Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Nông: Tích cực đưa chủ trương của Đảng đến với người nghèo

Thứ tư, 15/03/2017 14:33

(ĐCSVN) - Sau gần 3 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Đắk Nông đã tích cực triển khai nhiều giải pháp sáng tạo, nhằm thực hiện hiệu quả các hoạt động tín dụng chính sách xã hội, góp phần tích cực vào giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.


Hộ nghèo Đắk Nông sử dụng vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế gia đình (Ảnh: Thùy Trang)

Tạo lực cộng hưởng

Cùng với việc thực thi hiệu quả Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, những chuyển biến tích cực trong hoạt động tín dụng chính sách tại tỉnh Đắk Nông có thêm những lực đẩy mới từ việc thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư và Quyết định 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đến nay, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện. Quan trọng hơn là sự đồng thuận và vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với tín dụng chính sách.

“Sau khi triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội vị thế của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đến nay đã khác, chính quyền địa phương từ tỉnh xuống đến xã, thôn vào cuộc một cách đồng bộ và quyết liệt. Đặc biệt, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh và huyện đều là Chủ tịch UBND cùng cấp tham gia, nên chất lượng hoạt động Ban đại diện HĐQT đã đạt kết quả rõ rệt, tạo thuận lợi cho hoạt động của NHCSXH tại địa phương. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện nghiêm túc, chất lượng họp giao ban định kỳ thực hiện đầy đủ theo quy định”, Giám đốc NHCSXH tỉnh Đắk Nông, Đào Thái Hòa khẳng định.

Theo ông Trương Việt Vương - Chủ tịch UBND xã Trúc Sơn, huyện Chư Jút, “điểm mới” trong Chỉ thị 40 đó là Chủ tịch UBND cấp xã được đưa vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện. Điều này không chỉ nâng cao được vai trò, trách nhiệm của đại diện đứng đầu địa phương, mà còn giúp NHCSXH “cập nhật” những khó khăn, vướng mắc tại địa bàn để có giải pháp xử lý kịp thời. Tại các cuộc họp giao ban, Ban đại diện cấp huyện, các thành viên là Chủ tịch xã phải chịu trách nhiệm báo cáo và giải trình những tồn tại về hoạt động tín dụng chính sách thuộc địa bàn quản lý. Do vậy, các thành viên là Chủ tịch xã đều phải chủ động nắm chắc tình hình hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn mình. Không những thế, sự phối hợp giữa chính quyền xã và các tổ chức hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn được thực hiện chặt chẽ hơn.

Kết quả quản lý nguồn vốn vay ưu đãi tại xã Trúc Sơn là minh chứng thực tế cho lời nhận xét của ông Chủ tịch xã. Hiện nay, toàn xã có hơn 600 lượt hộ được tiếp cận vốn từ NHCSXH với tổng dư nợ hơn 15,6 tỷ đồng. Mặc dù số dư nợ tại xã tương đối lớn nhưng trên địa bàn vẫn chưa có trường hợp nào để nợ quá hạn.

Cùng với đó, các Phòng giao dịch trong chi nhánh đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể tiến hành sắp xếp lại các Tổ tiết kiệm và vay vốn theo hướng liền canh liền cư, giải thể các Tổ yếu kém, kiện toàn Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, bầu chọn những người có uy tín và nhiệt tình làm Tổ trưởng, nâng cao hơn chất lượng các cuộc họp bình xét cho vay ở tổ.

Do vậy, chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn đã dần dần đi vào nề nếp, phát huy hiệu quả và nâng cao chất lượng. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.484 Tổ tiết kiệm và vay vốn, số tổ hoạt động tốt và khá chiếm hơn 97%. Hộ vay đã có chuyển biến về ý thức, chấp hành khá tốt quy định nộp tiền lãi, trả nợ vay khi đến hạn.

Đến nay, tổng dư nợ trên địa bàn huyện Chư Jút đạt hơn 270 tỷ đồng, trong đó, tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,43%. Tương tự, chất lượng tín dụng tại nhiều huyện khác như Đắk R’lấp, Krông Nô… đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Tổng dư nợ tín dụng chính sách tại huyện Đắk R’lấp đến hết năm 2016 đạt hơn 245 tỷ đồng, trong đó, tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,3%. Huyện Krông Nô có tổng dư nợ đạt gần 260 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,2%...

Những kết quả này góp phần đáng kể đưa tỷ lệ nợ quá hạn của toàn chi nhánh Đắk Nông giảm từ 0,7% năm 2015 xuống còn 0,51% cuối năm 2016.

Thêm vốn, thêm cơ hội thoát nghèo

Đáng chú ý, hiệu ứng lan tỏa từ Chỉ thị 40 còn được thể hiện rõ qua sự nỗ lực của cấp Ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trong việc chung tay tạo lập nguồn lực thực hiện cho vay giảm nghèo.

 “Đến cuối năm 2016, nguồn vốn địa phương đã ủy thác qua NHCSXH tỉnh là 66 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn hoạt động của chi nhánh lên 2.006 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn địa phương ủy thác qua kể từ khi có Chỉ thị 40 là 16 tỷ đồng. Riêng năm 2017, Nghị quyết UBND tỉnh ban hành giao mỗi huyện bổ sung tối thiểu 750 triệu đồng, ngân sách tỉnh chuyển qua 6,5 tỷ đồng”, Giám đốc NHCSXH tỉnh Đắk Nông thông tin.

Hiệu quả dòng vốn chính sách thấy rõ trong từng nếp nhà người nghèo, đối tượng chính sách trong các buôn làng. Gia đình bà Nguyễn Thị Xinh ở thôn 1, xã Trúc Sơn, huyện Chư Jút là một trong những hộ có sự chuyển biến rõ nét về điều kiện kinh tế sau khi được tiếp cận vốn ưu đãi. Trước đây, gia đình bà vô cùng khó khăn. Năm 2013, bà được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, tạo điều kiện vay 25 triệu đồng để mua bò giống về nuôi. Tận dụng nguồn thức ăn dồi dào, cũng như tích cực chăm sóc, con bò giống của gia đình sinh sản tốt. Đến nay, trong chuồng bò của gia đình bà luôn duy trì từ 4 đến 5 con bò. Mỗi năm, bà bán đi từ 1 đến 2 con bò thịt, thu về được từ 25 đến 30 triệu đồng.

Việc cải tạo 1,5ha cà phê của ông Phạm Thiên Triều, ở thôn 3, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức cũng sẽ bị chậm lại nếu không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi. Cách đây ba năm, gia đình ông được vay 30 triệu đồng từ NHCSXH. Số tiền này, ông dùng để tái canh cà phê và trồng thêm 400 trụ tiêu ở những khoảng đất trống. Hiện nay, những cây cà phê giống mới đã ra trái vụ đầu và dự kiến năm nay, năng suất sẽ tăng gần gấp đôi so với giống cà phê cũ trước đây. Những trụ tiêu cũng đang phát triển tốt, hứa hẹn cải thiện thu nhập cho gia đình.

“Tuy nhiên, để công tác giảm nghèo được bền vững, đời sống của người dân thực sự được cải thiện thì bên cạnh nguồn vốn tín dụng ưu đãi, các Sở, ngành, địa phương, đoàn thể liên quan trên địa bàn tỉnh cần lồng ghép các chương trình khuyến nông, lâm, ngư, chuyển giao kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chế biến hàng nông sản đạt chất lượng cao; định hướng cho người dân trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, tìm được đầu ra ổn định, nâng cao giá trị sản phẩm”, Lãnh đạo NHCSXH tỉnh Đắk Nông kiến nghị.

Tính đến hết năm 2016, tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Đắk Nông đạt 2.002 tỷ đồng với 63.473 hộ còn dư nợ. Nguồn vốn vay ưu đãi trong đã giúp 8.271 lượt hộ nghèo có điều kiện phát triển SXKD, trong đó có tới 5.753 hộ là đồng bào DTTS; 2.951 lượt hộ cận nghèo, 1.976 lượt hộ thoát nghèo được vay vốn; qua đó giúp 4.327 hộ thoát nghèo và thoát hộ cận nghèo 3.488 hộ; góp phần giải quyết việc làm cho 2.143 lao động; tạo điều kiện cho trên 2.587 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trang trải chi phí học tập; giúp 8.481 hộ sống ở vùng nông thôn xây dựng công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn...

 

(ĐCSVN) - Sau gần 3 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Đắk Nông đã tích cực triển khai nhiều giải pháp sáng tạo, nhằm thực hiện hiệu quả các hoạt động tín dụng chính sách xã hội, góp phần tích cực vào giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
(ĐCSVN) - Sau gần 3 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Đắk Nông đã tích cực triển khai nhiều giải pháp sáng tạo, nhằm thực hiện hiệu quả các hoạt động tín dụng chính sách xã hội, góp phần tích cực vào giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Thùy Trang (KCNB)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực