Xử lý 75.264 vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong 6 tháng đầu năm

Thứ năm, 23/07/2020 21:17
(ĐCSVN)- Trong 6 tháng đầu năm 2020, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 75.264 vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thu nộp ngân sách 11.291 tỷ 708 triệu đồng (tăng 83 % so với cùng kỳ).
HÌnh ảnh tại buổi họp báo (Ảnh: M.P) 

Đây là thông tin được cung cấp tại buổi họp báo về kết quả công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (Ban Chỉ đạo 389) vừa qua.

Theo ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389, nhiều đường dây, ổ nhóm đã bị triệt phá, nhiều đối tượng chủ mưu, cầm đầu bị bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật.Trong 6 tháng đầu năm 2020, các cơ quan chức năng đã khởi tố 1.128 vụ (giảm 14 % so với cùng kỳ), 1.346 đối tượng (giảm 13% so với cùng kỳ).

Bộ Tài chính đã thường xuyên chỉ đạo Tổng cục Hải quan và Tổng cục thuế nắm chắc tình hình vụ việc. Kết quả, Tổng cục Hải quan đã phát hiện, xử lý 9.619 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước 1.453 tỷ 105 triệu đồng; khởi tố 18 vụ; chuyển cơ quan khác đề nghị khởi tố 32 vụ. Tổng cục Thuế đã phát hiện, xử lý 21.863 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước 9.544 tỷ 603 triệu đồng.

Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, cảnh sát biển xây dựng nhiều kế hoạch, chuyên đề, nhằm tăng cường công tác kiểm soát tuyến biên giới đường bộ, đường biển. Kết quả, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã phát hiện, xử lý 1.078 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước 22 tỷ 309 triệu đồng; khởi tố 279 vụ, 328 đối tượng; cảnh sát biển đã phát hiện, đã phát hiện, xử lý 161 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước 52 tỷ 126 triệu đồng; khởi tố 63 vụ.

Bộ Công Thương, đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm nóng về kinh doanh hàng giả, vi phạm quyền sở hữ trí tuệ trong thị trường nội địa. Kết quả, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 33.154 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước 145 tỷ 400 triệu đồng.

Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Công an làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình tình tuyến, địa bàn, đối tượng để lập hồ sơ đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Kết quả đã phát hiện, xử lý 9.255 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước 68 tỷ 391 triệu đồng; khởi tố 768 vụ, 1.018 đối tượng.

Các Bộ như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải... cũng đã tích cực chỉ đạo các cơ quan thanh tra chuyên ngành xây dựng và triển khai có hiệu quả các Kế hoạch của Ban chỉ đạo 389 quốc gia. Kết quả, các cơ quan thanh tra chuyên ngành đã phát hiện, xử lý 134 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước 5 tỷ 774 triệu đồng.

Đáng chú ý, mới đây ngày 7/7, Tổng cục Quản lý Thị trường chủ trì bắt kho hàng rộng hơn 10.000 m2 tại Lào Cai, thu giữ hơn 160.000 sản phẩm hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ vi phạm pháp luật...

Bên cạnh đó, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm là ma túy, pháo nổ vẫn tiềm ẩn và diễn ra phức tạp, tập trung chủ yếu ở địa bàn các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lạng Sơn... các lực lượng chức năng đã thường xuyên phối hợp trong công tác phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ việc. Điển hình vụ, tháng 3/2020 Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn chủ trì, phối hợp các lực lượng phát hiện, thu giữ 473 kg ma túy tổng hợp, bắt giữ 7 đối tượng.  

Ở trên biển, các đối tượng buôn lậu mặt hàng chủ yếu là xăng, dầu, khoáng sản, thuốc lá, rượu ngoại… Điển hình vụ tháng 3/2020, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan đã phát hiện và bắt giữ 1 tàu nước ngoài buôn lậu hơn 3 triệu bao thuốc lá ngoại trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ, hiện vụ việc đã bị khởi tố). 

Hay vụ ngày 12/1 tại vùng biển Hà Tĩnh, lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện và bắt giữ 1 tàu nước ngoài đang sang mạn trái phép gần 2 triệu lít xăng RON 92, trị giá hàng hóa trên 26 tỷ đồng. 

Để đạt kết quả trên, một phần nhờ Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương triển khai nhiều giải pháp quản lý, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kinh doanh hàng giả kém chất lượng, hàng không rõ xuất xứ, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng…

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu cho Ban chỉ đạo 389 quốc gia triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp đấu tranh, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lậu thương mại và hàng giả. Bên cạnh đó, đã thường xuyên phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các lực lượng chức năng trung ương làm tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra các bộ, ngành địa phương, thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, thủ tướng Chính phủ, trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác này…

 “Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo 389 quốc gia đáp ứng cơ bản mục tiêu yêu cầu chương trình công tác 6 tháng đầu năm 2020 đã đề ra”, ông Đàm Thanh Thế đánh giá. 

Tuy nhiên, ông Đàm Thanh Thế cho rằng, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt hàng giả, hàng nhái, hành vi phạm sở hữu trí tuệ còn diễn ra phức tạp, nhất là các địa bàn trọng điểm. Theo ông, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như cơ chế chính sách, phối hợp lực lượng, trang bị phương tiện... Nhưng quan trọng nhất vẫn là tinh thần, trách nhiệm của các đơn vị chức năng và cán bộ thực thi công vụ. 

Về tình hình 6 tháng cuối năm 2020,  đại diện Ban Chỉ đạo 389 nhận định, dịch bệnh COVID-19 còn tiếp diễn khó lường trên thế giới và khu vực, xu hướng bảo hộ mậu dịch, cạnh tranh chiến lược của các nước lớn còn diễn ra gay gắt, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hàng hóa nước ngoài gian lận, giả mạo xuất xứ của Việt Nam xuất khẩu sang nước thứ ba để hưởng ưu đãi về thuế quan, lẩn tránh phòng về thương mại sẽ gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho hàng hóa Việt Nam bị trừng phạt về thương mại. 

Trong nước, tình hình tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm vẫn diễn ra phức tạp trên các tuyến, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm…

Do đó, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chức năng tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ. 

Trong đó, cần tăng cường phòng, chống các hoạt động sử dụng thiết bị, công nghệ cao để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tiếp tục đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả liên quan đến các mặt hàng y tế phòng chống dịch COVID-19. Cần tăng cường công tác truyền thông, tuyên tuyền những bài học kinh nghiệm của các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; lan tỏa gương người tốt, việc tốt, tuyên truyền tích cực hơn nữa để nhân dân không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, tham gia tố giác tội phạm, cùng chung tay với các lực lượng chức năng trong lĩnh vực này.

Cùng với đó, cơ quan chức năng cần tập trung phát hiện các đối tượng chủ mưu, cầm đầu để đánh trúng, đánh đúng, đấu tranh ngăn chặn, triệt phá hiệu quả các đường dây, ổ nhóm tội phạm, không chạy theo sự vụ.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác quản lý cán bộ thực thi nhiệm vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, giáo dục chính trị, tư tưởng, động viên cán bộ nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách; điều chuyển, đề xuất điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xử lý nghiêm các vi phạm.../.

 

 

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực