Bắc Sơn: Vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn tín dụng chính sách

Thứ sáu, 14/06/2019 16:08
(ĐCSVN) - Chỉ thị 40/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách đã thực sự phát huy hiệu quả trên địa bàn xã Bắc Sơn – xã duy nhất trên địa bàn huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận có 3 dân tộc trong đó có hai dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, đó là dân tộc Chăm và dân tộc Raglai.

Đưa nguồn vốn “mát lành” tới vùng đất của nắng gió Ninh Thuận

Với 2.043 hộ dân, gồm 9.364 nhân khẩu trong đó có 1.488 hộ DTTS/7.054 khẩu phân bổ ở 4 thôn trên địa bàn, tính đến cuối năm 2018, xã Bắc Sơn có 802 hộ nghèo/4.321 khẩu chiếm tỷ lệ 39,26%; hộ cận nghèo là 313 hộ/1.570 khẩu chiếm tỷ lệ 15,32%. Xuất phát điểm từ đời sống khó khăn, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi.

Hộ nghèo Thành Thị Sữa vay vốn chăn nuôi bò và dê (Ảnh: HNV)

Trao đổi với chúng tôi, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tôn Long Dũng cho biết, trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương tương đối ổn định, các công trình hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng; chủ trọng giải quyết kịp thời công tác vệ sinh môi trường; chăm sóc sức khỏe y tế, giáo dục, chính sách an ninh xã hội cho các đối tượng được quan tâm thực hiện; phong trào thể dục thể thao văn hóa văn nghệ được duy trì hoạt động thường xuyên, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

Đặc biệt, với việc triển khai Chỉ thị 40/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách, Đảng ủy xã đã triển khai chỉ đạo thực hiện tốt và hiệu quả các nội dung liên quan tới tín dụng chính sách trên địa bàn.

Bò của hộ vay vốn Thị Bét, dân tộc Chăm trên địa bàn mua từ nguồn vốn tín dụng chính sách (Ảnh: HNV)

Theo đó, việc triển khai các văn bản nghiệp vụ, chủ trương mới tại địa phương được UBND xã, các Hội, đoàn thể, Ban quản lý các thôn tổ chức thực hiện, tuyên truyền cho bà con nhân dân trong thôn nắm bắt cùng thực hiện các văn bản, Nghị quyết các cấp về tín dụng chính sách một cách kịp thời và đạt kết quả cao trong công tác quản lý vốn chính sách của Nhà nước tại địa phương.

Song song, việc xây dựng kế hoạch nguồn vốn và phân bổ, tổ chức thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch các chương trình tín dụng chính sách được UBND xã thực hiện kịp thời, công khai, phù hợp với nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại địa phương.

Công trình vệ sinh của gia đình hộ vay Thành Thị Sữa khang trang nhờ vốn tín dụng chính sách (Ảnh: HNV)

Cũng theo đồng chí Tôn Long Dũng, hằng năm, UBND xã đều chủ động chỉ đạo Hội, đoàn thể và tổ TK&VV phối hợp với BQL thôn trong việc rà soát, bổ sung danh sách hộ gia đình đủ điều kiện vay vốn tín dụng chính sách theo quy định, nắm bắt nhu cầu vốn vay tại địa phương; Phối hợp tốt với NHCSXH huyện tổ chức rà soát, đánh giá chất lượng hoạt động chính sách xã hội trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo các tổ chức Hội nhận ủy thác xây dựng kế hoạch phân tích đánh giá các món vay đến hạn trong năm, làm việc trực tiếp đối với hộ có lãi tồn đọng cao, món vay trên 3 tháng không hoạt động, món nợ xấu… nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.

Hơn thế, cấp ủy, chính quyền xã cũng chỉ đạo các tổ chức Hội, đoàn thể nhận ủy thác, Trưởng thôn và Tổ TK&VV quyết liệt nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, tập trung thực hiện củng cố kiện toàn tổ theo cụm dân cư liền kề, tập trung nâng cao chất lượng bình xét cho vay, tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất và sau cho vay kịp thời để nắm bắt tình hình sử dụng vốn của người vay; Chỉ đạo các tổ chức Hội, đoàn thể nhận ủy thác phối hợp với NHCSXH huyện tổ chức đánh giá kết quả triển khai thực hiện việc xây dựng “Điểm giao dịch xã thân thiện, kiểu mẫu” trên địa bàn để kịp thời có giải pháp khắc phục các tiêu chí chưa đạt, phấn đấu trong 2019 tất cả điểm giao dịch xã đều đạt các tiêu chí về “Điểm giao dịch xã thân thiện, kiểu mẫu”; Chỉ đạo các tổ chức Hội, đoàn thể nhận ủy thác vào các ngày giao dịch lưu động tại xã của NHCSXH huyện, các tổ chức Hội, đoàn thể nhận ủy thác phải cử cán bộ chuyên trách ủy thác tham gia để kiểm tra, giám sát việc thu lãi, gửi tiết kiệm và cách ghi chép vào bảng kê thu mẫu 13/TD của Tổ TK&VV, giám sát việc người dân đến giao dịch với NHCSXH huyện, tham gia và yêu cầu các Tổ TK&VV phối hợp với các cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn tổ họp giao ban để đánh giá kết quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa xã trong tháng; tham gia hỗ trợ, bảo vệ người và tài sản của nhà nước tại điểm giao dịch xã.

Tính đến tháng 4/2019, dư nợ cho vay toàn xã Bắc Sơn đạt 100% dư nợ cho vay trong hạn, trong đó nợ khoanh là 40 triệu đồng chiếm 0,058% tổng dư nợ, không có nợ quá hạn, chất lượng dư nợ ngày một ổn định.

Điểm giao dịch xã Bắc Sơn hoạt động giao dịch cố định vào ngày 20 hàng tháng, đã tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho nhân dân. Các hoạt động tại điểm giao dịch xã diễn ra công khai, minh bạch về nguồn vốn tín dụng chính sách, trên địa bàn; vừa chấp hành nội quy giao dịch, nội dung giao dịch được phối hợp thực hiện nghiêm túc; các chính sách tín dụng ưu đãi được niêm yết công khai, cập nhật đầy đủ, kịp thời.

Cán bộ tín dụng chính sách huyện Thuận Bắc kiểm tra vốn vay của hộ vay tại xá Bắc Sơn (Ảnh: HNV)

Hàng tháng, Ban giảm nghèo xã tham gia họp giao ban định kỳ vào ngày giao dịch cố định với đầy đủ thành phần quy định, nắm bắt các vấn đề vướng mắc tồn đọng để kịp thời các tổ chức xã hội thực hiện tốt nội dung hợp đồng ủy thác đã ký, chỉ đạo Ban quản lý các thôn phối hợp xác nhận kịp thời các đối tượng thụ hưởng các chương trình cho vay ưu đãi tại địa bàn xã. Việc xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, chấp hành việc trả nợ, hộ vay đi khỏi nơi cư trú, xử lý nợ xấu, nợ bị rủi ro… được thực hiện xử lý theo đúng đối tượng thụ hưởng, đúng quy trình nghiệp vụ của NHCSXH hướng dẫn.

Toàn xã có 32 Tổ TK&VV trong đó 32/32 Tổ đạt loại tốt và khá hàng tháng, không có tổ yếu và trung bình; các trường hợp vay vốn đều sử dụng đúng mục đích.

Theo chân đoàn cán bộ tín dụng chính sách, chúng tôi vào thăm hộ Thị Bét, dân tộc Chăm ở thôn xóm Bằng, xã Bắc Sơn. Đây là hộ nghèo vay vốn do Hội phụ nữ xã nhận ủy thác. Gia đình chị đã vay 40 triệu cho diện hộ nghèo từ tháng 2/2016 để mua bò và chăn nuôi cừu kết hợp. Chị tâm sự: nhờ nguồn vốn tín dụng, chị cũng mua bò và cừu đồng thời cũng phải vay mượn thêm của anh chị em họ hàng để đầu tư thêm đàn cừu, nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình.

Chia tay gia đình chị Thị Bét, đoàn chúng tôi đến với mô hình một hộ dân tộc Chăm khác, gia đình chị Thành Thị Sữa ở thôn Bình Nghĩa, xã Bắc Sơn, cũng do Hội phụ nữ xã nhận ủy thác nguồn vốn. Gia đình chị vay 40 triệu đồng dành cho hộ nghèo từ tháng 11/2016 và được vay thêm chương trình vệ sinh môi trường trị giá 12 triệu đồng từ tháng 7/2018. Gia đình có bố mẹ già và 3 cô con gái, gánh nặng nên vai của hai vợ chồng càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, nhờ nguồn vốn vay, gia đình đã có nguồn thu nhập trông ra trông vào và từng bước thoát khỏi khó khăn. Đồng thời cũng nhờ vốn tín dụng chính sách, gia đình có công trình vệ sinh khang trang, sạch đẹp, sinh hoạt của gia đình hiện đại, sạch sẽ và văn minh hơn. Thăm mô hình và chứng kiến thành quả của gia đình, chứng kiến nụ cười hạnh phúc của hai vợ chồng chị Thành Thị Sữa và các con, chúng tôi thực sự thấy ấm lòng và cảm thấy vui lây với niềm vui của gia đình…

Bà Lượng Thị Gọn, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban giảm nghèo xã Bắc Sơn chia sẻ: Được sự lãnh đạo của Đảng ủy và hỗ trợ của UBND xã, các Hội, đoàn thể nhận ủy thác đã tích cực triển khai chương trình hỗ trợ vay vốn tín dụng chính sách. Theo đó, các hộ khó khăn nhất đều được gặp gỡ, chia sẻ tìm cách tháo gỡ, các hộ vay đều có ý thức trả nợ đúng hạn và dùng nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả. “Trước kia, chúng tôi phải đi vận động các hộ vay do bà con ngại vay vì không biết sử dụng thế nào nhưng giờ cán bộ tín dụng huyện xuống tận nơi tuyên truyền nuôi con gì, trồng cây gì nên bà con biết cách sử dụng và tự tin dùng nguồn vốn đúng mục đích. Về cơ bản nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của đông đảo bà con, đáp ứng đủ”- bà Lượng Thị Gọn nói.

Từ những trải nghiệm thực tế trên địa bàn qua một số mô hình vay vốn tín dụng, quả thực đúng như chia sẻ và khẳng định của Chủ tịch UBND, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tôn Long Dũng, từ nguồn vốn vay chính sách ưu đãi, các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác của xã đã có nguồn thu nhập ổn định phát triển sản xuất chăn nuôi, cải thiện kinh tế gia đình.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực