Xây dựng Vĩnh Long phát triển toàn diện nông, công nghiệp và dịch vụ hiện đại

Thứ bảy, 05/01/2019 11:03
(ĐCSVN) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1824/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Long năm 2018
(Ảnh:Thống Nhất)

Mục tiêu nhằm tập trung phát triển kinh tế, rút ngắn khoảng cách và trình độ phát triển chung của cả nước; xây dựng Vĩnh Long phát triển toàn diện nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ hiện đại, có ngành dịch vụ du lịch phát triển mạnh, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đồng bộ, kết nối tốt với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, đời sống người dân được cải thiện; quốc phòng an ninh được đảm bảo, trật tự xã hội được giữ vững.

Vĩnh Long phấn đấu tổng sản phẩm địa phương (GRDP) đến năm 2020 chiếm tỷ trọng khoảng 6%-7% của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và chiếm khoảng 1%-2% của cả nước; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 khoảng 1.950 USD. Tỷ trọng nông lâm nghiệp, thủy sản chiếm 28%, công nghiệp - xây dựng chiếm 25,6%, dịch vụ chiếm 46,4% trong cơ cấu kinh tế vào năm 2020; xuất khẩu đến năm 2020 đạt khoảng 530 triệu USD. 

Về phương hướng phát triển các ngành và lĩnh vực, Vĩnh Long sẽ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước; phát triển các sản phẩm lúa chất lượng cao; chuyển từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang quy mô lớn; tiếp tục khai thác hiệu quả những lợi thế hiện có của ngành thủy sản, khôi phục, đưa ngành thủy sản thành thế mạnh.

Về công nghiệp, xây dựng khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tăng trưởng nhanh ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, bảo vệ môi trường. Các ngành công nghiệp chính: Phát triển và mở rộng công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm và đồ uống; sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp dệt may, da giày; công nghiệp hóa chất, dược phẩm và thiết bị y tế...

Về thương mại, dịch vụ, tỉnh Vĩnh Long phát triển các ngành dịch vụ, thương mại văn minh, hiện đại với sự tham gia của các thành phần kinh tế; phát huy vai trò của thương mại trong định hướng, thúc đẩy sản xuất phát triển, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng phong phú của người dân; tăng cường xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng cao; phát triển du lịch sinh thái, đa dạng sản phẩm, loại hình...

Danh mục gồm 151 chương trình, đề án, dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư cũng được ban hành kèm theo Quy hoạch. Trong đó có 3 dự án do Trung ương đầu tư, 48 chương trình, đề án do tỉnh quản lý, 100 dự án kêu gọi đầu tư ngoài. Các chương trình, dự án này được thực hiện theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 2016 -2020 và giai đoạn 2020-2030./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực