leftcenterrightdel

Nay chúng ta có đến lại Bến Nhà Rồng, xem lại nơi mà 109 năm trước, sáng ngày 4/6/1911, người thanh niên yêu nước mang tên Văn Ba đã xuống con tàu Đô đốc Latouche Treville, rồi sáng ngày hôm sau, con tàu nhổ neo đưa Người ra đi tìm con đường cứu nước. Nơi đây, vẫn như đọng lại những hình ảnh xưa, khi Người đã vào Sài Gòn với đất trời phương Nam.

Hồi ức về ngôi trường xưa hơn 110 tuổi

leftcenterrightdel
 Một góc Trường Dục Thanh ngày nay - nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành từng dạy học. 

Những ngày tháng Năm lịch sử này, chúng tôi hành hương về ngôi trường Dục Thanh do các nhà yêu nước từ đầu thế kỷ trước sáng lập, thăm lại ngôi trường cổ kính nhất nhì này ở vùng Nam Trung bộ, không ai không khỏi xúc động. Đây là ngôi trường nằm trung tâm của Thành phố Phan Thiết hiện nay. Đứng lặng hồi lâu, ngắm lại bộ tràng gỗ đã khá cũ kỹ đến hơn trăm năm, bên chiếc bàn đơn sơ ấy, giá sách gọn gẽ, ngăn nắp ấy, đã mang đậm dấu ấn thời gian 110 năm của ngôi trường cổ kính nhất nhì đất miền Nam. Khi ta được nhìn những bức ảnh cổ của ngôi trường về cảnh trí xưa vẫn còn lưu lại nơi đây, hình ảnh người thanh niên Nguyễn Tất Thành từng là một thầy vào những ngày đầu năm 1910 lại hiện lên dung dị và thực sự đáng kính. Lúc đó, từ Huế vào đây, Người được cụ Trương Gia Mô (bạn thân cụ Nguyễn Sinh Sắc) trong tổ chức Liên Thành Thơ Xã giúp đưa vào dạy học tại trường Dục Thanh - tỉnh lỵ cũ của đất Phan Thiết từ xưa.

 

Trước đó, thưở còn là học sinh tại trường Quốc học Huế, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã trực tiếp chứng kiến bao thăng trầm của cảnh cố đô Huế, các triều vua quan Huế đang cảnh suy tàn; cũng như đất nước ta vào lúc đầu thế kỷ XX đang suy tàn trong vòng nô lệ, lầm than. Những ý thức làm người, kiến thức được học từ trường Quốc học Huế đã nung nấu ý chí và quyết tâm cho Người trở thành một thầy giáo chú tâm giảng giải những điều nhân - nghĩa, mà lịch sử đất nước ta đã thấm hiểu sâu cho những học sinh tại trường Dục Thanh.

Ngôi trường Dục Thanh được ra đời năm Bính Ngọ - 1906, là ngôi trường vào loại đầu tiên đất Phan Thiết; do các nhân sĩ Liên Thành Thương Quán sáng lập, như: Trần Lệ Chất, Hùynh Thúc Kháng Phan Chu Trinh, Nguyễn Qúy Anh… đều là những nhà nho nổi tiếng của Liên Thành Thơ xã, có ảnh hưởng lớn ở vùng Nam Bộ và Nam Trung Bộ.

leftcenterrightdel
 Giếng nước
 

Các tư liệu sử học ghi lại: Vào những năm đầu thế kỷ XX, khi cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp sắp bước vào lần thứ 3, hưởng ứng phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội, cụ Trần Lệ Chất, một nhà nho yêu nước ở Nam Trung Bộ đứng ra chiêu hiền, lập ra Hội Liên Thành Thơ xã, tại Nhà Võ Ca đình làng Phú Tài, tỉnh lỵ Phan Thiết lúc đó. Khi thành lập xong, các ông cho mở các lớp dạy chữ Hán và Pháp văn, chương trình do những nhà nho yêu nước đảm trách. Các lớp học được dạy vào mỗi buổi tối do các trợ giáo Nguyễn Hiệt Chi - quê Hà Tĩnh - dạy Hán văn; ông Phán sự Lệ Chất, phụ trách dạy Pháp văn. Tất cả sách học đều do phong trào Đông  Kinh Nghĩa Thục biên khảo, chú giải, mà người trực tiếp gửi vào Phan Thiết là ông Đình nguyên Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ, người giao thân chí thiết của cụ Trần Lệ Chất đích thân mua gữi cho trường Dục Thanh.

Dạy làm người ở trường Dục Thanh

 
leftcenterrightdel
 
 

Tài liệu lưu trữ của người Pháp để lại tại Kho Lưu trữ Quốc gia II – Cục Lưu trữ Quốc gia cho chúng ta biết, tại ngôi trường cổ kính này còn lưu giữ nhiều sách, thư án cũ, từ đầu thế kỷ XX. Nay ta vào vẫn thấy Phòng Ngọa Sào – tức nơi đích danh người thanh niên Nguyễn Tất Thành từng đến đọc sách, nghiên cứu các tài liệu người Pháp đang có ở Đông Dương lúc đó, để mở mang nhận thức, khi về đây làm thầy giáo. Phòng Ngọa Sào trên căn gác gỗ, tuy nhỏ và hẹp so với nay, song từ hơn 110 năm trước, các căn phòng này đã là nơi sinh ra bao ý tưởng yêu nước cho những nhà nho trẻ, vừa đến dạy học tại ngôi trường có chí hướng tân tiến về cách dạy và học.        

Học sinh những năm đầu thành lập, đến từ nhiều tỉnh ở Nam Trung Bộ, Nam Bộ ra khá đông, chia làm 4 lớp học. Năm cao nhất, trường có 102 học sinh, học từ lớp đệ nhất, đến đệ tứ, với các chương trình độc lập do trường mở. Tại trường, nay còn lưu lại những kỷ niệm về Người, khi từ Huế vào khoảng tháng 9 -10/1910, và Người đã lưu lại đây dạy học đến tháng 2/1911 khi vào Sài Gòn. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy chữ Quốc ngữ và Hán văn, nhiều lúc thêm tiếng Pháp. Khi về đây, Người đề nghị các vị quản lý trường, mở môn thể dục - thể thao, và chính Người trực tiếp dạy học sinh môn học mới mẻ và hứng thú này cho các em. 

 
leftcenterrightdel
 

Về lại thăm trường, bên dòng sông xanh, nhìn căn phòng cũ Bác từng ở, đọc sách, và những kỷ vật đã cũ, mà trước tháng 2 năm 1911, Người đã rèn luyện ý chí từ trang sách, tài liệu của trường, để rồi quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, mới thấy những kỷ vật đó thấm đẫm với Người lúc là thầy giáo dạy những học trò Nam bộ biết học chữ, tu chí làm người.

Học trò vào học tại đây, phải chịu nội quy học tập rất nghiêm, cho tất cả 4 lớp từ lớp nhất, nhì đến lớp đệ tam, đệ tứ. Mỗi sáng, từ 6 giờ sáng, học trò dậy tập bài tập thể dục, sau bài tập thể dục cuối ngày xong, học sinh xếp hàng đi vào lớp ngay ngắn từng người. Vào lớp rồi, tất cả học sinh phải xếp tay vòng trước ngực hát cao giọng Bài ca Ái Quốc, do Nhà chí sĩ Phan Chu Trinh sáng tác năm 1907. Đây là bài hát thuộc lòng cho mỗi môn sinh trước khi vào đây. Lời bài hát là:                                 

                   Nước Nam ta từ thời Hồng Lạc;

                   Mấy ngàn năm khai phá đến nay.

                  Á  Âu riêng một cõi này;

                  Giống vàng ta cũng xưa nay một loài.

                  Vuông mấy dặm, ba mươi mấy vạn;

                  Nào bạc vàng nhan nhản thiếu chi.

                  Đồng tươi, ruộng tốt tư bề;

                  Có điều lợi đất, ai bì được đâu!

(Trích trong: Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - Khu Di tích Đồng Tháp, 1990, Tr. 70 - 71)

       Mỗi khi cả lớp ca xong, thầy giáo mới rung chuông, các môn sinh mới được ngồi xuống bắt đầu buổi học. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy ở trường mấy tháng, song học trò ai cũng quý mến với đức tính ham hiểu biết, gợi mở rộng ra các kiến thức khi truyền dạy nhiều môn học mà kiến thức những bài học từ lớp Nhất, đến đệ Tứ luôn được Thầy giáo Thành đưa lại sự hứng thú cho học sinh. 

Trở về nơi Người đi tìm chân lý cho non sông, cho dân tộc Việt Nam

leftcenterrightdel
 
 

Đầu năm 1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành được cụ Trương Gia Mô giúp đỡ để đi vào Sài Gòn. Đầu tiên vào, ở tại căn nhà anh Lê Văn Đạt, ở xóm Rạch Bần, là số nhà 185/1 đường Cô Bắc - Quận 1 nay. Có một chi tiết, mà nay ta về thăm trường Dục Thanh, nhìn thấy bức ảnh của người đánh xe ngựa đưa Người ra ga xe lửa đi Sài Gòn - cụ Võ Văn Trang, một người chuyên được các nhân sĩ Liên Thành Thương Quán tin tưởng chuyên chở đi - về. Chính cụ là người đã đón thầy giáo Thành lúc từ Huế vào, và cũng là người đã đánh xe ngựa đưa thầy giáo Nguyễn ra ga xe lửa, vào Sài Gòn. Trong chuyến đi này, cụ Võ Văn Trang còn là người cất giữ 9 (chín) đồng bạc Đông Dương do chính thầy giáo Nguyễn Tất Thành gửi cụ, để trả bớt lại cho Liên Thành Thương Quán lúc chia tay Trường. Đó là một ngày tháng 2 năm 1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành trước khi vào Sài Gòn.

Ông Nguyễn Quý Anh, phụ trách phân cuộc Liên Thành thương quán ở Sài Gòn, chỉ đạo ông Phạm Phú Hữu (cháu nội quan đại thần triều đình Huế Phạm Phú Thứ) chi 27 đồng bạc Đông Dương để trao cho Nguyễn Tất Thành làm lộ phí. Nhận tiền, Nguyễn Tất Thành do dự một hồi rồi chỉ nhận 18 đồng còn 9 đồng gửi lại. Thấy vậy, ông Võ Văn Trang với lòng xúc động và kính trọng đã nhận giữ và gửi trả lại bằng 9 đồng bạc giấy cho ông Phạm Phú Hữu nộp vào quỹ Liên Thành thương quán. Cũng từ tháng 5/1911 người cha của Người, cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, cũng đã từ quan Tri huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định - giã từ chốn quan trường, cũng lên đường vào Nam.

leftcenterrightdel
 
 

Về thăm nơi Bác Hồ đã ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước, chúng tôi được chị Trần Thị Quyên, cán bộ quản lý di tích giới thiệu: Di tích nhà số 5 Châu Văn Liêm (tên thời Pháp là Quai Testard - khu Chợ Lớn) được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1988. Nơi đây, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ở từ 9/1910 tới 4/6/1911. Đây là cơ sở của phân cuộc Liên Thành thương quán - một tổ chức kinh doanh do sĩ phu Bình Thuận thành lập năm 1906, đã giúp đỡ Nguyễn Tất Thành trong quá trình từ Phan Thiết vào Sài Gòn, hỗ trợ tài chính cho Người thanh niên Nguyễn Tất Thành trước khi lên tàu sang Pháp.

Chị Trần Thị Quyên cho biết: Theo những tư liệu lịch sử, ngày 06/06/1906, từ ý tưởng của chí sĩ Phan Châu Trinh, Công ty Liên Thành được thành lập tại Phan Thiết. Cuối năm 1906, Liên Thành thương quán được mở rộng và đặt thêm một số trụ sở tại Sài Gòn mang tên Liên Thành phân cuộc ở số 1, 2, 3 Quai Testard (bến Testard) - Chợ Lớn (và nay là đường Châu Văn Liêm).

leftcenterrightdel
 Bảo tàng 3D: Di tích nhà số 5 Châu Văn Liêm

Trong thời gian ở tại Sài Gòn, Người vừa dạy học vừa đi làm ở Trường thọ máy (Escole des Mécaniciens), vừa đi bán báo ở khu vực thương cảng để kiếm sống và tìm hiểu đời sống công nhân, nhân dân lao động cũng như các tàu ra vào cảng Sài Gòn. Đây là thời gian hết sức quan trọng để Người có bước chuẩn bị trực tiếp về vật chất, tinh thần, phương tiện và có quyết định cuối cùng cho việc ra đi tìm đường cứu nước.

leftcenterrightdel
 
 

Ngày 4/6/1911, Người lấy tên Văn Ba, rời phân cuộc Liên Thành thương quán. Ngày 5/6/1911, trên con tàu Amiral Latouche Treville, Người rời bến cảng Nhà Rồng, ra đi tìm con đường giành độc lập tự do cho dân tộc.

Hiện nay căn nhà số 5 Châu Văn Liêm, phường 14, quận 5 là di tích lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Di tích luôn được mở cửa để đón du khách tham quan. Di tích là căn nhà phố khoảng 35 m2, rộng 4m, dài 8,8m, có một tầng lầu, nền lót gạch bông, mái lợp ngói âm dương. Từ nền nhà đến trần cao 3m, chiều cao tầng lầu 4m, từ nóc đến mái cao 1m. Cầu thang lên lầu bằng gỗ. Trên lầu có ban công rộng 2m x 4m, cửa ra ban công bằng gỗ.

leftcenterrightdel
 
 

Hiện nay, toàn bộ không gian bên trong di tích được sử dụng trưng bày các tư liệu hình ảnh về Bác. Trong đó, tầng 1 có bàn thờ Bác Hồ và hai bên vách tường trưng bày các hình ảnh gợi nhớ làng quê của Người, các lãnh tụ của các phong trào yêu nước, các cơ sở của Liên Thành thương quán, bản đồ Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1911, hình ảnh Sài Gòn những năm 1910 - 1911, hình con tàu Đô đốc Latouche Treville...

Gian sau có một cầu thang gỗ dẫn lên tầng 2. Tầng 2 bài trí các tài liệu, hình ảnh, tranh vẽ minh họa về Chủ tịch Hồ Chí Minh; tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; các hoạt động tiếp nối truyền thống, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Theo dòng chảy thời gian, di tích luôn được xem như mở đầu cho trang sử cách mạng tại miền Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cho đến hôm nay, biết bao thế hệ người Việt Nam luôn luôn ra sức học tập, làm theo tấm gương của Người và di tích ngôi nhà số 5 đường Châu Văn Liêm mãi là niềm tự hào của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và của cả nước nói chung”, chị Trần Thị Quyên, cán bộ quản lý di tích cho biết.

Khắc ghi lời dạy của Bác

leftcenterrightdel

Những ai một lần đặt chân đến Bến Nhà Rồng sẽ cảm nhận trọn vẹn về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác, hiểu sâu sắc hơn về phong cách sống giản dị, tư tưởng đạo đức cao đẹp mà Người để lại cho thế hệ đời sau. Lần đầu tham quan Bến Nhà Rồng, em Nguyễn Bảo Ngọc (huyện Nhà Bè, TP.HCM) cảm nhận được sự vĩ đại của Bác, càng thêm tin yêu và khâm phục Người gấp bội. Đặc biệt, sau khi xem qua đoạn phim Những giây phút cuối đời của Bác Hồ dài 35 phút, em xúc động bởi tình cảm ấm áp mà Bác dành cho nhân dân miền Nam. Với Bác, miền Nam là niềm vui, hạnh phúc, nỗi đau không lúc nào nguôi.

“Em từng được học, đọc sách, tư liệu về Bác nhưng khi đến đây tham quan mới thật sự hiểu được tấm lòng của Bác, cả một đời vì nước, vì dân.Người đã dành cả cuộc đời, dường như không bỏ phí ngày nào, để đấu tranh cho đất nước, cho dân tộc.Giờ thì em hiểu rõ tại sao toàn dân tộc lại gọi Người là cha. Em sẽ cố gắng học tập, rèn luyện và phấn đấu, để đáp lại lòng tin yêu của Bác dành cho thế hệ trẻ chúng em” - Phạm Ngọc Quỳnh Giang, học sinh Trường THCS Nguyễn Trung Trực (huyện Bến Lức, Long An) chia sẻ. 

leftcenterrightdel
 
 

Ấn tượng của anh Nguyễn Minh Toãn (TP. Tân An, Long An) mỗi lần đặt chân đến Bảo tàng Hồ Chí Minh là nhìn thấy những bức ảnh Bác chụp cùng mọi người. Bác vẫn đơn sơ trong bộ áo nâu mộc mạc, đôi dép cao su giản dị. Hai bên Bác là 2 người đang khoác tay, nói cười thân mật với Bác như người cha trong nhà. Rồi Bác ngồi trên bậc cầu thang nói chuyện với bé trai như người ông đang nói chuyện với cháu. “Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là di sản to lớn mà Người để lại cho Đảng, dân tộc, nhân dân ta. Ghi nhớ lời dạy của Bác, là một chuyên viên, đảng viên trẻ, tôi sẽ cố gắng rèn luyện nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, ra sức chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh”. 

leftcenterrightdel
Bảo tàng 3D: Bến Nhà Rồng 

Thăm Bến Nhà Rồng, không ít du khách lặng người khi tận mắt chứng kiến những kỷ vật về Bác. Đôi dép cao su mòn vẹt, nhiều tư liệu, hiện vật gắn bó với Bác trong suốt thời gian ra đi tìm đường cứu nước vẫn còn đó, vậy mà Người đã đi xa trong niềm xúc động, khắc khoải của cả dân tộc Việt Nam: 

Bến Nhà Rồng xa xưa vẫn còn đây

Với chiếc cầu tàu nhưng nay Bác ở đâu?

Bùi ngùi xót xa về những ngày qua

Lúc cập thuyền ai đã tiễn Người đi

Hay chỉ một mình Bác khăn gói biệt ly?

(Trích lời ca khúc "Thăm Bến Nhà Rồng" - Trần Hoàn)

Ca khúc "Tiếng hát từ thành phố mang tên Người", biểu diễn: Đăng Dương (Nguồn: VOV)

Thực hiện: Lê Đức (tổng hợp)
Nguồn: hochiminh.vn; dangcongsan.vn; tuyengiao.vn; ttxvn; vov; baolongan.vn; vungtau.baria-vungtau.gov.vn/
04/06/2020 14:17