Vai trò của trung tâm dạy nghề trong phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Thứ tư, 18/12/2013 14:05

(ĐCSVN) - Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc tiếp thu các tiến bộ về khoa học và công nghệ phụ thuộc chủ yếu vào đội ngũ lao động kỹ thuật, đội ngũ trí thức. Do vậy, muốn phát triển kinh tế cần phải đầu tư cho con người mà cốt lõi là đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực lao động trực tiếp.

 

 Thực hành điện tại trường cao đẳng nghề. Ảnh:laodong.gov.vn


Nhận thức rõ được vai trò của giáo dục, đào tạo nghề đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và qua đó tạo ra sự phát triển tương lai, Chính phủ của nhiều nước đã có chiến lược dài hạn phát triển giáo dục – đào tạo và đầu tư thỏa đáng ngân sách cho lĩnh vực này. Chẳng hạn, hàng năm, Mỹ đã chi khoảng 5%-7% GDP cho việc đào tạo và phát triển nhân tài, các nước công nhiệp phát triển khác cũng đầu tư cho giáo dục- đào tạo rất lớn, như Hà Lan 6,7% GDP, Pháp 5,7%, Nhật 5,0... Ngoài ra, Chính phủ các nước công nghiệp phát triển còn có chính sách huy động sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn đầu tư cho phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhất là phát triển các trung tâm đào tạo chất lượng cao, tạo ra những nhà kỹ thuật, những nhà phát minh, sáng chế hàng đầu trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế.

Ở nước ta, ngay từ Đại hội lần thứ IX, Đảng ta đã khẳng định: “Phát triển giáo dục- đào tạo là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người- yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”. Phát triển giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội; xây dựng nền giáo dục theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa”; thực hiện công bằng trong giáo dục. Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và được sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, công tác dạy nghề từng bước phục hồi và phát triển, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nguồn lao động trực tiếp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phù hợp với cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đóng góp vào thành công chung đó, phải kể đến mạng lưới các trung tâm dạy nghề (TTDN) - loại hình cơ sở dạy nghề phổ biến, chủ yếu dạy nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề), có vai trò quan trọng trong dạy, bổ túc, bồi dưỡng nghề, đáp ứng yêu cầu đa dạng, linh hoạt và luôn biến động của thị trường lao động.

Để phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề nói chung, TTDN nói riêng cũng như định hướng đến năm 2020 phù hợp, đồng bộ với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của cả nước, của từng ngành, vùng, địa phương và phát huy hiệu quả của các TTDN hiện có; đa dạng hoá các hình thức dạy nghề, tạo điều kiện cho người lao động, thanh niên, nông dân, người dân tộc thiểu số học nghề, lập nghiệp, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau đây: 

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với các TTDN; 

- Thực hiện Đề án phát triển xã hội hoá dạy nghề theo Quyết định số 1000/2005/QĐ-BLĐTBXH ngày 07 tháng 6 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư thành lập các TTDN tư thục, TTDN có vốn đầu tư của nước ngoài. 

 

 Đào tạo nghề cho học viên tại trung tâm hướng nghiệp huyện Từ Liêm.
Ảnh: Thu Giang


- Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các TTDN cấp huyện; hỗ trợ dạy nghề cho nông dân, người tàn tật, đồng bào dân tộc thiểu số. 

- Điều tra năng lực dạy nghề của các TTDN kết hợp với xác định nhu cầu học nghề của người lao động tại các địa bàn có TTDN, trên cơ sở đó có kế hoạch đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. 

- Tổ chức bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề, nghiệp vụ, quản lý cho giáo viên dạy nghề và cán bộ quản lý tại các TTDN, nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ. 

- Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy nghề và quản lý dạy nghề: xây dựng các phần mềm phục vụ cho việc giảng dạy, học tập và quản lý dạy nghề; xây dựng giáo án điện tử; hệ thống mạng thông tin về dạy nghề. 

- Khuyến khích các TTDN nghiên cứu, sản xuất thiết bị, phương tiện, đồ dùng dạy nghề.

Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc tiếp thu các tiến bộ về khoa học và công nghệ phụ thuộc chủ yếu vào đội ngũ lao động kỹ thuật, đội ngũ trí thức. Do vậy, muốn phát triển kinh tế cần phải đầu tư cho con người mà cốt lõi là đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực lao động trực tiếp. Cũng với ý nghĩa đó, nhiều nhà khoa học đã cho rằng, cần phải có một lực lượng lao động được đào tạo phù hợp với sự phát triển của các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Tất nhiên phát triển nguồn nhân lực không chỉ là phát triển giáo dục, đào tạo mà còn là phát triển nền y tế, chăm sóc sức khoẻ và nâng cao mức sống dân cư, nhưng giáo dục, đào tạo nói chung, dạy nghề nói riêng vẫn là cốt lõi của chiến lược phát triển nguồn nhân lực.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực