Vĩnh Long: Đa dạng mô hình hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho phụ nữ

Thứ hai, 21/10/2013 11:02

 

Ảnh minh họa (Nguồn: Trần Khánh Linh/TTXVN) 

Thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm”, năm 2013 Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Long tập trung xây dựng các mô hình hỗ trợ học nghề đa dạng, tổ chức 96 lớp dạy nghề cho lao động nữ và giới thiệu việc làm cho gần 4.500 lao động nữ.

Tùy theo nhu cầu của chị em và phù hợp tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức các mô hình đa dạng. Tại các thị xã, thị trấn, các cấp hội đã thành lập 21 mô hình dịch vụ phục vụ nhu cầu của gia đình và dịch vụ an sinh xã hội tổ chức theo hướng chuyên nghiệp. Các mô hình dịch vụ được tổ chức với nhiều loại hình đa dạng như dịch vụ giúp việc gia đình, trông giữ trẻ, phục vụ ăn uống, đưa đón học sinh.

Tại thành phố Vĩnh Long, mô hình dịch vụ gia đình của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức 7 tổ dịch vụ gồm tổ phụ nữ nấu ăn, tổ phụ nữ giúp việc theo giờ, tổ giữ trẻ gia đình. Hội tổ chức câu lạc bộ “Dịch vụ nấu ăn phục vụ tại gia” thu hút 16 chị có tay nghề nấu ăn, kết hợp với chị em được đào tạo từ các lớp dạy Nữ công gia chánh của Hội, tổ chức phục vụ các đám tiệc, việc hiếu hỷ với giá cả phù hợp và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo thu nhập cho các chị từ 7-10 triệu đồng/tháng. Hội Phụ nữ còn kết hợp với các trung tâm giới thiệu việc làm tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng giúp việc gia đình, kiến thức về dinh dưỡng, chăm sóc người già, người bệnh, tổ chức mô hình phụ nữ giúp việc gia đình theo giờ, tổ dịch vụ nhận chăm sóc người già, người bệnh… tạo việc làm cho phụ nữ sau khóa học.

Tại tuyến làng nghề gạch ngói, gốm đỏ, may mặc trên địa bàn 3 huyện Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm, mô hình “Tổ giữ trẻ gia đình” đang được các cấp hội xây dựng từ các nhóm giữ trẻ tư nhân của các hộ gia đình. Hội còn vận động các mạnh thường quân, hội viên đóng góp trang bị thêm cơ sở vật chất như bàn ghế, đồ chơi, trang trí các phòng giữ trẻ; kết hợp với Trung tâm y tế và Phòng giáo dục huyện tập huấn kiến thức về cách chế biến thức ăn cho trẻ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ năng chăm sóc, nuôi dạy trẻ, phòng tránh bệnh cho trẻ…Qua đó giúp công nhân các làng nghề tiểu thủ công nghiệp yên tâm gửi trẻ để lao động sản xuất.

Tại các xã vùng nông thôn, các cấp hội nhân rộng các mô hình tổ gia công sản xuất như tổ hợp tác phụ nữ may gia công Mỹ Tú, xã Mỹ Thuận, tổ hợp tác sản xuất tàu hủ ky xã Mỹ Hòa (thị xã Bình Minh), tổ làng nghề se lõi cói xã Quới Thiện (huyện Vũng Liêm), tổ đan thảm lục bình xã Bình Ninh (huyện Tam Bình)…

Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, tỉnh Vĩnh Long có trên 12.300 lao động nữ được đào tạo nghề, tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt từ 75 – 80%, gần 46.000 phụ nữ nhận hàng gia công cho các cơ sở tiểu thủ công nghiệp tại địa phương, giúp chị em tăng thu nhập từ 1,8 – 2 triệu đồng/người/tháng./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực