Những ngôi nhà thắm tình đồng đội ở Sóc Trăng

Thứ ba, 20/06/2017 15:48
(ĐCSVN) - Trở về cuộc sống đời thường, những cựu chiến binh một thời cống hiến tuổi trẻ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc lại tiếp tục cần mẫn lao động mưu sinh, dù vết thương trên thịt da vẫn âm ỉ, đau nhức hằng ngày. Trong bộn bề khó khăn, những người lính ấy vẫn ấm lòng vì luôn có tình yêu thương của đồng đội.

Ông Hồ Văn Út trong niềm vui ngày được bàn giao căn nhà mới. Ảnh:TN.

Từng là người lính được cử đi làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia vào năm 1983, đến năm 1986, ông Hồ Văn Út, ấp Mang Cá, xã Đại Hải, (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), trở về với cơ thể không còn lành lặn, một chân đã vĩnh viễn mất đi. Lập gia đình, rồi có những đứa con như bao người khác, nhưng sự khiếm khuyết khiến ông không thể gánh vác trọn vẹn trách nhiệm của một trụ cột trong gia đình.

Ông Út nhớ lại: "Lúc bấy giờ khó khăn gần như là câu chuyện không của riêng ai, nhưng quan trọng là mình không gục ngã. Hàng ngày, tôi miệt mài lao động, tự chăm lo cuộc sống chứ không trông chờ vào sự giúp đỡ". Thời gian trôi qua, tuổi cao, sức khỏe không được như xưa, ông chuyển qua nghề hớt tóc, cộng với tiền trợ cấp chế độ thương binh 3/4, thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống. Ông chắt chiu, tiết kiệm với mong muốn xây dựng căn nhà mới, làm nơi sum họp của các thành viên trong gia đình sau một ngày lao động vất vả.

Cảm thông với nỗi niềm người cựu chiến binh, những đồng đội từng kề vai sát cánh ngày nào đã tiếp sức, vận động cho ông mái ấm “Nhà đồng đội”. Căn nhà được bàn giao vào tháng 11-2016, có diện tích xây dựng 60m2 với tổng kinh phí gần 100 triệu đồng, trong đó Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ 20 triệu đồng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hậu Giang hỗ trợ 20 triệu đồng, UBND huyện Kế Sách hỗ trợ 10 triệu đồng, phần còn lại do gia đình đóng góp.

Như bao đồng đội khác, ông Nguyễn Văn Sol, ấp An Ninh 2, thị trấn Kế Sách, sau khi xếp lại chiếc áo quân nhân, cuộc sống cũng vô cùng thiếu thốn. Ông kể: “Hai vợ chồng tôi tuổi cao, sức yếu, nhà dột, cột siêu nhưng vẫn không có khả năng sửa chữa. Năm 2015, Hội Cựu chiến binh huyện hỗ trợ 25 triệu đồng do hội viên đóng góp, Huyện ủy, UBND, Ủy ban MTTQ huyện cũng hỗ trợ thêm 4 triệu đồng, bà con giúp đỡ mỗi người một ít tôi mới có được căn nhà mới”. Mái ấm “Nhà đồng đội” của ông Sol rộng khoảng 50m2. Lúc nông nhàn, ngôi nhà ấy trở thành nơi tụ họp của các đồng đội để kể cho nhau nghe về tháng ngày gian khó, nhắc nhở nhau phát huy truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”.

Có được căn nhà mơ ước, bà Đặng Thị Nguyệt, hội viên Chi hội Cựu chiến binh ấp Mỹ Yên, xã Nhơn Mỹ không còn canh cánh nỗi lo trong những tháng mưa dầm. Bà Nguyệt tâm sự: "Nhà làm xong, tôi rất mừng. Cứ mỗi tối được quây quần bên người thân trong căn nhà từ tình yêu thương của đồng đội, tôi như quên hết bao nỗi nhọc nhằn”.

Theo ông Châu Nam Kiệt - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu chiến binh huyện Kế Sách, ngoài việc vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ thì đa số “Nhà đồng đội” đều do hội viên đóng góp. Trên tinh thần tự nguyện, tương thân, tương ái, mỗi hội viên đóng góp mức thấp nhất là 25.000 đồng/năm, bình quân mỗi năm số tiền thu được từ 50 - 65 triệu đồng. Hàng năm, Hội sẽ xét hỗ trợ 2 căn nhà cho hội viên khó khăn về nhà ở, trị giá mỗi căn từ 20 - 25 triệu đồng. Bên cạnh đó, Huyện ủy, UBND, Ủy ban MTTQ huyện cũng hỗ trợ thêm. 

Tính từ năm 2010 đến nay, Hội Cựu chiến binh của huyện đã xây dựng 16 căn nhà, tổng trị giá khoảng 400 triệu đồng cho hội viên nghèo, khó khăn về nhà ở./.

Thanh Nam
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực