Phát huy hiệu quả tín dụng với hộ nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tại khu vực Tây Nguyên

Thứ ba, 06/03/2018 17:29

(ĐCSVN) - Hơn 15 năm qua, tín dụng chính sách xã hội của Chính phủ được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện đồng bộ, hiệu quả đã trở thành động lực quan trọng giúp đồng bào Tây Nguyên phát huy hiệu quả các lĩnh vực thế mạnh của địa phương, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân; đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong vùng.

Khu vực Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Với dân số hơn 5,6 triệu người, là một trong sáu vùng kinh tế lớn của đất nước, có tiềm năng lợi thế về nông nghiệp, cây công nghiệp nhưng các tỉnh trong khu vực vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thu hút đầu tư phát triển. Đặc biệt, vấn đề đáng quan tâm nhất là tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS trong vùng chiếm tỷ lệ còn cao. Vào thời điểm 2016 tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới toàn khu vực là 15,27%.

Gia đình anh H’Nich, dân tộc Ba Na ở Làng K’Tăng, xã K’Dang, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai vay vốn hộ mới thoát nghèo đầu tư trồng cà phê (Ảnh: P.V)

Hành trình 15 năm tín dụng chính sách trên đất Tây Nguyên

15 năm qua, với sự nỗ lực của các địa phương và sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, khu vực Tây Nguyên đã có những bước phát triển và thay đổi tích cực. Cùng với các Bộ, ngành TW, NHCSXH đã bám sát chủ trương, định hướng phát triển vùng Tây Nguyên của Đảng và Chính phủ để tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, góp phần thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị trên địa bàn.

Thông qua 725 Điểm giao dịch của NHCSXH đặt tại các trụ sở UBND cấp xã, thực hiện cơ chế công khai, thuận tiện cho sự kiểm tra giám sát của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương, NHCSXH đã triển khai 20 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình, dự án nhận ủy thác cho hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS và các đối tượng chính sách. Tổng doanh số cho vay vốn tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nguyên từ khi NHCSXH đi vào hoạt động đến hết năm 2017 là 35.650 tỷ đồng, với gần 2,3 triệu lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn; trong đó doanh số cho vay đối với hộ nghèo là 13.436 tỷ đồng, với gần 1 triệu hộ nghèo được vay vốn; doanh số cho vay đối với hộ cận nghèo là 3.375 tỷ đồng, với hơn 140 nghìn hộ cận nghèo được vay vốn; doanh số cho vay đối với hộ đồng bào DTTS là 12.538 tỷ đồng, với 0,4 triệu hộ được vay vốn. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến hết năm 2017 đạt 14.949 tỷ đồng với 525 nghìn hộ còn dư nợ vay; trong đó, dư nợ cho vay đối với hộ nghèo là 1.243 tỷ đồng, với gần 159 hộ còn dư nợ, dư nợ cho vay hộ cận nghèo là 2.679 tỷ đồng với hơn 95 nghìn hộ còn dư nợ và dư nợ hộ đồng bào DTTS vay các chương trình tín dụng chính sách khác nhau là  5.725 tỷ đồng với 215 nghìn hộ còn dư nợ. Là một trong ba khu vực NHCSXH tập trung ưu tiên nguồn vốn để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng hằng năm tại khu vực Tây Nguyên là 23,4% (cao hơn 3,97% so với tăng trưởng dư nợ bình quân chung toàn quốc).

Vốn tín dụng chính sách đầu tư tại Tây Nguyên 15 năm qua đã góp phần giúp 362 ngàn hộ thoát nghèo; tạo điều kiện cho gần 230 ngàn HSSV nghèo được vay vốn đến trường; tạo việc làm cho hơn 142 ngàn lao động; xây dựng, cải tạo hơn 43 ngàn căn nhà cho hộ nghèo; xây dựng hơn 577 ngàn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường cho các hộ gia đình tại khu vực nông thôn; giúp cho gần 5 ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng tại khu vực Tây Nguyên không ngừng được củng cố, nâng cao. Tính đến cuối năm 2017, nợ quá hạn là 31 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 0,21% tổng dư nợ), nợ khoanh là 23 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 0,15% tổng dư nợ), thấp hơn so với bình quân chung toàn quốc.

Gia đình ông Ypo Niê, dân tộc Ê Đê ở buôn Plum, xã Ê A Trul, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk vay vốn chính sách nuôi bò mang lại giá trị kinh tế cao, nay đã thoát hẳn nghèo (Ảnh: P.V)

Thành công cùa nguồn tín dụng hỗ trợ

Một trong những yếu tố quan trọng giúp cải thiện chất lượng tín dụng chính sách trong vùng đó là sự vào cuộc đầy quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tại địa phương đã cùng NHCSXH thường xuyên theo dõi, bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ và tình hình thực tế trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, từ đó nghiên cứu, phân tích, đánh giá, phối hợp với NHCSXH giải quyết khó khăn, vướng mắc; đồng thời, tham mưu, đề xuất, kiến nghị Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và đồng bào DTTS khu vực Tây Nguyên, như: chính sách cho vay người lao động của huyện nghèo đi xuất khẩu lao động, chính sách cho vay đối với hộ cận nghèo,... và tập trung nguồn vốn tín dụng ưu đãi để giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, NHCSXH các tỉnh trong khu vực cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thành lập các Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại các thôn, buôn, làng. Tổ tiết kiệm và vay vốn là nơi giúp hộ vay thực hiện các thủ tục vay vốn, tổ chức sinh hoạt tương trợ giúp đỡ nhau, đảm bảo thực hiện cơ chế dân chủ, vừa là nơi để ngân hàng đưa các nghiệp vụ về cơ sở phục vụ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác hiệu quả hơn. Cùng với đó, các tổ chức chính trị - xã hội còn giúp các thành viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn có điều kiện được tiếp cận với nhiều hoạt động lồng ghép như hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao KHKT... Tại Điểm giao dịch xã, các chính sách tín dụng của Nhà nước, danh sách hộ vay vốn và các quy trình thủ tục của NHCSXH được niêm yết công khai; người vay giao dịch trực tiếp với NHCSXH vào ngày cố định hằng tháng để vay vốn, trả nợ, gửi tiền tiết kiệm, trước sự chứng kiến của cán bộ tổ chức chính trị - xã hội, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn và chính quyền địa phương. Qua đó, đã tạo được lòng tin của nhân dân đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước và hoạt động của NHCSXH; chính quyền cơ sở cũng có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với người dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân, tạo điều kiện cho người dân vay vốn với thủ tục đơn giản, gọn nhẹ và ngay gần nơi sinh sống, giảm phụ thuộc vào nguồn vốn vay không chính thức, góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự và an toàn xã hội tại cơ sở.

Đáng chú ý, hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại khu vực Tây Nguyên có thêm lực đẩy mới từ việc thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư TW Đảng và Quyết định 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đến nay, các tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện xuyên suốt tới cấp cơ sở. Quan trọng hơn là đã tạo được sự đồng thuận, quan tâm vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với tín dụng chính sách, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp đã nâng cao trách nhiệm trong việc thực thi, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội; quan tâm bố trí nguồn ngân sách để ủy thác cho NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay; tạo điều kiện về cơ sở vật chất, đảm bảo sự ổn định cho hoạt động tại các Điểm giao dịch xã... Chất lượng tín dụng chính sách trong vùng, với nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã ngày một nâng cao và phát huy hiệu quả thiết thực.

Thời gian tới, NHCSXH tiếp tục chủ động tham mưu cho các Ban, Bộ ngành, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và thực hiện thành công Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2020.

Phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương thường xuyên rà soát, bổ sung các đối tượng chính sách và xác nhận để cho vay theo quy định, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn hiệu quả, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững và có điều kiện trả nợ cho ngân hàng giúp cho người dân ngày càng sử dụng vốn vay hiệu quả, giảm dần tệ nạn cho vay nặng lãi; tăng cường nguồn vốn địa phương dành cho công tác giảm nghèo, tạo việc làm trên địa bàn.

Kết hợp giữa tín dụng chính sách và các chính sách về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư để hộ nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn vay hiệu quả, phát triển đời sống và có điều kiện để trả nợ vốn vay đúng hạn. Tiếp tục duy trì củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội./.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực