leftcenterrightdel
 

Bài 2: Từ tư duy “hành là chính” sang tư duy phục vụ

(ĐCSVN) – Đổi mới tư duy mà trước hết là tư duy kinh tế, coi phát triển kinh tế là một trong những trụ cột trọng tâm để đất nước phát triển, đòi hỏi lãnh đạo các cấp trước hết cần phải lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, lấy phục vụ người dân và doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu.

Chỉ 15 phút, nửa giờ là giải quyết được những vướng mắc của doanh nghiệp

Có thể nói sáng kiến “Cà phê doanh nhân” là một mô hình mới có nhiều địa phương thực hiện với những hình thức khác nhau trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Mô hình này chính là sự sáng tạo ở cơ sở trong nhiều năm qua và đây là cơ hội bình đẳng để chia sẻ, giúp lãnh đạo địa phương nghe được những gì người dân cần. Bình luận về sáng kiến này, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Thực tế, trên thế giới cũng đã có những điển hình về tính lắng nghe của chính quyền địa phương với doanh nghiệp trên địa bàn. Chẳng hạn như, chính quyền Singapore và các công chức Singapore vẫn thường xuyên đến thăm các doanh nghiệp nhưng không phải để “hạch sách” “vòi vĩnh” doanh nghiệp mà để tìm hiểu xem doanh nghiệp cần những gì? mà hơn thế, còn được các doanh nhân, doanh nghiệp tư vấn về mặt chính sách, chia sẻ về những kiến thức, kinh nghiệm thị trường.

Trên tinh thần đó, hiện nay có rất nhiều địa phương thực hiên mô hình này không chỉ là ngồi ở trụ sở để chờ doanh nghiệp đến đề nghị, phản ánh mà tích cực chủ động đến với doanh nghiệp để hiểu hơn về doanh nghiệp và hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đây là nhân tố quan trọng để các địa phương tạo môi trường hấp dẫn thân thiện thu hút đầu tư cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đến địa phương hoạt động.

 Là một địa phương thành công về sáng kiến “cà phê doanh nhân”, ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, UBND tỉnh đã mở một không gian cà phê ngay trong khuôn viên trụ sở tỉnh để lãnh đạo tỉnh gần gũi hơn với doanh nghiệp.

Với mô hình này, ông Hùng tiết lộ, có thể chỉ trong vòng 15 phút, nửa giờ là giải quyết được những vướng mắc của doanh nghiệp và người dân mà trước đây theo cách thức truyền thống phải mất đến hằng tuần, hằng tháng. Tại Đồng Tháp, ban đầu, những buổi cà phê gặp gỡ này được tổ chức hằng tuần, hiện nay đã diễn ra hằng ngày, từ 6h30 đến 7h30 trước khi bước vào giờ làm việc hành chính.

leftcenterrightdel
 

Đây là cơ hội để lãnh đạo chính quyền lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà hơn thế, còn được các doanh nhân, doanh nghiệp tư vấn về mặt chính sách, chia sẻ về những kiến thức, kinh nghiệm thị trường. Nói như ông Vũ Tiến Lộc: “Với những buổi cà phê trò chuyện, lãnh đạo địa phương trở thành những người học trò còn doanh nhân, doanh nghiệp là những người thầy truyền thụ về tư duy, kiến thức thị trường”.

 Mô hình Câu lạc bộ cà phê doanh nhân ở tỉnh Đắk Nông rất được người dân, doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn quan tâm, đồng tình ủng hộ. Vào sáng thứ 5 hằng tuần, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và các doanh nghiệp, doanh nhân gặp nhau ở đây. Tại đây, lãnh đạo tỉnh cùng doanh nghiệp, doanh nhân trao đổi giải quyết những vấn đề cụ thể về cơ chế, thủ tục, với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất, thông thoáng nhất để doanh nghiệp, doanh nhân an tâm đầu tư sản xuất kinh doanh có hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Anh Trung Thành Phát, một chủ trang trại chia sẻ: Kể từ ngày tỉnh tổ chức Câu lạc bộ cà phê doanh nhân, công việc làm ăn của anh cũng như các doanh nghiệp khác có thuận lợi hơn. Sự minh bạch, công khai về cơ chế, thủ tục hành chính qua trao đổi giữa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành cùng doanh nghiệp, doanh nhân vào sáng thứ 5 hằng tuần được lãnh đạo tỉnh giải quyết cụ thể. Từ đó, những việc phiền toái, băn khoăn như trước đây đã hạn chế nhiều.

Mô hình này được các doanh nhân ủng hộ tích cực, cả về thời gian và kinh phí.

Về mô hình “Cà phê doanh nhân” ở Tuyên Quang, ông Nguyễn Ngọc Thực - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, ban đầu, các lãnh đạo tỉnh “cũng e ngại lắm”, “lãnh đạo tỉnh gì mà cũng sáng nào cũng uống cà phê”. Thế nhưng, vượt lên những è dè ban đầu đó, mô hình này đã được lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang đẩy mạnh. Thậm chí, có những chủ đề tháng, chủ đề quý mời diễn giả, các doanh nhân lớn từ TP. Hồ Chí Minh ra, điểm danh các chủ tịch huyện nếu vắng mặt sẽ bị nhắc nhở vì không chịu gặp gỡ doanh nghiệp.

Từ góc nhìn doanh nhân, ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang đánh giá, sáng kiến “cà phê doanh nhân” đã rút ngắn khoảng cách giữa doanh nghiệp, doanh nhân với các vị lãnh đạo tỉnh; không còn đứng từ xa nữa mà cùng ngồi lại với nhau đối thoại; không phải giải quyết vấn đề thông qua đường văn bản hành chính nữa mà bằng những cuộc trò chuyện cởi mở.

Hướng tới nền hành chính phục vụ, Hiệp hội doanh nghiệp Hậu Giang tổ chức chương trình “Cà phê doanh nhân” lần thứ I/2019 với chủ đề “Đồng hành và chia sẻ”, với sự tham dự của khoảng 40 doanh nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu, khẳng định: Việc tổ chức chương trình “Cà phê doanh nhân” này có ý nghĩa rất thiết thực, không chỉ tạo ra môi trường giao lưu để trao đổi, học hỏi, mà nơi đây còn thực sự là địa chỉ để doanh nghiệp tương tác với tỉnh. Thông qua hoạt động này, tỉnh lắng nghe được nhiều hơn tâm tư, nguyện vọng của doanh nhân và doanh nghiệp, để có những quyết sách phù hợp. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh cũng có cơ hội thông tin đến người dân và doanh nghiệp về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, những quy định đặc thù, những lợi thế và ưu đãi của tỉnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể hợp tác cùng nhau để cùng phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

Tư duy phục vụ là ưu tiên hàng đầu

leftcenterrightdel
 
 
Đã đến lúc những thủ tục “hành là chính” hay cơ chế “xin – cho” trong xây dựng chính sách cần phải được cắt giảm, cởi trói ngay, để cả hệ thống chính trị thực sự đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp, góp phần tạo điều kiện kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ. Từ tư duy mang nặng tính quản lý “hành là chính”, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan hành chính đã có sự thay đổi căn bản trong nhận thức, chuyển dần sang tư duy phục vụ.

 

Nêu những mô hình trên để thấy được trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền đã quán triệt và nhận thức sâu sắc vai trò của Nhân dân, vì dân, luôn lắng nghe dân, gần dân, tôn trọng dân.

Thành công của các mô hình trong thời gian qua là vai trò cán bộ, đảng viên, đặc biệt là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp được phát huy; không ngại khó ngại khổ, kiên trì học hỏi, lắng nghe tiếp thu những ý kiến từ người dân để đưa ra những quyết sách đúng, mô hình hay phù hợp với thực tiễn có lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tư duy ngày càng đổi mới, từ tư duy “hành là chính” sang tư duy phục vụ dân, coi thành công của doanh nghiệp cũng chính là sự thành công của ngành, đơn vị mình.

leftcenterrightdel
 

Một loạt các sáng kiến, đổi mới trong cải cách thủ tục hành chính được triển khai và áp dụng như: thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan, chứng minh nhân dân, công chứng; đăng ký kết hôn, khai sinh... đã được đơn giản hóa, tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp, bước đầu tạo lập niềm tin cho người dân, doanh nghiệp vào sự chuyên nghiệp hoá của các cơ quan công quyền, hành chính.

 Minh chứng cho điều này là các địa phương đã có bước tiến mạnh, có đổi mới, sáng tạo ban hành nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các mặt, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội củng cố niềm tin của nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hộị. Ví dụ TP Cần Thơ là một minh chứng đã ban hành một chỉ thị riêng, yêu cầu chính quyền các cấp phải cùng đồng hành với doanh nghiệp trên địa bàn, dành hẳn một ngày thứ Hai hàng tuần để tiếp doanh nghiệp. Mô hình này áp dụng từ lãnh đạo cấp UBND thành phố đến các sở, ban ngành và quận huyện. Theo đó, trong ngày thứ Hai hàng tuần, lãnh đạo các cấp chính quyền cơ sở hạn chế tất cả những cuộc họp để tiếp xúc và lắng nghe doanh nghiệp phản hồi, chia sẻ, góp ý. Với chính sách này, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã hưởng ứng rất nhiệt liệt. Tại những cuộc gặp gỡ mặc dù không chính thức này, hàng loạt vấn đề đã được tháo gỡ tại chỗ. Đồng thời, thành phố cũng thành lập đường dây nóng để doanh nghiệp phản ánh những vấn đề bức xúc và đưa ra những đóng góp ý kiến để xây dựng chính sách tốt hơn…

Những mô hình ở các lĩnh vực khác nhau đang hoạt động có hiệu quả, giúp người dân nâng cao đời sống góp phần củng cố niềm tin của dân vào Đảng.

 Để làm được điều đó, trước hết là vai trò trách nhiệm, tinh thần tự nguyện, tự giác gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là tính tiền phong gương mẫu của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức, triển khai thực hiện mô hình gắn với việc tập trung giải quyết những đề xuất, kiến nghị của người dân với phương châm: Tất cả đều vì dân, bao nhiêu lợi ích ở nơi dân.

Đồng thời, qua những mô hình này đã tạo nên sự lan tỏa trong đời sống xã hội, làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của cán bộ, đảng viên, trong đó có thay đổi tư duy viên chức, công chức: Từ tư duy “cưỡng bức”, “ban phát” đứng trên người dân, doanh nghiệp, xin cho, vòi vĩnh, mặc cả… đến tự nguyện phục vụ doanh nghiệp và người dân; từ tư duy “hành là chính” sang tư duy phục vụ đúng nghĩa là “đầy tớ của nhân dân”./.

---------

 (Bài 3: Không thể bỏ rơi người nông dân)

 

 

 

Nguyễn Văn Minh
12/08/2020 20:30