Các chương trình tín dụng chính sách cơ bản góp phần đẩy lùi tín dụng đen

Thứ hai, 17/02/2020 18:19
(ĐCSVN) – Thời gian qua, các chương trình tín dụng chính sách do Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai cơ bản đã đáp ứng nhu cầu của hộ vay, giúp hộ vay không phải đi vay thêm tiền bên ngoài hoặc tiếp cận với các hình thức tín dụng, vay nặng lãi, góp phần là một trong những giải pháp hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen, phù hợp với chủ trương chính sách của Nhà nước.

Một số căn cứ đề xuất nâng mức cho vay

Các chương trình tín dụng chính sách đã được triển khai hiệu quả.
(Ảnh: NHCSXH)

Việc đề xuất nâng mức cho vay các chương trình tín dụng chính sách đều phải căn cứ trên cơ sở chủ trương, đường lối, chính sách và các căn cứ pháp luật, đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý, cụ thể:

Thứ nhất, Nghị quyết số 76/2014/QH2013 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo đến năm 2020 đã nêu rõ “Tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; điều chỉnh đối tượng, mức vay, lãi suất, thời hạn cho vay phù hợp gắn với chính sách khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng, nhân rộng mô hình thoát nghèo gắn kết với cộng đồng dân cư trên địa bàn”.

Thứ hai, Báo cáo số 361/BC-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về Kết quả 02 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo đến năm 2020 (giai đoạn 2017-2018) và văn bản số 1773/TTg-KTTH ngày 10/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định luôn quan tâm, dành nguồn lực để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, đồng thời chỉ đạo các Bộ, ngành, NHCSXH nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Chính phủ việc nâng mức cho vay một số chương trình tín dụng vào thời điểm phù hợp.

Thứ ba, trên cơ sở nhiều ý kiến của khách hàng vay vốn, cử tri trong cả nước, đại biểu Quốc hội, chính quyền các địa phương, các Ban và Hội đồng của Quốc hội về việc đề nghị nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các chương trình tín dụng chính sách xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm lên mức 100 triệu đồng/hộ vay để đầu tư các mô hình có quy mô lớn hơn và thời hạn đầu tư dài ngày như: trồng cây công nghiệp, cà phê, cây ăn quả, đầu tư nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản, trồng rừng sản xuất…Qua thực tế kiểm tra, giám sát của các Bộ, ngành chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội và quá trình triển khai thực hiện, theo dõi của NHCSXH đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội cho thấy nhu cầu và khả năng sử dụng vốn của hộ vay ngày càng cao, việc nâng mức cho vay là phù hợp với tình hình thực tế, góp phần hạn chế tín dụng đen đối với đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.

Thứ tư, với những căn cứ nêu trên ngày 31/12/2018, Ban điều hành NHCSXH đã trình Hội đồng quản trị NHCSXH theo tờ trình số 5736/TTr-NHCS về việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối vớichương trình cho vay hộ nghèo.

Thứ năm, ngày 31/01/2019, Hội đồng Quản trị NHCSXH đã có Nghị quyết số 08/NQ-HĐQTtheo đó Hội đồng quản trị nhất trí nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ không phải thực hiện bảo đảm tiền vay và nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với hộ nghèo để phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của các đối tượng đầu tư dài hạn.

Thứ sáu, ngày 14/02/2019, Ban điều hành NHCSXH đã trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội theo tờ trình số 755/TTr-NHCS về việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối vớichương trình cho vay hộ nghèo.

Thứ bẩy, ngày 22/02/2019,Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH ban hành Quyết định số 12/QĐ-HĐQT về nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, Quyết định số 12/QĐ-HĐQTđã quyết định nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ không phải thực hiện bảo đảm tiền vay; nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với hộ nghèo để phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của các đối tượng dài hạn. Theo đó, một số chương trình tín dụng được áp dụng như cho vay đối với hộ nghèo (chương trình cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vayphát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ)cũng được nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải đảm bảo tiền vay như đối với cho vay hộ nghèo; và nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với chương trình tín dụng hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Thứ tám, căn cứ Quyết định số 12/QĐ-HĐQT, Tổng Giám đốc NHCSXH ban hành văn bản số 866/NHCS-TDNNngày 22/02/2019 về việc nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình cho vay hộ nghèo và một số chương trình tín dụng được áp dụng mức cho vay tối đa như đối với hộ nghèo từng thời kỳ và nâng thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và để thực hiện việc nâng mức cho vay và nâng thời hạn cho vay có hiệu quả, hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, bảo toàn vốn vay, Tổng Giám đốc NHCSXH đã tiếp tục ban hành văn bản số 1963/NHCS-TDNN ngày 10/4/2019 về việc tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, trước, trong và sau cho vay.

Các chương trình tín dụng chính sách giúp nhiều hộ thoát nghèo hiệu quả. (Ảnh: NHCSXH) 

Những kết quả tích cực

Theo Báo cáo của NHCSXH, tính đến 31/12/2019, tổng doanh số cho vay nâng mức là 42.157 món vay, với số tiền 3.066.843 triệu đồng, trong đó: Cho vay mới trên 50 triệu đồng/hộ: 30.728 món vay, số tiền 2.566.642 triệu đồng, bình quân 83,5 triệu đồng/món vay gồm: Cho vay mới đến 100 triệu đồng/hộ: 12.310 món vay, số tiền 1.231.000 triệu đồng. Song song, cho vay bổ sung nâng dư nợ trên 50 triệu đồng/hộ: 11.429 món vay, số tiền 500.201 triệu đồng, trong đó: Cho vay bổ sung nâng dư nợ đến 100 triệu đồng/hộ: 3.727 món vay, số tiền 194.639 triệu đồng.

Đáng chú ý, kết quả cho vay nâng mức từng chương trình, cụ thể: Cho vay hộ nghèo: Doanh số cho vay là 15.390 món/số tiền 1.020.619 triệu đồng; Cho vay hộ cận nghèo:Doanh số cho vay là 14.024 món/số tiền 1.037.753 triệu đồng; Cho vay hộ mới thoát nghèo:Doanh số cho vay là 12.072 món/số tiền 955.129 triệu đồng; Cho vay hộ đồng bào DTTS theo QĐ 2085: Doanh số cho vay là 671 món/số tiền 53.342 triệu đồng.

Đánh giá về việc thực hiện nâng mức cho vay, thời hạn cho vay tối đa

Có thể thấy, việc cho vay nâng mức và nâng thời hạn cho vay là chủ trương đúng đắn của Hội đồng quản trị NHCSXH, Ban Tổng Giám đốc NHCSXH, được chính quyền địa phương và người dân đánh giá cao, đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ đồng bào DTTS theo QĐ 2085 được vay vốn theo nhu cầu của phương án sản xuất kinh doanh, được đáp ứng vốn kịp thời để thực hiện phương án sản xuất kinh doanh tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần hạn chế tín dụng đen tại các địa phương.

Việc nâng thời hạn cho vay đã phù hợp với phương án sản xuất kinh doanh, theo chu kỳ sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi, nhất là những cây, con có chu kỳ sinh trưởng dài ngày, cho thu nhập cao như: cây cao su, cây chè, cây cam, xoài,... trâu bò sinh sản, cừu lấy lông,...Giúp nâng cao thu nhập, mức sống và có khả năng trả nợ NHCSXH.

Các chương trình tín dụng này đã đáp ứng nhu cầu của hộ vay, giúp hộ vay không phải đi vay thêm tiền bên ngoài hoặc tiếp cận với các hình thức tín dụng, vay nặng lãi, góp phần là một trong những giải pháp hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen, phù hợp với chủ trương chính sách của Nhà nước.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực