Cần nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề trong chuyển dịch cơ cấu lao động

Thứ năm, 12/12/2013 10:02

(ĐCSVN)Theo đánh giá, hiện nay Việt Nam đang nằm trong giai đoạn "Dân số vàng", nguồn lao động dồi dào, tuy nhiên, thời kỳ này sẽ đi qua trong vòng 30 năm nữa. Mặt khác, tuy có nguồn lao động dồi dào, nhưng trình độ lao động không cao nên đòi hỏi phải nâng cao công tác đào tạo nghề mới đáp ứng được yêu cầu của chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng lao động, nhất là đối với lao động nông thôn.

Những bất ổn trong cơ cấu lao động ở Việt Nam

Ngày 1/11/2013, dân số Việt Nam đã đạt mốc 90 triệu người. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 3 về quy mô dân số và trên thế giới chúng ta xếp thứ 14. Mật độ dân số đạt 271 người/km2, nằm trong tốp quốc gia có mật độ dày của thế giới. Dân số tăng cao, sức ép dân số càng lớn, nảy sinh nhiều vấn đề xã hội cần quan tâm, nhất là giáo dục, y tế, môi trường, giao thông, lao động và việc làm…

 

 Đồ hoạ minh hoạ. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 1/7/2013, cả nước có 53,3 triệu người trong độ tuổi lao động (từ 15 truổi trở lên), trong đó, số người trong độ tuổi lao động sống ở vùng nông thôn chiếm gần 70%. Mặt khác, trong số 53,3 triệu người trong độ tuổi lao động, thì tỷ lệ thất nghiệp sáu tháng đầu năm 2013 ước tính là 2,28% (khu vực thành thị gấp đôi so với khu vực nông thôn), trong khi tỷ lệ thiếu việc làm sáu tháng đầu năm ước tính là 2,95% (khu vực nông thôn gấp đôi so với khu vực thành thị). Cả nước hiện cũng chỉ có 16,6% số người trong độ tuổi lao động được qua đào tạo, tức là đã từng học hoặc tốt nghiệp ở một trường đào tạo chuyên môn kỹ thuật hoặc trình độ tương đương thuộc Hệ thống giáo dục quốc dân từ 3 tháng trở lên, có văn bằng chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo. Tuy có tới 47,7% số lượng người trong độ tuổi lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; nhưng chỉ có 3% được đào tạo những nghề có liên quan đến lĩnh vực này (tính trên tổng số 16% lao động trong độ tuổi được qua đào tạo các ngành, nghề khác nhau).

Từ những con số trên đây cho thấy cơ cấu lao động ở Việt Nam hiện nay tiềm ẩn nhiều dấu hiệu bất ổn. Nhìn chung, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm đều có xu hướng tăng lên do sản xuất gặp khó khăn, ảnh hưởng đến việc làm của người lao động, chỉ có điều các tỷ lệ này có sự khác nhau giữa thành thị và nông thôn. Tỷ lệ thất nghiệp ở nông thôn giảm nhiều so với thành thị, điều đó cho thấy người lao động ở nông thôn đã có việc làm. Tuy nhiên, tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn lại cao hơn thành thị, điều đó cũng cho thấy người lao động ở nông thôn tuy đã có việc làm nhưng bấp bênh, không ổn định. Lý do người lao động ở nông thôn có việc làm bấp bênh, không ổn định chủ yếu là chưa được qua đào tạo hoặc đào tạo không đến nơi, đến chốn hay đào tạo không đúng ngành, đúng nghề…

Đẩy mạnh đào tạo nghề sẽ tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu lao động

Có nhiều quan điểm nhìn nhận và cách tính về mối tương quan giữa phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động. Hai yếu tố này có mối quan hệ mật thiết với nhau. Công thức sau sẽ chứng minh cho điều này: e  =  l/g (trong đó: e là hệ số co giãn của lao động theo GDP; l là tốc độ tăng trưởng lao động; g là tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nếu e càng nhỏ thì chứng tỏ để đạt được 1% tăng trưởng thì nền kinh tế càng sử dụng ít lao động). Có hai yếu tố dẫn đến hiện tượng nền kinh tế sử dụng ít lao động: thứ nhất, sự phát triển của khoa học công nghệ dẫn đến giảm quy mô lao động của các ngành kinh tế; thứ hai, có sự phân bố nguồn lực hợp lý, tức là lao động có sự chuyển dịch từ ngành sử dụng nhiều lao động sang ngành sử dụng ít lao động; đồng thời chất lượng lao động được nâng lên thông qua đào tạo.
 
Với điều kiện một nước có nền công nghiệp phát triển chưa cao, nông nghiệp là chủ yếu như Việt Nam thì yếu tố tác động bằng phát triển của khoa học công nghệ là khó thực hiện hoặc có thực hiện được thì mất nhiều thời gian. Vậy nên, lựa chọn phân bố nguồn lực lao động một cách hợp lý và nâng cao chất lượng lao động thông qua đào tạo sẽ là sự lựa chọn tối ưu nhất trong điều hiện hiện nay.

 

 Nhờ đào tạo nghề gắn với nhu cầu của địa phương nên nghề dệt thổ cẩm 
của dân tộc Pà Thẻn ở huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang rất phát triển 
(Ảnh: Trần Quỳnh)


Từ những nhận thức trên, cộng với thực trạng cơ cấu lao động của Việt Nam hiện nay ẩn chứa nhiều bất ổn… nên Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục, trong đó giải pháp đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn có vai trò quan trọng, mà Quyết định 1956-QĐ/TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" (gọi tắt là Đề án 1956) chính là một bước đột phá quan trọng.

Một trong những quan điểm chỉ đạo của Đề án 1956 là: chuyển mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, từng vùng, từng ngành, từng địa phương; đổi mới và phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề của mình...

Còn mục tiêu tổng quát của Đề án 1956 là: bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, trong đó đào tạo, bồi dưỡng 100.000 lượt cán bộ, công chức xã; nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý hành chính, quản lý, điều hành kinh tế – xã hội và thực thi công vụ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Theo lộ trình thực hiện Đề án 1956, trong những năm đầu tập trung vào xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn và thực hiện thí điểm các mô hình dạy nghề; chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, chương trình, tài liệu dạy nghề, bồi dưỡng giáo viên, người dạy nghề, cán bộ quản lý dạy nghề…

 

Nhiều hộ nông dân ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội được đào tạo kỹ thuật trồng rừng nên đã áp dung thành công vào phá triển diện tích rừng kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình(ảnh: Trần Quỳnh)


Sau 3 năm thực hiện Đề án 1956 (2010 – 2013), đến nay, hơn 1 triệu lao động nông thôn đã được dạy nghề. Trên 61% lao động nông thôn sau khi học nghề tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động được nâng lên, góp phần tăng thu nhập. Một bộ phận lao động nông thôn sau khi học nghề đã có việc làm mới ở các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Một bộ phận lao động ở nông thôn đã thành lập doanh nghiệp, tổ hợp tác xã, giải quyết việc làm cho bản thân và các lao động khác. Số người thoát nghèo, số người có thu nhập khá tăng, có nhiều hộ làm giàu, thu nhập đến hàng trăm triệu đồng/năm. Bước đầu đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới… Đáng lưu ý, một số địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp từ quy hoạch sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, tổ chức đào tạo nghề, hỗ tợ vốn sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm ắn với xây dựng nông thôn mới điển hình như: Bắc Giang với sản phẩm gà đồi Yên Thế; Bắc Kạn với cây dong riềng và sản phẩm miến dong; Hà Nam, Hậu Giang nuôi lợn trên đệm sinh học; Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Quảng Nam, Bình Định dạy nghề máy trưởng, thuyền trưởng tàu đánh cá xa bờ, v.v…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sau 3 năm triển khai Đề án 1956 nói riêng, công tác tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động nói chung cũng còn nhiều hạn chế: Công tác dạy nghề vẫn chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Việc triển khai công tác này còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm của từng vùng, ngành kinh tế; việc bao tiêu sản phẩm đầu ra chưa được chú trọng. Mô hình liên kết bốn nhà (nhà nước - nhà khoa học - nhà nông - nhà kinh tế) tuy đã đạt được nhiều kết quả nhất định, nhưng vẫn chưa đi vào chiều sâu. Chưa có nhiều vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn. Chưa có nhiều danh nghiệp mạnh dạn đầu tư về nông thôn...

 

Cần giữ chân người lao động khi qua đào tạo nghề phải làm việc ngay chính
quê hương họ theo phương châm "ly nông bất ly hương"  (nguồn ảnh: anninhthudo.vn)


Như vậy, nhìn một cách tổng thể, việc Đảng, Nhà nước xác định tăng đầu tư cho đào tạo nâng cao chất lượng cho đội ngũ lao động, nhất là lao động nông thôn để họ có thể làm được những công việc phù hợp với môi trường lao động sản xuất ở nông thôn là một hướng đi đúng đắn. Một khi có tay nghề qua đào tạo sẽ giúp họ tự tin đi tìm việc làm hay tự tạo việc làm hoặc sẵn sàng tham gia vào những công việc phù hợp. Vấn đề hiện nay là Đảng, Nhà nước cần có thêm nhiều giải pháp để giữ chân người lao động sau khi qua đào tạo nghề phải làm việc ngay chính quê hương họ, hạn chế dồn về thành phố nhằm tránh gia tăng áp lực cho vùng thành thị; đồng thời có chính sách thu hút bớt lao động dư thừa hoặc thất nghiệp ở vùng thành thị về nông thôn làm việc. Làm được như vậy chính là thực hiện tốt chuyển dịch lao động một cách khoa học và hợp lý. Muốn vậy, không còn cách nào khác là phải tiếp tục tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân; ưu tiên công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn; dành nhiều sự quan tâm hơn nữa cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; chú trọng phát triển các nghề dịch vụ, vì nhu cầu sử dụng lao động cho các nghề có tính chất dịch vụ là rất lớn. Điều quan trọng là phải tiếp tục tăng cường đầu tư cho công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn một cách bền vững./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực