Bắc Giang: Vốn tín dụng chính sách giúp nhiều hộ thoát nghèo

Thứ sáu, 18/11/2016 16:51
Cùng với nguồn vốn từ nhiều chương trình, dự án khác trên địa bàn, vốn tín dụng chính sách ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Giang góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo, giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở các vùng nông thôn miền núi, khó có cuộc sống ổn định hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: VOV

Giữa tháng 11/2016, chúng tôi theo chân các cán bộ của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lục Nam (một huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang) đến dự buổi giao dịch của ngân hàng chính sách xã hội huyện tại xã Lan Mẫu và thăm một số hộ gia đình nghèo, cận nghèo vay vốn chính sách tại địa phương. Chủ tịch UBND xã Lan Mẫu Nguyễn Văn Cường cho biết, chính quyền xã và các hội phụ nữ, nông dân đã phối hợp chặt chẽ nắm chắc số hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn đảm bảo không để lọt, sót và cùng ngân hàng chính sách bình xét, giải ngân vốn, quản lý, sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả. Hiện xã có dư nợ tín dụng chính sách xã hội trên 13 tỷ đồng; trong đó, 109 hộ nghèo và 129 hộ cận nghèo đang vay vốn với mức trung bình 40 triệu đồng/hộ để chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà và trồng các cây ăn quả như na, vải...

Chị Nguyễn Thị An, thôn Muối, xã Lan Mẫu là một trong những hộ nghèo đã vay vốn ngân hàng chính sách xã hội từ nhiều năm nay. Nhờ có nguồn vốn này, gia đình chị đầu tư phát triển kinh tế gia đình và vươn lên thoát nghèo, đời sống từng bước khấm khá hơn. Chị An cho biết, năm 2007, 2008, gia đình chị là hộ nghèo của thôn, được vay ngân hàng chính sách 10 triệu đồng để chăn nuôi sản xuất: gà, lợn, bò, ao thả cá... Đến năm 2014, gia đình đã thoát khỏi hộ nghèo, lên hộ cận nghèo của thôn và được ngân hàng chính sách tiếp tục cho vay 40 triệu đồng để mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến nay, gia đình đã có 6 nái bò, 3 nái lợn, mấy trăm con gà, chim bồ câu và làm được nhà mới khang trang.

Từ nhà chị An, đi theo con đường làng mới được trải bê tông phẳng phiu vài trăm mét đến gia đình anh Trần Văn Ngọc ở thôn Trung Hậu, xã Lan Mẫu. Đây cũng là một hộ nghèo địa phương được vay vốn ngân hàng chính sách. Anh Ngọc cho biết, gia đình anh có hai cháu đang học lớp 8 và lớp 11, vợ hiện làm cho một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở tỉnh, đời sống còn nhiều khó khăn và vẫn là hộ nghèo của xã; ngôi nhà đang hoàn thiện của gia đình cũng là nhờ sự ủng hộ, đóng góp của anh em họ hàng.

Vợ anh Ngọc chia sẻ, gia đình chị mới được vay 40 triệu đồng (vốn ngân hàng chính sách). Nhờ số tiền đó, gia đình đã mở mang sản xuất, mua được 1 cặp bò, chăn nuôi gia cầm, cuộc sống đã khấm khá lên. Hi vọng sắp tới chính sách này được mở rộng hơn để những gia đình như chúng tôi thoát nghèo và mở rộng tới các gia đình khác....

Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lục Nam, Trịnh Hữu Ngọc Nam cho biết, hiện dư nợ 12 chương trình cho vay của chi nhánh ngân hàng là trên 418 tỷ đồng, với hơn 15.000 hộ đang vay vốn; trong đó, dư nợ cho vay hộ nghèo và cận nghèo là trên 275 tỷ đồng với 8.588 hộ vay vốn. Nhờ nguồn tín dụng ưu đãi này và các chính sách, dự án giảm nghèo khác triển khai trên địa bàn, đã giúp toàn huyện Lục Nam có trên 950 hộ thoát nghèo trong năm 2016.

Ông Ngô Gia Quát, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Bắc Giang cho biết, cơ quan này đang thực hiện 14 chương trình cho vay trên địa bàn, quản lý tổng dư nợ là gần 3.200 tỷ đồng. Trong đó, tập trung vào 4 chương trình cơ bản là cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, cho vay học sinh sinh viên và cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Trong thời gian qua, nguồn vốn tăng trưởng hàng năm thực hiện khá tốt, đặc biệt là thời kỳ đầu thực hiện các tiêu chí hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn mới năm 2016. Cùng với việc kết hợp với nguồn vốn thu hồi nợ hằng năm rất lớn, huy động vốn tăng trưởng chủ yếu từ Trung ương và một phần chính quyền địa phương hỗ trợ nên kết quả của chi nhánh đạt được dư nợ bình quân đầu người là tương đối cao.

Theo ông Ngô Gia Quát , trong 14 chương trình cho vay thì mỗi chương trình có ý nghĩa khác nhau nhưng đều tập trung rất tốt để đảm bảo nguồn vốn cho sản xuất và kinh doanh đối với các đối tượng chính sách xã hội. Đặc biệt, thời gian qua lại được nâng mức cho vay nên hiệu quả đồng vốn của ngân hàng chính sách xã hội lại càng tốt. Hiện, trên địa bàn có 4 huyện có dư nợ đạt trên 400 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn được phân bổ hợp lý, chủ yếu vào những huyện có tỉ lệ hộ nghèo cao, bà con còn khó khăn như các huyện Lục Ngạn, Sơn Động. Hiện tại, nợ quá hạn của Ngân hàng Chính sách xã hội Bắc Giang chỉ chiếm tỉ lệ 0,13% trên tổng dư nợ.

Tuy nhiên, năm 2016 là năm đầu thực hiện tiêu chí hộ nghèo mới. Tới đây nhu cầu vốn của Bắc Giang sẽ lớn hơn, cơ quan này sẽ tích cực chủ động nguồn vốn của trung ương và đặc biệt là làm tốt hơn việc huy động tiết kiệm tại xã, huy động tiết kiệm qua tổ tiết kiệm vay vốn; tăng cường hơn nữa sự tranh thủ của chính quyền địa phương nguồn vốn ủy thác sang ngân hàng chính sách xã hội để cho vay. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tăng trưởng nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ chính sách trên địa bàn.

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, năm nay tỉnh đã mua cấp 269.399 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ cận nghèo. Thực hiện trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng đối với 55.229 đối tượng, trợ cấp đột xuất cho 78.426 đối tượng người cao tuổi, người nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội khác với tổng kinh phí hơn 21,3 tỷ đồng... Cùng với nguồn vốn của ngân hàng chính sách xã hội, việc thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách đảm bảo an sinh xã hội trên đã giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh Bắc Giang xuống khoảng còn 11,9% (ước đến hết năm 2016), giảm khoảng 2% so với năm 2015./.

Việt Hùng/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực