Nâng cao vai trò của cơ sở đào tạo trong dạy nghề cho người lao động

Thứ ba, 17/12/2013 10:11

(ĐCSVN)Nâng cao trình độ, chuyên môn cho người lao động là vấn đề cơ bản, mấu chốt để tăng năng suất lao động trong quá trình hội nhập. Để thực hiện được nhiệm vụ đó, cơ sở đào tạo đóng vai trò quan trọng.

Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, nguồn lực con người có ý nghĩa quan trọng, quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới. Giáo dục và đào tạo giữ vai trò và nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng thế hệ người Việt Nam mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Điều này đòi hỏi giáo dục và đào tạo phải có chiến lược phát triển đúng hướng, hợp quy luật, xu thế và xứng tầm thời đại. Dạy nghề là một bộ phận quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân đó.

Ảnh minh họa. Nguồn:dantri.com.vn


Hiện nay, nhiều ngành sản xuất mới xuất hiện, nhiều ngành nghề truyền thống được thay thế bằng những ngành nghề mới, đòi hỏi trình độ tay nghề và độ chính xác cao: viễn thông, tin học, điện tử… Đặc biệt với nước ta, nguồn lao động dôi dào, giá nhân công rẻ với những chính sách ưu tiên đầu tư trực tiếp nước ngoài nên lượng doanh nghiệp FDI ngày càng nhiều với đa dạng các ngành sản xuất. Chính yếu tố này đã đặt ra nhiều vấn đề với đào tạo nói chung và dạy nghề nói riêng để đáp ứng yêu cầu xã hội và sản xuất. Một thực tế đặt ra là, mặc dù có nhiều cơ sở dạy nghề được mở ra, hệ thống trường dậy nghề được đầu tư, các ngành nghề hết sức phong phú nhưng lượng người học không nhiều, các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp FDI không tuyển được lao động như mong muốn.

Điều này đòi hỏi các nhà trường phải nhạy bén, đầu tư xây dựng hệ thống giáo trình, chương trình học phù hợp với yêu cầu của sản xuất, bao gồm cả ngắn hạn, trung và dài hạn. Quan trọng hơn nữa là cần nâng cao trình độ của giảng viên, đổi mới triệt để phương pháp giảng dạy, tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm để nâng cao tính thực hành cho học viên; tránh tình trạng doanh nghiệp phải đào tạo lại khi nhận người lao động.

Liên kết chặt chẽ hơn nữa với các doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu nhân lực, nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo theo yêu cầu và xây dựng môi trường để học viên có nơi tìm hiểu, thực tập thực tế. Đồng thời đây cũng là các địa chỉ sẽ tiếp nhận học viên ra trường làm việc.

Nhu cầu về lao động có tay nghề vẫn rất cao. Ảnh:internet


Ngoài ra bên cạnh việc dạy nghề ngắn hạn đáp ứng nhu cầu xã hội thì việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng cần được chú trọng hơn nữa. Đây là nguồn nhân lực hết sức quan trọng, có năng suất lao động và trình độ tay nghề cao, mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài, bền vững. Lao động thường có trình độ đại học, trên đại học. Có thể lien kết với các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề, đặcbiệt là những ngành nghề mới mà chúng ta chưa có khả năng đào tạo.

Để thực hiện được mục tiêu này, ngoài việc các cơ sở đào tạo chủ động, tích cực chuẩn bị thì các cơ quan quản lý nhà nước cần có chiến lược quy hoach mạng lưới cơ sở dạy nghề và xây dựng cơ cấu ngành nghề, góp phần định hướng cho cơ sở đào tạo. Đồng thời, có chính sách khuyến khích mở rộng và nâng co chất lượng đào tạo nghề, tránh tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” hiện nay.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực