Bắc Kạn: Dạy nghề gắn với thế mạnh địa phương

Thứ tư, 11/12/2013 15:24

(ĐCSVN)Trong các nghề tổ chức đào tạo trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, mô hình đào tạo nghề trồng cây dong riềng và chế biến các sản phẩm từ tinh bột dong riềng đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Đây là mô hình kết hợp đào tạo nghề gắn với việc làm cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp thuần túy sang các ngành chế biến sản phẩm nông sản, tạo điều kiện cho nông nghiệp, dịch vụ phát triển.

 

Dong riềng, cây xóa đói giảm nghèo bền vững của
người dân Ba Bể (Bắc Kạn). Ảnh: vbsp.org.vn


Vốn được coi là cây trồng thoát nghèo của bà con nông dân người dân tộc thiểu số, những năm qua, cây dong riềng đã nhận được nhiều sự đầu tư, hỗ trợ của tỉnh Bắc Kạn.

Điển hình, thông qua Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, 3 năm qua, Bắc Kạn đã tổ chức dạy nghề sản xuất miến dong và phụ phẩm từ cây dong riềng cho 560 lao động nông thôn, lao động là người dân tộc thiểu số trong tỉnh. Trong đó, 315 người học nghề sản xuất tinh bột dong riềng, 140 người học nghề sản xuất miến dong và 150 người học nghề sản xuất phân vi sinh và chất đốt từ bã cây dong riềng.

Sau khi đào tạo, hơn 70% số lao động đã tìm được việc làm với thu nhập trung bình từ 1,5-2 triệu đồng/người/tháng. Đã có 415 hộ gia đình được hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ máy móc thiết bị mở rộng sản xuất.

Đáng kể, đã có 19 hộ gia đình thoát nghèo và 49 hộ trở thành hộ gia đình khá sau học nghề và được tạo việc làm.

Ngoài ra, việc sản xuất phân vi sinh từ bã thải dong riềng đã tiết kiệm được chi phí đầu tư phân hóa học từ 20-30% kinh phí; sản xuất than tổ ong làm chất đốt, phục vụ trong gia đình và sản xuất tiết kiệm được 30-40% chi phí chất đốt, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ rác thải, bã củ dong riềng sau thu hoạch.

Điều đáng nói là qua các lớp tào nghề đã góp phần thay đổi về mặt nhận thức và thói quen sử dụng phân chuồng chưa hợp lý để bón ruộng, hạn chế được một phần khai thác rừng bừa bãi lấy củi làm chất đốt của người dân trên địa bàn tỉnh.

Nhận thấy giá trị của cây dong riềng, tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương mở rộng canh tác sản xuất, cây dong riềng trở thành cây trồng mũi nhọn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Trồng và chăm sóc cây dong riềng. Ảnh: Báo Bắc Kạn


Để phát triển sản xuất các sản phẩm miến dong và quy hoạch vùng nguyên liệu, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng thương hiệu miến dong Bắc Kạn, quảng bá và tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn Bắc Kạn hiện có 95 cơ sở chế biến tinh bột dong riềng với tổng sản lượng 25.000 tấn mỗi năm, giá bán đầy ra từ 13.000 -14.000 đồng/kg củ; 31 cơ sở sản xuất miến với sản lượng 400 tấn miến/năm, giá bán dao động từ 45.000 – 60.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, dựa trên thế mạnh về sản xuất nông - lâm nghiệp, chế biến gỗ…, 3 năm qua, Bắc Kạn cũng đã tổ chức đào tạo cho trên 5.450 lao động nông thôn, lao động là người dân tộc thiểu số các nghề: Trồng rau đặc sản, trồng nấm, chăn thả gà đồi, sản xuất chế biến gỗ... Hầu hết lao động sau học nghề đều tìm được việc làm với thu nhập ổn định.

Theo lãnh đạo Sở Lao động,Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh, dạy nghề gắn với thế mạnh địa phương là giải pháp hiệu quả nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của tỉnh. Do phần lớn lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh là lao động nông, lâm nghiệp nên việc lựa chọn tổ chức các lớp đào tạo thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến… các mặt hàng từ nông sản, lâm sản là rất phù hợp. Mà hiệu quả từ các lớp dạy nghề trồng và chế biến sản phẩm từ cây dong riềng là một ví dụ điển hình.

Thêm vào đó, do đặc điểm tâm lý, lối sống, nhận thức của người lao động, nhất là lao động là người dân tộc thiểu số, nên việc lựa chọn nghề, hình thức dạy nghề phải quen thuộc và phù hợp với thói quen của người lao động. Theo đó, hầu hết các lớp dạy nghề đều được tổ chức theo hình thức vừa học vừa làm, bám sát với địa điểm lao động của người học… Kết quả giám sát, đánh giá cũng cho thấy, phần lớn lao động học nghề, nhất là nghề sản xuất nông, lâm nghiệp, đã áp dụng khá tốt kiến thức được học vào sản xuất, góp phần đáng kể tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Trong buổi sơ kết 3 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn mới đây, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Ngọc Phi từng khẳng định, Bắc Kạn là một trong số ít những địa phương đã rất sáng tạo, tìm ra những phương thức phù hợp nhằm khắc phục khó khăn trong quá trình triển khai Đề án 1956. Đây không chỉ là những cách làm hiệu quả mà còn là những kinh nghiệm quý giá cho các địa phương trong cả nước học hỏi, vượt qua rào cản của riêng mình.

Theo Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Kạn, thời gian tới, Bắc Kạn sẽ tích cực hơn nữa trong công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chủ trương, chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thực hiện tốt công tác khảo sát nhu cầu học nghề trên địa bàn, xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với thế mạnh địa phương. Tổ chức linh hoạt các lớp đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, phong tục tập quán của địa phương. Khảo sát hàng năm nhu cầu thị trường lao động theo từng nghề để có cơ sở tư vấn, định hướng kịp thời cho người lao động…/.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực