Hơn 1,18 triệu hộ cận nghèo đã được vay vốn tại NHCSXH

Thứ năm, 23/02/2017 16:22
(ĐCSVN) - 4 năm qua, chương trình cho vay hộ cận nghèo đã giúp hàng triệu hộ gia đình trong cả nước có điều kiện tiếp cận nguồn vốn đầu tư, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên khá - giàu, tránh tái nghèo.

Đến hết 31/1/2016, dư nợ đạt hơn 29.603 tỷ đồng chiếm 18,94% tổng dư nợ các chương trình cho vay, với hơn 1,18 triệu hộ dư nợ. Dư nợ bình quân gần 25 triệu đồng/hộ. Nợ quá hạn gần 14 tỷ đồng chỉ chiếm 0,04% dư nợ chương trình.

Chương trình cho vay hộ cận nghèo của NHCSXH đã giúp hàng triệu hộ gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, thoát hẳn nguy cơ tái nghèo


Nguồn vốn tín dụng giúp nhiều hộ cận nghèo có điều kiện mở rộng sản xuất (Ảnh: PV)

Sau 4 năm triển khai thực hiện Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 23/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo đã tạo động lực cho các hộ cận nghèo trên cả nước phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và giảm nghèo bền vững.

Kể từ khi có chính sách cho vay đối với hộ cận nghèo, nhu cầu vốn bức thiết của các đối tượng này đã được đáp ứng. Hộ cận nghèo có điều kiện tiếp cận nguồn vốn đầu tư, phát triển kinh tế gia đình. Hộ cận nghèo được vay mức tối đa 50 triệu đồng, lãi suất ưu đãi 0,66%/tháng, không phải thế chấp tài sản, được NHCSXH phát tiền vay ngay tại nơi cư trú là điểm giao dịch xã.

Có thể kể đến hộ gia đình chị Võ Thị Hạnh tại buôn Liên Kết 1, xã Buôn Triết, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk gặp muôn vàn khó khăn. Nhưng nhờ nguồn vốn hỗ trợ của tín dụng chính sách, đến nay, kinh tế của gia đình anh chị đã khởi sắc, có thể trang trải cuộc sống gia đình, nuôi hai con ăn học đầy đủ…

Hay như gia đình chị Phan Thị Hoài Nam ở thôn Thuận Hoan ở xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình từng là hộ nghèo mấy năm liền. Năm 2011 gia đình chị được vay 5 triệu đồng, nhờ số vốn đó, chị đầu tư chăn nuôi lợn sinh sản và thoát nghèo. Khi đang là hộ cận nghèo, thay vì lo lắng tái nghèo, năm 2014, chị được NHCSXH huyện cho vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn hộ cận nghèo. Có vốn, chị đầu tư mở rộng chăn nuôi lợn. Đến nay, chuồng trại của chị thường xuyên có 30 con lợn nái và 120 con lợn thịt, giải quyết được việc làm cho lao động trong gia đình, thu nhập bình quân hàng năm đạt gần 130 triệu đồng (sau khi đã trừ chi phí), lại có điều kiện trang trải cho 2 cô con gái học đại học. Có thể thấy, chương trình cho vay hộ cận nghèo đã trở thành “lực đẩy” cho những hộ cận nghèo như gia đình chị Hạnh, chị Nam và nhiều hộ cận nghèo khác nữa.

Nâng cao hiệu quả chương trình

Nhìn chung, thời gian qua chương trình cho vay hộ cận nghèo do NHCSXH thực hiện đã đạt được những hiệu quả rõ rệt. Trước đây chỉ có đối tượng hộ nghèo được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi, mà chưa có chính sách hỗ trợ đối với hộ cận nghèo, trong khi ranh giới giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo là rất mong manh. Do đó, không ít hộ nghèo sau khi vay vốn của NHCSXH đã thoát nghèo nhưng không bền vững, bởi chỉ cần gặp rủi ro nhỏ về kinh tế hay gia đình có người đau ốm, tai nạn là họ lại có thể tái nghèo. Chính vì thế, chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ cận nghèo đã thực sự trở thành nguồn lực tiếp sức cho rất nhiều hộ cận nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ổn định và thoát hẳn nguy cơ tái nghèo.

Thông qua những hoạt động cho vay, NHCSXH đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên kiểm tra, giám sát đảm bảo vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng. Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi giao dịch lưu động tại xã, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ cận nghèo được tiếp cận vốn vay nhanh chóng.

Có thể thấy, việc hỗ trợ vốn cho hộ cận nghèo bước đầu đã mang lại hiệu ứng tích cực. Để có điều kiện tiếp tục mở rộng hoạt động tín dụng, đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho hộ cận nghèo thì các Bộ, ngành liên quan bố trí đủ nguồn vốn để đáp ứng cho vay chương trình; chính quyền UBND các cấp tiếp tục dành một phần ngân sách địa phương để bổ sung cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn; các Bộ, ngành liên quan tăng cường phối hợp với các hội, đoàn thể để đẩy mạnh dịch vụ tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ các hộ cận nghèo về giống, tiến bộ kỹ thuật, vật tư … Tin rằng, nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ sẽ thực sự trở thành "lực đẩy" giúp những hộ cận nghèo vươn lên ổn định cuộc sống một cách bền vững.

Lê Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực