Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo nghề

Thứ tư, 04/12/2013 15:23

(ĐCSVN)Trong những năm qua, năng suất lao động của lao động Việt Nam liên tục giảm so với các nước trong khu vực, làm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc gia. Để khắc phục tình trạng này, cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó có hướng nghiệp và dạy nghề.

 

 Ngày hội tư vấn đào tạo và giới thiệu việc làm cho thanh niên do Trung tâm
hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên Phú Thọ tổ chức
 tại Trường THPT thị xã Phú Thọ. Ảnh: baophutho.vn


Theo thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, từ năm 2008 đến nay, năng suất lao động của Việt Nam giảm 5,2% so giai đoạn 5 năm trước đó (2002 - 2007) xuống còn khoảng 3%. Trong khi đó, năng suất lao động của Singapore gấp 15 lần Việt Nam, Nhật Bản: 11 lần và Hàn Quốc: 10 lần. Trong khu vực ASEAN, năng suất lao động của lao động Việt Nam chỉ bằng 1/5 của Malaysia, 2/5 của Thái Lan. Vấn đề này làm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc gia. Bảng xếp hạng về Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho thấy, Việt Nam đã tụt 16 bậc trong vòng 2 năm qua. So với các nền kinh tế trong ASEAN được khảo sát, năng lực cạnh tranh của Việt Nam xếp thứ 2 từ dưới lên.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh chưa hiệu quả. Đa số học sinh tốt nghiệp THPT đều mong muốn và cố gắng đi học đại học, cao đẳng mà chưa mặn mà với các trường nghề. Cả nước mỗi năm có khoảng 1 triệu thí sinh tham dự các kỳ thi đại học, cao đẳng. Chỉ những thí sinh trượt đại học, cao đẳng hoặc thí sinh không đỗ vào các trường THPT mới đăng ký theo học nghề, khiến đầu vào của các trường nghề chất lượng rất thấp. Nhiều trường không tuyển được người học. Nhiều doanh nghiệp không tuyển được công nhân, nhất là công nhân chất lượng cao. Trong khi đó, hiện tượng cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ thất nghiệp không còn là hy hữu.

Cùng với đó là chương trình đào tạo lạc hậu, khép kín trong khi cơ sở vật chất cho thực hành còn thiếu. Đội ngũ giáo viên chưa chuẩn về trình độ, kỹ năng tay nghề và chính sách cho giáo viên cũng chưa tương xứng. Hay việc doanh nghiệp chưa tham gia vào quá trình đào tạo nghề dẫn tới chưa có được sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo.

Để khắc phục thực trạng trên, trước hết cần nâng cao hiệu quả tuyên truyền để thay đổi cách nhìn về học nghề, từ đó hướng nghiệp, phân luồng học sinh hợp lý.

 

 Học sinh Trường TCN Nhân Đạo thực hành trong xưởng cơ khí của trường.
Ảnh: Minh Giảng


Việc thay đổi tư duy, tâm lý học đại học trong xã hội là một việc rất khó, nhưng không phải không làm được. Tại Đức, sau khi tốt nghiệp THPT, 80% học sinh chuyển sang học nghề, chỉ có 20% là học đại học; học sinh học nghề có quyền học liên thông lên đại học nếu có khả năng và nhu cầu. Chính điều này đã tạo động lực cho sự phát triển bền vững của kinh tế Đức. Chúng ta cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục hướng nghiệp để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của học nghề trong việc tạo động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước; tránh tâm lý bằng mọi giá phải theo học đại học, tạo ra sự tình trạng thừa thầy thiếu thợ như hiện nay. Các cơ quan quản lý cần phải quyết liệt trong việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THPT, bao nhiêu học sinh đủ điều kiện thi đại học, cao đẳng, còn bao nhiêu học sinh theo các trường đào tạo nghề. Cùng với đó là cơ chế liên thông thuận lợi, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người.

Thứ hai, nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Các cơ sở đào tạo cần đầu tư thích đáng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, chuẩn về cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, đội ngũ giáo viên và chất lượng đầu ra. Cùng với đó, chính sách đào tạo cần tương thích với lực lượng đào tạo. Khắc phục tình trạng trường đại học đi dạy nghề, trường dạy nghề liên kết đào tạo đại học góp phần vào sự thấp kém của nguồn nhân lực nước nhà thời gian qua.

Thứ ba, tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo, dạy nghề. Hiện nay, rất ít doanh nghiệp chủ động liên kết với nhà trường hoặc tự thành lập các trường nghề để đào tạo lao động theo nhu cầu của mình như: Tập đoàn FPT, Intel Việt Nam... Để đáp ứng nhu cầu lao động của chính mình và góp phần nâng cao năng suất lao động, doanh nghiệp nên tham gia vào quá trình tuyển dụng, đào tạo, đánh giá năng lực, xây dựng chương trình đào tạo. Sự liên kết này cho phép người học được thực hành trên máy móc, dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp, tránh sự lạc nhịp giữa đào tạo và thực tế sản xuất. Đây là nhân tố quan trọng, góp phần nâng cao năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực