Tín dụng chính sách góp phần bảo đảm sinh kế cho người dân sau thu hồi đất nông nghiệp

Thứ tư, 22/06/2016 14:37
(ĐCSVN) - Trong những năm qua, bên cạnh những nguồn lực phát triển kinh tế địa phương, hoạt động tín dụng chính sách tại Duy Tiên (Hà Nam) đã phát huy được hiệu quả cao giúp người dân chuyển đổi ngành nghề khi thu hồi đất góp phần giải quyết việc làm và ổn định cuộc sống.

 

Tín dụng chính sách góp phần giúp người dân bị thu hồi đất nông nghiệp chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm tại địa phương (Ảnh: LX)

Không còn việc làm sau thu hồi đất...

Duy Tiên nằm ở phía Bắc của tỉnh Hà Nam, là cửa ngõ phía Nam của thủ đô Hà Nội qua tuyến đường Quốc lộ 1A. Từ năm 2000, huyện xác định ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ, nhưng đến năm 2007 thì chính sách này mới thực sự phát triển mạnh. Vì vậy, nhiều diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn bị thu hồi để chuyển sang xây dựng các các khu, cụm công nghiệp như khu công nghiệp Đồng Văn I, II, III khu tiểu thủ công nghiệp Cầu Giát, Hoàng Đông... phục vụ cho phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ. Các khu công nghiệp được hình thành và phát triển góp phần làm tăng tốc độ tăng trưởng, thay đổi cơ cấu kinh tế của huyện, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Nổi tiếng có thể kể đến Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi của Nhật Bản ở  khu công nghiệp Đồng Văn II. Hay như Công ty TNHH Honda Việt Nam khu công nghiệp Đồng Văn II, chuyên sản xuất, lắp ráp xe tay ga…

Tuy nhiên, việc thu hồi đất nông nghiệp với diện tích lớn như ở thị trấn Đồng Văn, Hòa Mạc các xã Hoàng Đông, Bạch Thượng, Yên Bắc, Trác Văn... đã và đang nảy sinh một số vấn đề cần được giải quyết. Đó là tình trạng thiếu việc làm và thu nhập của một bộ phận người nông dân, đặc biệt là những hộ nông dân nghèo, những gia đình chính sách có đất bị thu hồi ...

Nhớ lại những ngày trước, ông Nguyễn Văn Chín ở phố Thái Hòa thị trấn Hòa Mạc tâm sự: “Dù đã được nhận tiền đền bù từ việc thu hồi đất nhưng gia đình canh cánh nỗi lo mưu sinh. Đất nông nghiệp không có, đi xin việc không nơi nào nhận vì đều quá tuổi, cả nhà ông chỉ biết đi làm thuê thời vụ mưu sinh. Không có đất sản xuất, không có công ăn việc làm, cứ đà này cả nhà tôi mỗi người một nơi đi làm thuê mới đủ sống”.

Sau thu hồi đất là thất nghiệp, đây dường như không còn là câu chuyện của riêng gia đình ông Chín mà còn là trăn trở của những hộ gia đình nằm trong diện thu hồi đất.

Chủ tịch UBND thị trấn Hòa Mạc, Đặng Minh Hoàng cho biết: “Trước tình trạng trên, chính quyền địa phương đã điều tra, rà soát nhu cầu việc làm của người lao động bị thu hồi đất và đã có những chính sách tạo điều kiện để các hộ trong độ tuổi lao động có cơ hội tìm việc làm ngay tại các khu, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ gia đình nghèo, gia đình chính sách có nhu cầu được theo học tại các trung tâm dạy nghề; tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH để giải quyết việc làm”.

Người dân vay vốn ưu đãi để giải quyết việc làm

Cuối năm 2008, khi được tiếp cận 90 triệu đồng vốn giải quyết việc làm từ NHCSXH gia đình ông Nguyễn Văn Chín ở phố Thái Hòa thị trấn Hòa Mạc đã đầu tư sửa chữa nhà xưởng, mua máy móc về mở cửa hàng kinh doanh cơ khí, ông Chín kể: “Lúc đầu rất nhiều khó khăn nhưng nhờ có nguồn vốn ưu đãi cho vay kịp thời mà gia đình ông vững bước phát triển không những tạo việc làm cho gia đình mà còn tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng”.

Cũng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ NHCSXH, năm 2009 gia đình ông Vũ Văn Dũng ở thôn Hoàng Hạ xã Hoàng Đông được giải ngân 20 triệu đồng cùng với nguồn vốn tự có của gia đình anh đầu tư mua máy móc làm gia công hàng mỹ ký cho một số công ty tại khu công nghiệp Đồng Văn, làm ăn thuận lợi, đơn hàng ngày càng nhiều vì vậy công việc phát triển và hiện nay công việc này tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động trên địa bàn với mức lương hàng tháng từ 3,5 - 4 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhiều người trong xã còn nhận hàng của anh về làm tại nhà góp phần tăng thu nhập cho gia đình ổn định đời sống.

Khi hỏi chuyện anh phấn khởi kể: “Khi đất đai bị thu hồi để phục vụ các khu công nghiệp, gia đình tôi cũng như nhiều bà con rất lo lắng không biết sau này làm gì để sinh sống nhưng khi những khu công nghiệp đi vào hoạt động đã giúp nhiều lao động trong độ tuổi lao động trên địa bàn có việc làm và thu nhập thường xuyên. Còn những lao động đã quá tuổi không đi làm tại khu công nghiệp nhưng vẫn nhận hàng về làm gia công và tạothu nhập rất ổn định”.

Được biết, trên địa bàn huyện còn rất nhiều gia đình trên địa bàn đã và đang được tiếp cận với nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm từ NHCSXH đã chuyển đổi ngành nghề thành công, phát tiển nghề truyền thống như mây giang đan Ngọc Động xã Hoàng Đông, dệt lụa truyền thống Nha Xá xã Mộc Nam hay làm trống Đọi Tam xã Đọi Sơn nhờ đó đã tạo việc làm thường xuyên và thu nhập cho nhiều lao động của địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc NHCSXH huyện Duy Tiên Trần Quốc Hoàn chia sẻ: “Duy Tiên là huyện trọng điểm được tỉnh chọn để phát triển công nghiệp, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp nhường chỗ cho những khu công nghiệp, dự án mở đường phát triển vì vậy, công tác giải quyết việc làm cho các lao động bị thu hồi đất là rất bức thiết. Để góp phần tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực bị thu hồi đất, chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế, bảo đảm việc làm cho người có nhu cầu việc làm theo đúng tinh thần chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương NHCSXH huyện đã tập trung giải ngân vốn tín dụng chính sách đặc biệt là chương trình giải quyết việc làm trên địa bàn huyện.”

Hiện nay, tổng dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Duy Tiên đạt gần 10,5 tỷ với 473 hộ gia đình vây vốn. Nguồn vốn này đã giúp giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 800 lao động tại địa phương. Tính từ đầu năm 2016 đến nay đã cho 76 hộ gia đình vay vốn hỗ trợ việc làm cho trên 100 lao động có việc làm thường xuyên với thu nhập từ 4.500.000 đồng đến 5.000.000 đồng/người/tháng.

“Một trong những giải pháp mà thị trấn Hòa Mạc thực hiện khá hiệu quả đó chính là khai thác nguồn vốn cho vay từ NHCSXH giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống. Các tổ chức hội, đoàn thể ở địa phương phối hợp chặt chẽ với NHCSXH huyện trong việc tổ chức vay và quản lý nguồn vốn, hướng dẫn các hộ vay vốn sử dụng đồng vốn hiệu quả, giải quyết việc làm cho gia đình và cho những người dân địa phương tạo góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, địa phương. Qua đây, cũng mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm tăng thêm nhiều hơn nữa nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm để giúp cho người dân ổn định cuộc sống hướng tới làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình” - Chủ tịch UNBD thị trấn Hòa Mạc, Đặng Minh Hoàng chia sẻ.

Lương Xuân (KCNB)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực