Gia Lai: Sau đào tạo, gần 9000 lao động có việc làm thu nhập ổn định

Thứ ba, 17/09/2013 16:13

 

Ảnh minh họa (Nguồn: kinhtenongthon.com.vn) 

Sau 3 năm triển khai Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh Gia Lai đã tổ chức đào tạo nghề miễn phí cho trên 13.000 lượt lao động, trong đó gần 11.500 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo.

Sau đào tạo nghề đã có gần 9.000 lao động có việc làm và tự tạo được việc làm có mức thu nhập ổn định.

Xã KDang (huyện Đăk Đoa) là địa phương có thế mạnh về cây công nghiệp cao su do đó để tạo nguồn lao động tại chỗ cho địa phương, trường trung cấp nghề Gia Lai đã tổ chức 3 lớp đào tạo nghề trồng, chăm sóc và cạo mủ cao su cho hơn 200 học viên là người đồng bào dân tộc thiểu số của xã. Sau khi hoàn thành khoá học, hầu hết các học viên đều đã thành thạo cách cạo mủ cao su, có thể tự thu hoạch mủ cao su của chính gia đình mình theo đúng quy trình kỹ thuật cho hiệu quả và năng suất cao.
 
Anh Tim ở làng Mrah, xã KDang phấn khởi cho biết: "Sau khi được theo học lớp nghề trồng, chăm sóc và cạo mủ cao su, giờ tôi đã có thể tự thu hoạch cao su của nhà mình. Gia đình tôi hiện có 5ha cao su, bình quân mỗi ngày vườn cây này cho thu nhập khá ổn định khoảng 600.000 đồng. Bây giờ, cuộc sống của gia đình tôi đã khấm khá hơn, mong rằng năm sau sẽ có thêm nhiều lớp đào tạo nghề hơn nữa để cho thanh niên trong làng, vợ con tôi được học nghề và có việc làm ổn định".

Do trình độ dân trí của lao động nông thôn còn hạn chế nên việc truyền đạt mang lại hiệu quả tốt nhất là "cầm tay chỉ việc". Với cách truyền đạt này, đội ngũ giáo viên của nhà trường đã phải bám lớp, bám làng để xây dựng cho học viên những kỹ năng thực tế trong việc trồng, chăm sóc vườn cây cũng như kỹ thuật cạo mủ cao su tốt nhất. Kết thúc các khóa học, tay nghề của các học viên đều được nâng cao rõ rệt đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình và xã hội. Ông Phạm Văn Điều, Phó hiệu trưởng trường trung cấp nghề Gia Lai cho biết.

Trong 3 năm qua, tỉnh Gia Lai đã đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 12 chương trình dạy nghề gồm các nhóm nghề: trồng, chăm sóc cao su, cà phê, tiêu; sửa chữa máy nông nghiệp; bảo vệ thực vật; chăn nuôi thú y; sửa chữa xe máy; tin học; du lịch… với tổng kinh phí đào tạo trên 14,5 tỷ đồng. Ngoài ra Đề án 1956 còn hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề và xây mới 5 cơ sở dạy nghề nâng tổng số cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh lên 16 cơ sở.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2013 - 2015 mỗi năm tỉnh Gia Lai sẽ đào tạo từ 7.000 đến 8.000 lao động nông thôn góp phần nâng cao tay nghề, ổn định việc làm đảm bảo an sinh xã hội nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực