Phát triển mô hình dạy nghề tạo việc làm cho người khuyết tật

Thứ hai, 24/06/2013 15:13

Ngày 24/6, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo phát triển mô hình dạy nghề tạo việc làm cho người khuyết tật.

 

 Ảnh minh họa (nguồn: tcdn.gov.vn)


Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật, trong đó, khoảng 60% người khuyết tật trong độ tuổi lao động. Đảng, Nhà nước đã ban hành hệ thống chính sách, pháp luật tương đối đầy đủ, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật được dạy nghề, tạo việc làm... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên kết quả thực hiện còn hạn chế, chưa đạt được mục tiêu mà chính sách đề ra. Hiện, số người khuyết tật được dạy nghề hàng năm chỉ đạt 5.000-6.000 người/tổng số 1,5 triệu người được dạy nghề trong cả nước. Đa số người khuyết tật trình độ học vấn thấp, gần 36% không biết chữ, chỉ có 20,7% có trình độ tiểu học, 24,5% người có trình độ trung học cơ sở; khoảng 70% người khuyết tật không thể sống tự lập, chỉ có khoảng trên 25% số người khuyết tật có hoạt động tạo thu nhập. Một số người khuyết tật tuy có việc làm nhưng công việc không ổn định, thu nhập còn thấp...

Các đại biểu nhận định, việc dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tế do đại bộ phận người khuyết tật có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trình độ văn hóa thấp nên dù có chính sách hỗ trợ nhưng nhiều người khuyết tật vẫn không tự bảo đảm được các chi phí cần thiết cho việc học nghề, tạo việc làm. Trong khi đó mỗi dạng tật của người khuyết tật chỉ phù hợp với một số nghề nhất định nên dạy nghề cho họ có nhiều khó khăn, chi phí cao hơn so với dạy nghề thông thường. Bên cạnh đó, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đầu tư đúng mức, chưa chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện chính sách dành cho người khuyết tật đã được ban hành để kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp; phần lớn các địa phương chưa thành lập Quỹ việc làm cho người khuyết tật; sự trợ giúp theo quy định của pháp luật đối với người khuyết tật và các tổ chức Hội, các cơ sở sản xuất kinh doanh của người khuyết tật còn rất hạn chế...

Thực hiện mục tiêu đến 2020, dạy nghề, tạo việc làm cho 300 nghìn người khuyết tật (theo Quyết định 1019/QĐ-TTg), các đại biểu cho rằng các bộ, ngành hữu quan cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách đối với người khuyết tật tới các địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng, gia đình, bản thân người khuyết tật; khảo sát, thống kê, phân loại người khuyết tật theo dạng tật và khả năng lao động. Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu ban hành danh mục nghề đào tạo phù hợp với các dạng tật, danh mục các cơ sở đăng ký đào tạo nghề cho người khuyết tật; xây dựng, triển khai các mô hình dạy nghề linh hoạt, đa dạng cả về thời gian, cách thức tiến hành phù hợp với điều kiện, khả năng của người khuyết tật.../.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực