Ngành Tài nguyên và Môi trường với các nhiệm vụ trọng tâm năm 2017

Thứ tư, 01/02/2017 20:36
(ĐCSVN) - Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định mục tiêu đặt ra đối với ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) năm 2017 là phải quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, phát huy nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu...

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói về nhiệm vụ trọng tâm của ngành TN&MT năm 2017. Ảnh: Hoàng Minh

Năm 2016 vừa qua là năm đầu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Quán triệt các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, thực hiện phương châm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, gần dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã nắm bắt kịp thời; đổi mới trong công tác điều hành; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Bước sang năm 2017, toàn ngành đặt quyết tâm triển khai hiệu quả 12 nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực tài nguyên môi trường.

12 nhiệm vụ trọng tâm năm 2017

Theo đó, trong năm 2017, toàn ngành TN&MT sẽ triển khai các nhiệm vụ:

Một là rà soát, đánh giá tình hình thực thi chính sách pháp luật, xác định những quy định không còn phù hợp để sửa đổi tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tiếp cận nguồn lực về TN&MT; khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội cho công tác bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu (BĐKH);

Hai là, đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật; tập trung vào những vấn đề bức xúc như: Vấn đề bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong lĩnh vực đất đai; các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; việc chấp hành pháp luật trong quản lý, thăm dò, khai thác khoáng sản, trong các hoạt động xả thải vào nguồn nước và quy trình vận hành liên hồ chứa…

Ba là, tập trung cải cách hành chính (CCHC); gắn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) với quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, lấy doanh nghiệp, người dân làm đối tượng phục vụ. Chấn chỉnh nâng cao kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, xử lý nghiêm các cán bộ có hành vi nhũng nhiễu. Thiết lập hệ thống quản lý, theo dõi đánh giá thống nhất từ Trung ương tới địa phương với sự tham gia của người dân...

Bốn là, trong lĩnh vực quản lý đất đai, tập trung đánh giá tình hình thực tiễn để hoàn thiện thể chế tăng cường khả năng tiếp cận đất đai của các thành phần kinh tế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ; xây dựng cơ chế khuyến khích việc tập trung, tích tụ đất trong nông nghiệp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thúc đẩy tích tụ tập trung ruộng đất để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế, giảm khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai…

Năm là, trong lĩnh vực tài nguyên nước, tập trung nghiên cứu các giải pháp tổng thể để đảm bảo an ninh nguồn nước. Hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm quản lý chặt chẽ các hoạt động cấp phép khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước; đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước; bảo vệ nước dưới đất...; xây dựng các quy định, hướng dẫn xác định và công bố dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu hồ chứa. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy trình vận hành liên hồ chứa. Giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và việc vận hành liên hồ chứa…

Sáu là, trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản, Bộ TN&MT xác định tiếp tục hoàn thiện chính sách quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản phù hợp với thể chế kinh tế thị trường. Tăng cường công tác điều tra cơ bản nắm chắc tiềm năng, trữ lượng một số loại tài nguyên có giá trị; lập bản đồ địa chất khu vực, địa chất môi trường, bản đồ chuyên đề phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Tiếp tục thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép nhất là khai thác cát sỏi lòng sông.

Bảy là, trong lĩnh vực môi trường, toàn ngành sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bám sát thực tế và theo kịp tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế, diễn biến nhanh, phức tạp của vấn đề môi trường; ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Xây dựng bộ tiêu chí và thực hiện việc xếp hạng chất lượng bảo vệ môi trường (BVMT). Xây dựng quy hoạch môi trường, điều chỉnh các quy hoạch về chất thải rắn, chất thải nguy hại. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các cơ sở, các khu vực có nguy cơ gây sự cố môi trường…

Tám là, trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, tập trung nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, nhất là dự báo xa; dự báo, cảnh báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thủy văn cực đoan, nguy hiểm phục vụ phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, vận hành an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện, hồ đập, đê điều. Tập trung đầu tư phát triển mạng lưới trạm theo hướng tự động hoá, đồng bộ lồng ghép với các lĩnh vực khác. 

Chín là, lĩnh vực biến đổi khí hậu, ngành TN&MT sẽ tập trung huy động nguồn lực quốc tế, nguồn lực xã hội để triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh; chuẩn bị khung pháp lý, nguồn nhân lực, tài chính, khoa học, công nghệ để đến năm 2020 Việt Nam sẵn sàng thực hiện các cam kết quy định tại Thỏa thuận Paris về BĐKH. Khẩn trương triển khai các kế hoạch, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc vùng đồng bắng sông Cửu Long (ĐBSCL), Nam Trung Bộ và Tây Nguyên…

Mười là, lĩnh vực đo đạc và bản đồ, toàn ngành sẽ triển khai xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành ngay khi Luật Đo đạc và bản đồ được ban hành; điều chỉnh, bổ sung Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ đến năm 2030; xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia phục vụ Chính phủ điện tử, phòng chống thiên tai và BVMT. Hiện đại hóa mạng lưới tọa độ, độ cao, độ sâu, trọng lực quốc gia.

Mười một là lĩnh vực biển và hải đảo, toàn ngành tập trung thực hiện tốt việc thi hành Luật TNMT biển và hải đảo. Thể chế hoá cơ chế quản lý tổng hợp vùng bờ. Xây dựng quy chế phối hợp trong cấp phép cho tàu nước ngoài khảo sát nghiên cứu khoa học tại vùng biển Việt Nam...

Mười hai là lĩnh vực viễn thám, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo quản lý, ứng dụng viễn thám. Tổ chức giám sát thường xuyên diễn biến về TN&MT biển, đảo, BĐKH, hoạt động khai thác tài nguyên nước ngoài biên giới bằng công nghệ viễn thám. Trao đổi dữ liệu, chuyển giao công nghệ viễn thám trong giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và BĐKH…

5  nhóm giải pháp hoàn thành nhiệm vụ năm 2017

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, năm 2017 sẽ là năm ngành TN&MT thực hiện phương châm: “Hành động và hiệu quả”. Theo đó, toàn ngành sẽ thực hiện 5  nhóm giải pháp hoàn thành nhiệm vụ năm 2017, cụ thể:

Một là, tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Huy động sự tham gia của hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên để nâng cao hiệu quả công tác giám sát của nhân dân.

Hai là, kiện toàn bộ máy, tổ chức của ngành; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan. Hiện đại hóa các đơn vị cung cấp dịch vụ công để nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đổi mới chế độ công vụ, công chức; đề cao trách nhiệm cá nhân nhất là người đứng đầu và gắn chế độ trách nhiệm cùng kết quả thực thi công vụ với khen thưởng, kỷ luật, thăng tiến, đãi ngộ. Quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở những người gần dân nhất, trực tiếp nhất đối với công tác quản lý TN&MT.

Ba là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, kiểm soát TTHC để rút ngắn được thời gian luân chuyển hồ sơ, giải quyết công việc, tiết kiệm chi phí. Các địa phương cần thiết lập được cơ chế tương tác để lắng nghe ý kiến phản hồi chính sách, pháp luật, TTHC từ người dân và doanh nghiệp. Thiết lập hệ thống để người dân đánh giá sự hài lòng và công bố công khai mức độ xếp hạng của từng đơn vị.

Bốn là, tiếp tục đổi mới công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ. Gắn nghiên cứu với chuyển giao, thực hiện cơ chế đấu thầu đặt hàng để khoa học công nghệ đóng góp vào sự phát triển của ngành.

Năm là, tiếp tục hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế nhằm trao đổi và học hỏi kinh nghiệm, huy động các nguồn lực tri thức, công nghệ, tài chính hỗ trợ cho việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về TN&MT. Mở rộng các diễn đàn đối thoại chính sách, tham vấn, trao đổi thông tin pháp luật về TN&MT. Hợp tác, đấu tranh bảo đảm quyền, lợi ích của Việt Nam đối với vấn đề quốc tế như chia sẻ nguồn nước, quản lý khai thác tài nguyên biển, vấn đề ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, vấn đề BĐKH./.

Bích Liên
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực