hơn cả là dù dịch COVID-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng tại Việt Nam, dịch cơ bản được kiểm soát và chuyển sang trạng thái bình thường mới, tiếp tục chuỗi ngày không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng./.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực