GS Kiều Linh Caroline Valverde: "Tôi 100% người Mỹ nhưng cũng 100% nước mắm”

Thứ ba, 31/01/2017 11:56
(ĐCSVN) - Lần đầu tiên về Việt Nam vào năm 1993, GS Kiều Linh Caroline Valverde (Việt kiều Mỹ) kể lại cảm nhận "đây là một nơi rất xa lạ nhưng không hiểu vì sao tự nhiên tôi có cảm giác như có sự gắn bó ruột thịt với những người chưa từng quen biết. Từng góc phố, từng cột đèn, những vỉa hè quanh phố cổ như thầm gọi đứa con xa xứ trở về".

Trong dịp tổ chức Hội nghị kiều bào toàn thế giới tại TP.Hồ Chí Minh vào cuối năm 2016, tôi có dịp gặp gỡ GS Kiều Linh. Bữa đó, chị thật nổi bật. Nổi bật bởi giọng nói lơ lớ dễ thương, nổi bật bởi bộ trang phục áo dài cách tân hiện đại nhưng vẫn đậm chất truyền thống, nổi bật bởi nụ cười rạng rỡ, tươi tắn, hút hồn... và cũng bởi người con gái ấy rất Việt Nam, duyên dáng, đằm thắm, dễ gần, thân thiện.

GS Linh chia sẻ với báo chí trong dịp về dự Hội nghị kiều bào cuối năm 2016 (Ảnh: VL)

Năm 1975, khi chiến tranh kết thúc, Kiều Linh Caroline Valverde khi đó mới 5 tuổi. Cả gia đình sau đó chuyển sang Mỹ sinh sống. Giáo sư, tiến sĩ Kiều Linh Caroline Valverde hiện giảng dạy tại Đại học UC Davis về văn hoá Việt Nam và Châu Á. Chị tham gia tích cực vào các hoạt động quảng bá văn hoá Việt Nam và đang có kế hoạch thành lập Trung tâm nghiên cứu Việt Nam tại Đại học UC Davis.

Chia sẻ về bản thân, chị Kiều Linh cho hay mình xuất thân từ một gia đình bình thường. Tuổi thơ của chị được nuôi dưỡng bởi tình thương của ông bà nội. Ba tuổi, chị mới được nhìn thấy người bố, năm tuổi được gặp mẹ. Ngày gặp mẹ cũng là ngày chị được mẹ bế ra sân bay để sang Mỹ.

GS Kiều Linh kể, khi còn là thanh niên, chị không biết một từ tiếng Việt nào và hoàn toàn không có chút thông tin gì về nơi mình sinh ra. Vào đại học, dù xác định mình là người Mỹ nhưng không hiểu tại sao chị vẫn thấy mình khác với bạn bè xung quanh. Từ đó chị nhìn lại mình, nhìn lại cuộc đời qua những tấm ảnh đã hoen màu, giúp chị nhận ra nguồn gốc của mình. “Nhiều người hỏi tôi là người Mỹ hay người Việt Nam, tôi trả lời là mình 100% người Mỹ nhưng cũng 100% nước mắm”. Tiếng cười trong trẻo, nụ cười đầy hãnh diện khi chị nói "tôi tự tin nói tôi là người Việt Nam". Với giáo sư Caroline, tinh thần Việt của chị đọng trong hai từ “nước mắm”. Mùi vị của nước mắm chính là mùi gợi nhớ đến quê hương, đến ông bà nội, đến 5 năm đầu đời đầy kỷ niệm ở Việt Nam.

Quay lại với câu chuyện để có thể giao tiếp bằng tiếng Việt trôi chảy, rành rọt như hôm nay, để có thể nghiên cứu khoa học bằng tiếng Việt, chị cho biết, cũng xuất phát từ việc muốn tìm hiểu nguồn gốc bản thân.

“Tôi tự nhủ, mình cần biết nhiều hơn về Việt Nam. Hơn nửa triệu người Việt đến Mỹ nhưng sách vở về họ rất ít. Muốn tìm hiểu về phong tục thì đi đâu? Câu trả lời là về Việt Nam”, giáo sư Caroline nói. Để hiểu về lịch sử, nguồn cội nơi mình sinh ra, chị đã phải dành một khoảng thời gian về Việt Nam sinh sống. Chị nói đó cũng là môi trường tốt nhất để học tiếng Việt nhanh, chuẩn xác. "Hơn nữa, có thể do mình có dòng máu người Việt nên khi tiếp xúc với tiếng Việt, học cũng nhanh hơn".

Những năm sau đó, chị cũng nhiều lần trở về Việt Nam. Những năm tháng đó đã giúp chị có những trải nghiệm về quê hương Việt Nam và hoàn thành đề tài nghiên cứu, viết sách về Việt Nam. Sự phát triển của mối quan hệ gắn bó không thể nào dứt được giữa kiều bào ở nước ngoài và người Việt trong nước là một điều cuốn hút thực sự với GS Linh trong những ngày đi đi về về giữa Việt Nam và Mỹ. Sự tích lũy của gần 20 năm kinh nghiệm đã giúp GS Linh có đủ tài liệu để soạn quyển sách nghiên cứu đầu tay mang tựa “Transnationalizing Vietnam” (tạm dịch: Xuyên quốc gia Việt Nam) được nhiều người đón nhận. Hiện nay sách bán trên Amazon. Song song đó chị Linh đã giảng dạy cho nhiều thanh niên có quá khứ giống mình, giúp họ hiểu hơn về quê hương, con người Việt Nam, rồi giúp những sinh viên Việt Nam qua Mỹ du học.

Nói về cuộc sống hiện tại của mình, GS Linh cho biết, trong gia đình nhỏ của chị hiện nay có 1 cậu con trai 7 tuổi và 1 cô con gái 5 tuổi. Dù các cháu được sinh ra và lớn lên ở Mỹ song cũng được mẹ dạy cho một chút tiếng Việt. "Trong nhà, mọi người vẫn nói với nhau bằng tiếng Việt. Chồng tôi dù là người lai một chút Pháp, Mỹ, Phi song biết và rất thích tiếng Việt", chị Linh vui vẻ cho biết.

Những ngày cuối năm, khi ở Việt Nam mọi người đang nô nức đi mua sắm Tết, sửa soạn, trang hoàng nhà cửa đón mừng năm mới, chị Linh nói ở nơi chị sinh sống mọi người cũng rất hào hứng với Tết cổ truyền của dân tộc. Mọi người cũng sửa soạn bàn thờ để cúng tổ tiên, cũng có phong tục xông nhà, có đi chợ Tết, có lì xì đầu năm. Đặc biệt, với chị, cứ mỗi năm mới tới là chị luôn mặc áo dài mới. Chị nói, chị rất thích mặc áo dài. Đây cũng là lý do mà giữa năm 2016, chị đã cùng với một số người trong Liên hiệp Nghệ thuật Việt Nam tại Mỹ, một số nhà thiết kế áo dài trong nước tổ chức một cuộc triển lãm áo dài Việt Nam có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Bảo tàng Museum of Quilts & Textiles, thành phố San Jose.

Dù sống, làm việc tại nước Mỹ, song GS Linh vẫn luôn hướng về quê hương, mong muốn được đóng góp cho quê hương Việt Nam mình. Nhìn vào một thế hệ trẻ trí thức kiều bào đang lớn lên ở nước Mỹ, nhưng luôn có tâm tư hướng về nguồn cội, GS Linh cho rằng: "Nếu chọn con đường năng động, cấp tiến, Việt Nam cần đầu tư vào thế hệ trẻ. Khuyến khích nhân tài, giúp họ biết phát huy cội nguồn là người Việt để đóng góp cho nước nhà có ngày mai tươi sáng hơn. Đây là nguyện ước mà tôi sẽ làm hết cuộc đời. Mình cũng là một dân tộc không thua một dân tộc nào khác, một dân tộc có ngàn năm văn hiến. Hãy giữ lấy quê hương xứ sở như mảnh đất mà mình đang bám lấy dưới lòng bàn chân". Gần đây, GS Linh đã cụ thể hóa khát vọng của mình, bằng việc đưa các sinh viên ưu tú của mình trở về Việt Nam để học tiếng Việt và thực tập sinh cho một công ty công nghệ thông tin ở TP.Hồ Chí Minh./.

Vương Lê
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực