Xúc tiến thương mại thông qua Cộng đồng người Việt tại Ấn Độ và Nepal

Thứ năm, 21/05/2020 08:37
(ĐCSVN) – Gần 150 doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Xúc tiến thương mại thông qua Cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ và Nepal” diễn ra ngày 20/5.
Các đại biểu tham gia Hội thảo trực tuyến. (Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ) 

Hội thảo do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với Hội người Việt Nam tại Ấn Độ và Nepal, Phòng Thương mại và Công nghiệp các Nhà nhập khẩu Ấn Độ tại Việt Nam phối hợp tổ chức.

 Đây là hội thảo trực tuyến thứ 3 liên tiếp trong vòng 1 tháng về thị trường Ấn Độ do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các bên liên quan tổ chức.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, từ năm 2016 đến năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ấn Độ đã tăng 2,06 lần từ 5,43 tỷ USD lên 11,21 tỷ USD; xuất khẩu tăng 2,5 lần từ 2,69 tỷ USD lên 6,67 tỷ USD; nhập khẩu tăng 1,65 lần từ 2,75 tỷ USD lên 4,54 tỷ USD. Việt Nam đã chuyển từ nước nhập siêu với giá trị lớn sang xuất siêu 2,1 tỷ USD năm 2019 sang Ấn Độ. Mặc dù vậy, các con số tăng trưởng này còn thấp so với kỳ vọng của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp Việt Nam. Trước đây, trong quan hệ thương mại với Ấn Độ, Việt Nam luôn ở thế nhập siêu. Tuy nhiên, kim ngạch nhập siêu trong thời gian qua đã được thu hẹp. Từ năm 2018 Việt Nam bắt đầu xuất siêu. 4 tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất siêu sang Ấn Độ 321 triệu USD, xuất khẩu đạt hơn 1,5 tỷ USD, nhập khẩu đạt 1,2 tỷ USD.

Hiện nay, quan hệ thương mại Việt Nam và Ấn Độ có tính bổ trợ, nhiều mặt hàng của Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu như nông sản và thực phẩm chế biến, đặc biệt quả thanh long và cá ba sa rất được ưa chuộng tại Ấn Độ; các sản phẩm hạt điều, cà phê, hồ tiêu, cao su, các loại gia vị, quế hồi, thảo quả, đinh hương còn nhiều dung lượng để phát triển thị trường.

Còn đối với Nepal, một quốc gia nằm trên triền núi phía Nam dãy Himalaya, không có đường bờ biển, phía Bắc giáp Trung Quốc, phần còn lại giáp Ấn Độ, dù là thị trường nhỏ nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam và Nepal đều là thành viên của WTO và đã phát triển quan hệ kinh tế, thương mại tốt trong thời gian qua, tuy nhiên kim ngạch thương mại hai chiều còn nhỏ, mới đạt quanh ngưỡng 30 triệu USD/năm. Việt Nam xuất khẩu sang Nepal điện thoại di động và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hạt tiêu... Các sản phẩm nhập khẩu là chất thơm, mỹ phẩm, các sản phẩm vệ sinh và một số hàng hóa khác.

Theo Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Lê Hoàng Tài, để thực hiện được mục tiêu tăng cường xuất khẩu sang Ấn Độ và Nepal, một trong những kênh giao thương quan trọng và thuận lợi chính là thông qua cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm ăn tại 2 thị trường này. Ước tính hiện có khoảng 500 người Việt Nam tại Ấn Độ và 40-50 người tại Nepal. Cộng đồng người Việt Nam bao gồm các doanh nhân, trí thức kiều bào với những kinh nghiệm sẵn có cộng thêm nắm rõ thị trường nước sở tại sẽ là lợi thế rất lớn với các doanh nghiệp Việt Nam để tiếp cận thị trường Ấn Độ và Nepal một cách hợp lý và hiệu quả.

Chia sẻ một số thông tin về quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng – Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ bổ trợ nhiều mặt hàng của Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu như nông sản và thực phẩm chế biến. Giữa hai nước cần đẩy mạnh hợp tác phát triển chuỗi giá trị trong các ngành hàng dệt may, da giày, thiết bị điện tử, máy móc thiết bị, hàng cơ khí… nhóm ngành hàng hai nước có thể bổ trợ, tăng cường giá trị gia tăng như sắt thép, kim loại thường, hóa chất, dược phẩm, nhựa và các sản phẩm từ nhựa…Trong thời gian tới, Việt Nam và Ấn Độ cần tăng cường và phát triển chuỗi giá trị, tận dụng tốt những lợi thế về địa lý, khoa học công nghệ để cùng tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị cao.

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại tham dự và phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ)

Ông Bùi Trung Thướng cho rằng, để làm được điều đó, hai bên cần thiết lập cơ chế đối thoại giữa Chính phủ với Chính phủ, Chính phủ với doanh nghiệp và doanh nghiệp với doanh nghiệp; đồng thời hai nước cần sớm thành lập Hội đồng Kinh doanh Việt Nam - Ấn Độ nhằm tạo ra diễn đàn để tháo gỡ khó khăn, chia sẻ quan điểm, tầm nhìn chiến lược về hợp tác phát triển, tổ chức thêm nhiều các chương trình xúc tiến thương mại, đồng thời các doanh nghiệp hai nước cũng cần chủ động hơn trong việc thúc đẩy hợp tác.

Tại Hội thảo, các diễn giả đãẽ trình bày, phân tích nhiều vấn đề nổi bật trong quan hệ thương mại Việt Nam - Ấn Độ và Nepal, đồng thời chia sẻ cách thức tăng cường thâm nhập, phát triển thị trường Ấn Độvà Nepal cho các sản phẩm triển vọng của Việt Nam./.

Khánh Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực