Nhìn lại 3 năm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại đồng bằng sông Cửu Long

Thứ hai, 19/01/2015 10:46

(ĐCSVN) – Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, sau 3 năm triển khai Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), về cơ bản, 5 chỉ tiêu đặt ra đều đạt và thậm chí vượt. Hoạt động tín dụng chính sách đã thực sự phát huy hiệu quả trong hỗ trợ giảm nghèo và việc làm.

5 chỉ tiêu mà Đề án đặt ra gồm: Nợ quá hạn; Lãi tồn đọng; Nợ bị chiếm dụng; Dư nợ chưa đổi được Sổ vay vốn phải tiếp tục xử lý, thu hồi; Củng cố hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV).

Thống kê tính đến hết ngày 31/12/2014, trong quá trình thực hiện củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, các địa phương đều tập trung quyết liệt xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn. Cụ thể, đến ngày 31/12/2014, tổng nợ quá hạn trong vùng là 160.046 triệu đồng, giảm 474.720 triệu đồng (giảm 74,8%), chiếm tỷ lệ 0,71%/tổng dư nợ, giảm 3,4% so với thời điểm xây dựng Đề án, hoàn thành 184% so với chỉ tiêu nợ quá hạn đề ra theo lộ trình thực hiện Đề án đến cuối năm 2014. Tất cả 13/13 tỉnh, thành phố đều hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, đáng chú ý, tỷ lệ nợ quá hạn của Hậu Giang 0,69%, giảm 87,1%; An Giang 0,96%, giảm 85,7%; Trà Vinh 0,54%, giảm 83,1%...). Đây thực sự là một thành công nổi bật trong 3 năm thực hiện Đề án.

Công tác củng cố, chất lượng tín dụng chính sách trong khu vực ngày một được nâng cao và phát huy hiệu quả to lớn, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo tại địa phương (Ảnh: PV)

Về lãi tồn đọng, đến 31/12/2014, tổng số lãi tồn đọng chưa thu được là 434.217 triệu đồng, tăng 54.406 triệu đồng so với thời điểm xây dựng Đề án (tỷ lệ tăng 14,3%). Hầu hết các tỉnh, thành phố đều có lãi tồn đọng tăng so với thời điểm xây dựng Đề án, chủ yếu là do các khoản nợ xấu nhận bàn giao chưa được xử lý từ tháng 7/2014 trở về trước không thu được lãi, điển hình là Tiền Giang tăng 36.654 triệu đồng, Cà Mau tăng 11.509 triệu đồng, An Giang tăng 9.925 triệu đồng và Bạc Liêu tăng 8.863 triệu đồng.

Nợ bị chiếm dụng tuy không lớn nhưng phát sinh từ những nguyên nhân hoàn toàn chủ quan do lợi dụng lòng tin của người vay và yếu kém trong công tác quản lý. Vì vậy, các tỉnh đã có nhiều giải pháp kiên quyết đòi lại và không để phát sinh thêm. Đến 31/12/2014, nợ bị chiếm dụng của 13 tỉnh còn là 979 triệu đồng, giảm 4.856 triệu đồng so với thời điểm xây dựng Đề án (tương đương 83,21%). Có 12 tỉnh có nợ bị chiếm dụng giảm điển hình chi nhánh Kiên Giang giảm 1.253 triệu đồng, Cần Thơ giảm 739 triệu đồng, Hậu Giang giảm 668 triệu đồng.

Đối với dư nợ chưa đổi được Sổ vay vốn phải tiếp tục xử lý, thu hồi, giảm đáng kể từ 322.093 triệu đồng (31/12/2011) xuống còn 98.423 triệu đồng (31/12/2014), giảm 223.670 triệu đồng so với thời điểm xây dựng Đề án (tương đương 69,44%). 13/13 tỉnh có dư nợ chưa đổi Sổ giảm, điển hình chi nhánh An Giang (-49.487 triệu đồng), Cà Mau (-42.295 triệu đồng),Bạc Liêu (-35.948 triệu đồng), Đồng Tháp (-24.327 triệu đồng),...

Đặc biệt, với việc củng cố hoạt động của Tổ TK&VV, do nhận thức được đây là biện pháp quan trọng hàng đầu để nâng cao chất lượng tín dụng, nên các chi nhánh đã phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương và các Hội đoàn thể cấp xã tiến hành sắp xếp lại các Tổ TK&VV, giải thể các Tổ yếu kém, bầu chọn những người có uy tín và nhiệt tình làm tổ trưởng, nâng cao hơn chất lượng các cuộc họp bình xét ở Tổ. Do vậy, số Tổ tốt đã tăng từ 15.927 Tổ (tương đương 35,78%) lên 28.217 Tổ (tương đương 67,8%), hoàn thành vượt chỉ tiêu của Đề án 7,8% và không còn Tổ xếp loại kém.

Đối với công tác tham mưu cho Chính phủ và các Bộ, ngành để ban hành các cơ chế, chính sách, từ tình hình thực tế trong quá trình thực hiên củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách vùng ĐBSCL, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) đã đề xuất, kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đưa ra nhiều quyết định như: Văn bản số 9484/VPCP-KTTH ngày 21/11/2012 và Văn bản số 990/VPCP-KTTH ngày 31/01/2013 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh về việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách vùng ĐBSCL và việc thí điểm bổ sung Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị cấp huyện; Quyết định 15/2013/QĐ-TTg ngày 23/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ Cận nghèo; Văn bản 3633/NHNN-TD ngày 21/5/2013 của Ngân hàng Nhà nước về việc xử lý các khoản nợ tồn đọng không có khả năng thu hồi tại NHCSXH theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Kết quả nổi bật nhất phải đề cập sau 3 năm triển khai Đề án chính là những thành tựu trong công tác an sinh xã hội. 3 năm qua, cùng với chất lượng tín dụng chính sách ngày một nâng cao, hoạt động của NHCSXH tại vùng ĐBSCL đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 1.400 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH; góp phần giúp khoảng 230 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 88 nghìn lao động; giúp trên 29 nghìn lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng trên 554 nghìn công trình cung cấp nước sạch, công trình nhà tiêu hợp vệ sinh ở nông thôn, trên 8 nghìn căn nhà vượt lũ… góp phần đáng kể đưa tỷ lệ hộ nghèo vùng ĐBSCL trong thời kỳ 2011-2014 giảm từ 13,48% (năm 2011) xuống còn 5,7% (năm 2014).

Ngoài ra, mặc dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực quyết tâm và tinh thần trách nhiệm, chia sẻ với cộng đồng của cán bộ, nhân viên trong hệ thống NHCSXH đã thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội, góp phần hỗ trợ giúp đỡ thiết thực đối với người nghèo, các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt trong xã hội trên địa bàn toàn quốc nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng. Công đoàn NHCSXH phát động cán bộ, đoàn viên đóng góp ủng hộ 8.166 triệu đồng cho các tỉnh vùng ĐBSCL để hỗ trợ xây dưng 09 cây cầu dân sinh (trong đó: tỉnh Bạc Liêu 3 cây tại huyện Đông Hải và Phước Long, tỉnh Bến Tre 01 cây tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Kiên Giang 02 cây tại huyện Châu Thành và Vĩnh Thuận, tỉnh Long An 01 cây tại huyện Thạnh Hoá, tỉnh Sóc Trăng 1 cây tại huyện Thạnh Trị, tỉnh Vĩnh Long 01 cây tại huyện Tam Bình); đổ bê tông tuyến đường kênh mới dài 1765 m tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành, Long An; tổ chức khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho gần 900 người là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tại tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, giúp cho họ được khám, chữa bệnh, có điều kiện kiểm tra sức khỏe, sớm phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Có thể thấy, trong thời gian qua, công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội vùng ĐBSCL đã đạt được hiệu quả cao, thể hiện ở chất lượng tín dụng đã được cải thiện đáng kể. Đồng thời, nhờ chính sách tín dụng hiệu quả, các thành tích trong an sinh xã hội cũng rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, so với bình quân chung của toàn quốc, thì hoạt động tín dụng chính sách xã hội vùng ĐBSCL vẫn còn khó khăn, hạn chế cần được tiếp tục tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Hơn nữa, công tác an sinh xã hội vẫn cần đặc biệt được lưu tâm để thực sự phát huy hiệu quả bền vững trong hỗ trợ giảm nghèo và việc làm, góp phần ổn định xã hội.

Một số kết quả nổi bật trong công tác tín dụng chính sách qua 3 năm thực hiện Đề án (2012-2014):

1. Đến ngày 31/12/2014, tổng nợ quá hạn trong vùng là 160.046 triệu đồng, giảm 474.720 triệu đồng (giảm 74,8%), chiếm tỷ lệ 0,71%/tổng dư nợ, giảm 3,4% so với thời điểm xây dựng Đề án, hoàn thành 184% so với chỉ tiêu nợ quá hạn đề ra theo lộ trình thực hiện Đề án đến cuối năm 2014.

2. dư nợ chưa đổi được Sổ vay vốn phải tiếp tục xử lý, thu hồi, giảm đáng kể từ 322.093 triệu đồng (31/12/2011) xuống còn 98.423 triệu đồng (31/12/2014), giảm 223.670 triệu đồng so với thời điểm xây dựng Đề án (tương đương 69,44%).

3. Vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 1.400 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH; góp phần giúp khoảng 230 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 88 nghìn lao động; giúp trên 29 nghìn lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng trên 554 nghìn công trình cung cấp nước sạch, công trình nhà tiêu hợp vệ sinh ở nông thôn, trên 8 nghìn căn nhà vượt lũ… góp phần đáng kể đưa tỷ lệ hộ nghèo vùng ĐBSCL trong thời kỳ 2011-2014 giảm từ 13,48% (năm 2011) xuống còn 5,7% (năm 2014).

4. Công đoàn NHCSXH phát động cán bộ, đoàn viên đóng góp ủng hộ 8.166 triệu đồng cho các tỉnh vùng ĐBSCL để hỗ trợ xây dưng 09 cây cầu dân sinh; tổ chức khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho gần 900 người là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tại tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng...

(Nguồn: Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực