Nghị lực vượt khó nhờ nguồn vốn chính sách

Thứ hai, 21/11/2016 14:43
(ĐCSVN) - Thời gian qua, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã giúp cho nhiều hộ nghèo cả nước nói chung và ở xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng nói riêng thoát nghèo, từng bước cải thiện đời sống và vươn lên làm giàu.


Nhờ vốn tín dụng chính sách gia đình chị Đặng Thị Nguyệt (bên trái) đã đầu tư vào trồng xà lách cho thu nhập ổn định (Ảnh: PV)

Để có được 2 sào rau xà lách và hành xanh tươi tốt cho thu nhập đều như thế này là nhờ có đồng vốn vay được từ NHCSXH huyện Đức Trọng, chị Nguyệt chia sẻ.

Muộn chồng, lại là phận làm lẽ, chồng không may mắc bệnh ung thư nên dường như bao nỗi vất vả đều đè hết lên đôi vai của chị. Đúng 30 Tết cách đây 3 năm thì chồng chị mất để lại cho chị đứa con thơ đang tuổi ăn, tuổi học, mà tiền thì nào có vì có bao nhiêu cũng đã dùng để chữa trị cho anh hết rồi. Thậm chí chị còn phải vay, mượn thêm bên ngoài để lo trị bệnh cho anh nhưng tiền thì vẫn mất mà chồng thì cũng không qua khỏi, kinh tế gia đình vì thế đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.

Năm 2014, thông qua tìm hiểu thông tin về NHCSXH, chị Nguyệt đã tự nguyện tham gia vào Tổ tiết kiệm và vay vốn do chị Nguyễn Thị Tuyết làm tổ trưởng. Được tổ bình xét và NHCSXH huyện phê duyệt cho vay 30 triệu đồng, chị bắt đầu đầu tư vào cải tạo 2000m2 đất để trồng cây rau ngắn ngày. Thấy được hiệu quả nên năm 2016 chị Nguyệt mạnh dạn vay thêm 20 triệu đồng để đầu tư vào hệ thống tưới nước và phân bón.

“Trước đây, do thiếu phân bón, thiếu nước tưới nên thu nhập rất ít ỏi, thậm chí nhiều vụ mùa còn bị thua lỗ nặng nề… Nhưng, nay nhờ nguồn vốn chính sách với số tiền 50 triệu đồng, tôi đầu tư quay vòng trồng nhiều loại cây ngắn ngày, trong đó cây rau xà lách được gia đình tôi ưu tiên trồng hơn cả. Trung bình khoảng 40 ngày cây sẽ cho thu hoạch được khoảng 12 triệu đồng, trừ chi phí tôi thu về từ 3,5-4 triệu đồng. Giờ mẹ con tôi đã bớt khó khăn hơn, tôi có thể yên tâm lo cho con gái tiếp tục được đến trường và dần tích lũy để trả nợ ngân hàng”, chị Nguyệt cho biết thêm.

Chị Nguyễn Thị Tuyết - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn cho hay: Hiện, Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Trung Hiệp do chị quản lý có 46 tổ viên, với dư nợ 1,3 tỷ đồng, trong đó gia đình chị Nguyệt là một trong những tổ viên có gia cảnh khó khăn nhưng giàu nghị lực vượt khó. Chị Nguyệt chưa bao giờ chậm nộp lãi, dù còn khó khăn nhưng hàng tháng chị vẫn dành ít nhất 50 nghìn đồng để gửi tiết kiệm thông qua tổ.

Chủ tịch xã Hiệp An Trương Quang Tùng đánh giá: Xã Hiệp An rộng 66 nghìn hecta với hơn 12.700 dân, trong đó có tới 45% là đồng chị dân tộc gốc Tây Nguyên chủ yếu là dân tộc K’Ho. Xã có 3 thôn người đồng bào DTTS và 03 thôn người Kinh, trong đó, Đa Ra Hoa là thôn đặc biệt khó khăn của xã. Có thể khẳng định: chặt chẽ từ khâu bình xét đối tượng vay vốn, đến có trách nhiệm trong phê duyệt, kiểm tra giám sát hiệu quả tình hình sử dụng vốn vay và phối hợp nhịp  nhàng với cấp ủy, chính quyền địa phương mà thời gian qua những cán bộ NHCSXH huyện Đức Trọng đã giúp cho nguồn vốn tín dụng chính sách thực sự phát huy được hiệu quả, giúp đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, góp phần chuyển đổi hiệu quả cơ cấu cây trồng,vật nuôi, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3,6% xuống còn 1,7% trong vòng 3 năm gần đây.                                                                                        

Trúc Quỳnh Trần (KCNB)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực