leftcenterrightdel
 

11 thế kỷ đi qua, các di sản lịch sử, văn hóa đất Kinh kỳ không chỉ hồi sinh sau những biến động lịch sử mà còn phát triển trong thời kỳ hội nhập. Hà Nội sở hữu nhiều danh hiệu do UNESCO trao tặng, nhiều di tích cấp quốc gia như: Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long -  Di sản Văn hóa thế giới năm 2010; 82 bia Tiến sĩ triều Lê - Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được vinh danh Di sản tư liệu thế giới; Hội Gióng (ở đền Phù Đổng và đền Sóc), Nghi lễ và trò chơi kéo co (tại Hà Nội và một số địa phương), tín ngưỡng thờ Mẫu được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, còn Ca trù có tên trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Cùng đó là 13 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt; hơn 1.000 di tích cấp quốc gia; 10 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; hệ thống các bảo tàng quốc gia và thành phố…

Di sản kiến trúc Hà Nội

 
leftcenterrightdel

Cầu Long Biên, người Pháp xây dựng (1898 -1902) một chứng nhân lịch sử - điểm đến hấp dẫn với du khách khi tới thăm quan Hà Nội.

Qua các công trình kiến trúc xưa có thể thấy rõ sự giao thoa thú vị của vẻ đẹp Á, Âu hòa trộn, tạo nên không gian kiến trúc Hà Nội vừa cổ kính, vừa hiện đại, mang nét khác biệt so với những thành phố khác trên thế giới. Hà Nội hiện hữu nét cổ kính qua các công trình văn hóa như: Chùa Một Cột, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hồ Gươm, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà Hát Lớn…

leftcenterrightdel
 Nhà Hát Lớn, Hà Nội (năm 1901 - 1911). 
 

Trong hành trình tìm hiểu, khám phá Hà Nội, Nhà Hát Lớn - một biểu tượng của kiến trúc Pháp xây dựng năm 1901 hoàn thành năm 1911. Công trình này thiết kế theo mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris, mang dáng vẻ Tân cổ điển Pháp. Đây cũng là nơi vào ngày mùng 2 tháng 3 năm 1946 diễn ra phiên khai mạc Quốc hội khóa I, Kỳ họp thứ nhất, đánh dấu sự ra đời của Quốc hội Việt Nam.

Một điểm đến thú vị khác là Nhà Thờ Lớn, số 40 phố Nhà Chung, được xây dựng (năm 1884-1888), theo phong cách kiến trúc Gothic trung cổ châu Âu. 

   

leftcenterrightdel
 Hoàng Thành Thăng Long nhận Bằng Di sản Văn hóa thế giới năm 2010.

 

 

Tiếp đó là Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Di tích Quốc gia đặc biệt. Được khởi lập vào cuối thế kỷ XI ở phía Nam Kinh thành Thăng Long, xây dựng năm 1070, dưới triều Vua Lý Thánh Tông. Năm 1076, Vua Lý Nhân Tông cho xây nhà Quốc Tử Giám – trường học đầu tiên ở nước ta. Năm 1484, Vua Lê Thánh Tông cho dựng bia Tiến sĩ của những người đỗ Tiến sĩ từ khóa thi năm 1442 trở đi. Bia tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám được Unesco công nhận là Di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình Ký ức Thế giới, ngày 9/3/2010.

leftcenterrightdel
 Tuyến phố đi bộ Hồ Gươm.
Bên cạnh các công trình có phong cách kiến trúc Pháp, những công trình cổ kính đầy màu sắc phương Đông là một thực thể góp phần khắc họa sinh động hình ảnh của đất Thăng Long - Hà Nội. 

 

Nhiều du khách tới Hà Nội rất thích thú khi tham quan, tìm hiểu khu phố cổ Hà Nội, nơi có những con phố nhỏ, ngõ nhỏ cổ kính đan xen, kề bên dòng sông Hồng.
 
 Dựa trên nền tảng di sản văn hóa truyền thống, sự ra đời và phát triển các không gian văn hóa mới của Hà Nội trong đó có Tuyến phố đi bộ Hồ Gươm góp phần xây dựng một Thủ đô hội nhập, phát triển nhưng vẫn bảo tồn và phát huy các giá trị di sản một cách bền vững.

 

leftcenterrightdel

Theo số liệu thống kê, Hà Nội có hơn 1.000 lễ hội với các chủ đề, quy mô và hình thức khác nhau. Các lễ hội truyền thống mang dấu ấn văn hiến ngàn năm của thủ đô, thể hiện rõ nét tinh thần, đặc trưng nguồn gốc văn hóa, lịch sử cũng như những khát vọng của người Việt và của người Thăng Long xưa.

 

leftcenterrightdel
Các ông Hiệu thực hiện nghi thức lễ trong hội Gióng, Gia Lâm - Hà Nội. 
Trong những lễ hội lớn ở Hà Nội phải kể đến như hội chùa Hương, hội gò Đống Đa, hội Gióng… thành phố còn có các lễ hội ở nhiều vùng địa phương được tổ chức rải rác trong năm. Các lễ hội đều mang những sắc màu văn hóa riêng biệt, nội dung gắn liền với các nhân vật lịch sử có công lao với đất nước, với làng xã hay có công lập làng, giữ làng trong quá trình quần cư của người Việt xưa đến nay.  
 
leftcenterrightdel

Hội Gióng luôn có sức cuốn hút mạnh mẽ ở các sinh hoạt văn hóa đặc sắc và ý nghĩa lớn lao của lễ hội. Nó gắn liền với thần tích, với truyền thuyết, lai lịch, sự nghiệp của vị anh hùng dân tộc này với những thời điểm, địa danh nhất định.

Nổi bật trong các lễ hội lâu đời ở Thủ đô - Hội Gióng một trong bốn vị “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt, Thánh Gióng gắn liền với truyền thuyết cậu bé làng Phù Đổng đánh thắng giặc Ân, đem lại thái bình cho đất nước. Hội Gióng được tổ chức ở nhiều nơi của Hà Nội, có hai hội Gióng tiêu biểu là hội Gióng Sóc Sơn ở đền Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (ngày 6 – 8 tháng Giêng Âm lịch) và hội Gióng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm (từ ngày 7 – 9/4 Âm lịch hàng năm) được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. 

 

leftcenterrightdel
Nghi thức mở cờ trong Hội Gióng (Gia Lâm - Hà Nội).
Ý nghĩa nổi bật của hội Gióng là giáo dục lòng yêu nước, truyền thống võ công, ý chí quật cường và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

 

 Lễ hội Cổ Loa diễn ra từ ngày mồng 6 đến 16 tháng Giêng âm lịch tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội tưởng nhớ Thục Phán An Dương Vương - người có công xây dựng nhà nước Âu Lạc - dấu ấn những ngày đầu thời kỳ bình minh dựng nước, giữ nước.

 

Lễ hội Thập Tam Trại tưởng nhớ tới Nguyễn Quý Công, người làng Lệ Mật (Gia Lâm - Hà Nội) đã có công khai khẩn vùng đất hoang phía Tây kinh thành Thăng Long, tạo nên vùng nông nghiệp trù phú ven đô với địa danh Thập Tam Trại. Lễ hội được tổ chức vào ngày 21/1 âm lịch hàng năm.

Hội gò Đống Đa một trong những lễ hội lớn nhất và thú vị nhất của thủ đô diễn ra ngày mùng 5 Tết hằng năm tại gò Đống Đa, quận Đống Đa, Hà Nội nơi vua Quang Trung – Nguyễn Huệ đã đánh tan giặc ngoại xâm nhà Thanh. Từ đó nhân dân tổ chức lễ hội hằng năm để tưởng nhớ công ơn vị vua áo vải.

Lễ hội chùa Hương khai hội vào mùng 6 tháng Giêng hàng năm - một lễ hội tôn giáo độc đáo với sự giao thoa giữa Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo và một phần tín ngưỡng dân gian.

leftcenterrightdel
 Cổng làng Yên Lạc, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Những lễ hội gắn liền với không gian văn hóa truyền thống - dấu ấn về quá trình quần cư của người Việt ở mỗi ngôi làng cổ của Hà Nội. Sau chiếc cổng làng, lễ hội hòa quyện tạo nên bản sắc riêng ở mỗi ngôi làng cổ, có ý nghĩa kết nối cộng đồng làng xã, trở thành bộ phận không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cộng đồng. Những giá trị trân quý này cần được gìn giữ, lưu truyền và phát huy để Lễ hội truyền thống luôn là cây cầu nối kết nối quá khứ với hiện tại. Đặc biệt để trở thành một nền tảng văn hóa truyền thống khẳng định bản sắc của Hà Nội, nguồn lực quan trọng để khai thác và phát triển du lịch Thủ đô trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
leftcenterrightdel
 Rước kiệu truyền thống hội làng Yên Lạc (Chương Mỹ, Hà Nội).

Ông Tom Hiddleston vị khách người Anh làm việc lâu năm tại Hà Nội chia sẻ: “Hà Nội quyến rũ hơn so với những thành phố khác trên thế giới mà tôi từng đi qua đó chính là các di sản văn hóa đồ sộ, hàm chứa những câu chuyện lịch sử hấp dẫn, đậm tính nhân văn đang ẩn chứa và phô diễn trong các lễ hội truyền thống”.

Thế Dương
09/07/2020 16:51