Trấn Yên ngày mới

Thứ bảy, 28/01/2017 19:57
(ĐCSVN) - Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, huyện miền núi Trấn Yên đã trở thành một trong những địa phương dẫn đầu của tỉnh Yên Bái về kết quả xây dựng nông thôn mới…

Làm đường nông thôn mới ở xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên. Ảnh MH

Đổi thay căn bản diện mạo nông nghiệp, nông thôn

Đó là cảm nhận rõ nét đầu tiên của chúng tôi khi tìm hiểu về thành tựu xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Trấn Yên. Xác định Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới là chương trình lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong tổng thể trong phát triển kinh tế - xã hội, dưới sự chỉ đạo sát sao của UBND huyện Trấn Yên, các cấp các ngành trong huyện cùng với sự nỗ lực chung tay, góp sức của mọi tầng lớp xã hội, chương trình đã đi vào đời sống của nhân dân từ đó phát huy được trí tuệ tập thể, dân chủ bàn bạc. UBND huyện Trấn Yên đã xác định lộ trình thực hiện xây dựng NTM, trong đó xác định: xây dựng kết cấu hạ tầng là khâu đột phá, làm tiền đề để triển khai các tiêu chí xây dựng NTM; tập trung và thống nhất cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện thường xuyên, liên tục gắn với phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên đã tạo được sự đồng thuận cao trong các cộng đồng dân cư. Đến giữa năm 2016, 100% trục đường giao thông từ huyện đến trung tâm các xã đã được cứng hóa; mở mới và kiên cố hóa được 299 km đường liên xã, liên thôn bản các loại; 100% số xã có hệ thống điện lưới quốc gia; 62% chiều dài các tuyến kênh mương đã được kiên cố hóa, các công trình thủy lợi, hồ đập, hệ thống đê bao được quan tâm, đẩy mạnh đầu tư. Hệ thống chính trị ở cơ sở trong huyện được củng cố, tăng cường, dân chủ cơ sở được phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; vai trò làm chủ và vị thế của người dân ngày càng được nâng cao.

Với phương châm “Nông thôn mới của nhân dân, vì nhân dân”, việc phát triển sản xuất luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp ở Trấn Yên chú trọng quan tâm gắn với hiện thực hóa Bộ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Do đó, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả; bước đầu đã hình thành được một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, từng bước tạo được mối liên kết giữa 04 nhà trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp dịch vụ, đa dạng hóa ngành nghề; sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng hàng hóa, xây dựng các vùng chuyên canh. Đến nay, huyện Trấn Yên đã xây dựng được một số vùng chuyên canh trêm diện tích lớn mang lại giá trị kinh tế cao như vùng chè tập trung 500ha, vùng tre măng Bát Độ gần 2.000ha, vùng quế 10.000ha, vùng dâu nuôi tằm khoảng 300ha…

Những tín hiệu tích cực về một diện mạo mới của nông nghiệp, nông thôn ở Trấn Yên đã trở thành một trong những điểm nhấn nổi bật của bức tranh phát triển kinh tế xã hội của Yên Bái trong thời gian qua. Theo đó, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn Trấn Yên đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Đồng chí Nguyễn Đức Mầu, Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên phấn khởi cho biết: Đến đầu năm 2016, thu nhập bình quân của huyện đã đạt 25 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới là 25,48%; số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế chiếm 33,3%. Toàn huyện có trên 75% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập trung học cơ sở và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi được duy trì với 100% số xã. Khi mới triển khai, huyện chỉ có 1 xã đạt 5 tiêu chí thì đầu năm 2016, 100% số xã trên địa bàn đã đạt trên 5 tiêu chí, có 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Tân Đồng, Việt Thành, Báo Đáp); 9 xã đạt từ 10 - 15 tiêu chí…

Nỗ lực phát huy những thành quả đã đạt được

Trao đổi cùng chúng tôi nhân dịp đầu năm 2017, đồng chí Nguyễn Thế Phước, Bí thư Huyện ủy Trấn Yên chia sẻ: Cấp ủy, chính quyền các cấp trong toàn huyện luôn xác định, đạt chuẩn nông thôn mới đã khó, nhưng giữ vững và phát huy những tiêu chí nông thôn mới lại càng khó hơn. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu, tuần đầu của năm, Trấn Yên đã và đang nỗ lực thực hiện đồng thời hai nội dung: Vừa đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới ở các xã còn lại, vừa nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới ở những xã đã đạt chuẩn.

Đến thăm xã Việt Thành, xã nông thôn mới đầu tiên ở huyện Trấn Yên, chúng tôi nhận thấy rõ hiệu quả xây dựng nông thôn mới được biểu hiện trong từng hoạt động lao động, sản xuất, sinh hoạt của người dân. Ông Trần Văn Thanh ở thôn 10, xã Việt Thành cho biết: Từ ngày xây dựng nông thôn mới, đời sống bà con trong thôn đã có những đổi thay rõ rệt. Nhiều hoạt động sản xuất như trồng nấm linh chi, trồng mộc nhĩ, trồng dâu nuôi tằm, trồng lúa chất lượng cao… đã giúp chúng tôi tăng thu nhập. Gia đình tôi từ đầu năm đến nay cũng đã thu được gần 100 triệu đồng từ tiền bán nấm linh chi. 

Còn theo đồng chí Lê Thị Lụa, Chủ tịch UBND xã Việt Thành: Từ sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung phát huy tốt những kết quả đã đạt được, trọng tâm là nâng cao mọi mặt đời sống nhân dân; vừa đẩy mạnh sản xuất và phát triển đời sống văn hóa tinh thần…

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2016, huyện Trấn Yên đã hoàn thành thắng lợi mục tiêu đưa 3 xã là Nga Quán, Đào Thịnh, Bảo Hưng “cán đích” nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của địa phương nên 6 xã. Mặc dù còn có nhiều khó khăn bởi Trấn Yên là huyện vùng cao có 21 xã, 1 thị trấn, trong đó có 3 xã và 18 thôn, bản thuộc diện 135; đời sống của đại đa số người dân còn ở mức thấp; nông nghiệp, nông thôn phát triển thiếu đồng bộ, sản xuất cơ bản vẫn ở quy mô manh mún, nhỏ lẻ… 

Đồng chí Nguyễn Đức Mầu, Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: Thời gian tới huyện sẽ quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đối với các khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng; quan tâm xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình như chợ nông thôn, cơ sở vật chất trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn bản,...  Đồng thời, chú trọng tới việc đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, khuyến khích việc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, tạo điều kiện để các hộ, nhóm hộ liên kết sản xuất được tốt hơn; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Phong trào chăm sóc sức khỏe, phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được duy trì thường xuyên.

Ghi nhận những kết quả của Trấn Yên trong xây dựng nông thôn mới, huyện đã được UBND tỉnh Yên Bái đánh giá là lá cờ đầu, được Chính phủ tặng Cờ Thi đua xuất sắc. Một mùa xuân mới đang về trên khắp các bản làng vùng cao của huyện Trấn Yên, phát huy thành tích đã đạt được, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan, ban ngành và toàn thể nhân dân, tin tưởng Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Trấn Yên sẽ thực sự là động lực thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, nâng cao mọi mặt đời sống đồng bào các dân tộc trong huyện./.

Phạm Minh Hà
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực