Xây dựng nông thôn mới ở Yên Châu (Sơn La)

Thứ bảy, 11/06/2016 16:30
(ĐCSVN) - Thời gian qua, cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, cán bộ và nhân dân huyện Yên Châu (Sơn La) đã huy động mọi nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, diện mạo nông thôn khu vực miền núi có những thay đổi tích cực.

Đồng chí Hà Như Huệ, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu cho biết: với đặc thù là xã miền núi, huyện có 15 xã, thị trấn, trong đó có 4 xã vùng cao biên giới, hai xã đặc biệt khó khăn và 62 bản đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 của Chính phủ. Huyện có 47 km đường biên giới tiếp giáp với nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào... Với nhiều thành phần dân tộc sinh sống, năm 2010 thu nhập bình quân của huyện thấp, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn chiếm 41,34%. Công tác triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM mới tại Yên Châu gặp không ít những khó khăn.

Yên Châu đang trên con đường phát triển - Ảnh: HM

Khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, với xuất phát điểm thấp, tính đến hết năm 2012 mới có 3 xã đạt 5 tiêu chí, không có xã nào đạt từ 6 tiêu chí trở lên. Đến hết năm 2014 vẫn còn 3 tiêu chí: giao thông; cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí hệ thống chính trị vững mạnh chưa có xã nào đạt. Số lượng tiêu chí đạt chuẩn tăng bình quân thấp, các tiêu chí đạt được chưa bền vững.

Xác định rõ những khó khăn, thử thách trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng NTM, Ban chỉ đạo Xây dựng NTM huyện tổ chức tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên về quan điểm, nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong xây dựng NTM. Các cơ quan, đơn vị đã chủ động tuyên truyền các nội dung của chương trình, lồng ghép với các nội dung của cơ quan, đơn vị mình vào triển khai thực hiện nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra.

Cùng với đó, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp có hiệu quả trong tổ chức thực hiện giữa các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tạo được sự đồng thuận cao của toàn xã hội đối với chủ trương xây dựng NTM. Công tác triển khai lập quy hoạch, xây dựng đề án xã theo tiêu chí NTM được triển khai thực hiện cơ bản đạt kế hoạch đề ra.

Đặc biệt, huyện đã chú trọng thực hiện công tác dân vận trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đến từng thôn, bản và cá nhân mỗi người dân. Huyện đã tổ chức hội nghị tuyên truyền tập trung tại 14/14 xã và tổ chức được 184 hội nghị cấp bản. Qua đó, nhận thức của nhân dân các dân tộc về chủ trương, cách làm trong chương trình xây dựng NTM ngày càng được nâng cao.

Mặt khác, huyện cũng chú trọng công tác tuyên truyền thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở đã lồng ghép việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách và các nội chung Chương trình xây dựng NTM; thông qua việc tổ chức liên hoan bản, tiểu khu văn hoá cấp xã, trong nội dung thi có phần tìm hiểu về Chương trình xây dựng NTM và đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư” gắn với phong trào “Chung sức xây dựng NTM”.

Mô hình trồng rau vụ đông tại xã Chiềng Pằn
những năm qua đã mang lại thu nhập ổn định của người dân - Ảnh: HM

Xác định ý nghĩa của việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện đã xây dựng được 564 mô hình khuyến nông, trong đó có 388 mô hình khuyến nông tự nguyện. Hầu hết các mô hình khuyến nông được đánh giá tốt và đã được áp dụng vào sản xuất như mô hình trồng tỏi, mô hình trồng ngô nếp, mô hình cải tạo vườn tạp (ghép nhãn, xoài, bưởi), mô hình khuyến công, mô hình chăn nuôi, cải tạo đàn bò... mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, với phương châm “được biết, được bàn, được làm, được quyết định”, nhân dân ở các xã trong huyện đã hiến trên 10.000 m2 đất, đóng góp 23.600 m3 cát sỏi, trên 28.800 công lao động xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn. Từ nguồn ngân sách của Chính phủ thông qua các chương trình, dự án, Yên Châu đã có 100% số xã trên địa bàn huyện có đường ô tô đến trung tâm xã, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế. Mạng lưới y tế cơ sở được kiện toàn tổ chức bộ máy và đầu tư nâng cấp trang thiết bị, từng bước đáp ứng việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ban đầu cho Nhân dân ở các xã, bản vùng sâu, vùng xa.

Hiện Yên Châu có 1 xã đạt 16 tiêu chí; 1 xã đạt 11 tiêu chí; 6 xã đạt 6-8 tiêu chí, các xã còn lại đạt 3 - 5 tiêu chí. Đời sống người dân từng bước được nâng cao, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn. 

Được chọn là xã điểm trong triển khai xây dựng NTM, Chiềng Pằn đã không ngừng nỗ lực để cuối năm 2016 về đích NTM. Đồng chí Đào Xuân Dũng, Chủ tịch UBND xã Chiềng Pằn trao đổi với chúng tôi: từ chủ trương đến cách làm xã đều phát huy tối đa tính dân chủ trong dân, qua đó tạo sự đồng thuận cao của Nhân dân các dân tộc trong xã. Xã đã tổ chức phát động các phong trào thi đua một cách thiết thực, gắn với từng nội dung, chương trình, việc làm cụ thể, tạo ra sản phẩm mẫu để vận động nhân dân tham gia làm theo, thông qua các phong trào, các tổ chức, đơn vị được lập các dự án và huy động nguồn lực để xây dựng mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Hiện xã Chiềng Pằn đã đạt 16/19 tiêu chí, riêng 3 tiêu chí về giao thông, nhà văn hóa và tiêu chí trường học thì hiện xã đã hoàn thiện được trên 90%.

“Từ chủ trương đúng, đến cách làm đúng cho đến nay đời sống của nhân dân các dân tộc miền núi tại xã Chiềng Pằn đã có những thay đổi đáng kể từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM. Những con đường lầy lội liên bản từ sự tự nguyện hiến đất, góp công góp tiền đã được thay bằng đường trải bê tông; diện tích đất lúa cho thu hoạch kém hiệu quả được chuyển sang trồng rau vụ đông mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân. Nếu thu nhập theo đầu người của xã năm 2010 chỉ đạt 8,5 triệu/người/năm thì năm 2015 thu nhập bình quân đạt 18,4 triệu/người/năm…” - đồng chí Đào Văn Dũng khẳng định.

Tuy nhiên, hiện huyện Yên Châu vẫn còn 6 xã chỉ đạt 3 - 5 tiêu chí. Nguyên nhân chủ yếu là do còn lúng túng trong việc xác định thế mạnh kinh tế của địa phương để định hướng cho nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chưa nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả nên không tạo được lượng hàng hóa lớn và có chất lượng cao; nguồn lực phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thiếu; đời sống kinh tế của Nhân dân còn nhiều khó khăn nên việc huy động nguồn lực trong dân còn nhiều hạn chế... 

Mục tiêu của Yên Châu là đến năm 2020, toàn huyện có ít nhất 50% số xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí cơ bản của bộ tiêu chí Quốc gia về NTM; tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 2% - 2,5%... Để đạt được những mục tiêu đề ra, thời gian tới, Yên Châu tiếp tục làm tốt công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới. Rà soát, bố trí cán bộ công chức xã theo tiêu chuẩn quy định và có giải pháp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức xã đạt chuẩn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình.

Song song với đó, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa; xây dựng cơ sở hạ tầng có trọng điểm theo quy hoạch; tiếp tục triển khai thực hiện chương trình làm đường giao thông nông thôn; chú trọng chuẩn hóa, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân ở tuyến cơ sở; thực hiện đồng bộ các chính sách về đầu tư cho giáo dục...

 

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực