Yên Bái: Tăng cường phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trong năm 2015

Thứ tư, 28/01/2015 15:15

(ĐCSVN) - Thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đến thời điểm hiện tại, Yên Bái đã triển khai 10 chương trình tín dụng gồm: cho vay hộ nghèo, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay giải quyết việc làm, cho vay học sinh sinh viên có khoàn cảnh khó khăn,…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Văn Long – Đại diện Hội đồng quản trị Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Yên Bái, những năm qua, hoạt động tín dụng chính sách đã phát huy là công cụ hữu hiệu thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội đồng thời đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Năm 2014, Chi nhánh đã thực hiện cho vay hơn 23.257 lượt khách hàng với doanh số cho vay 510 tỷ đồng. Với nguồn vốn ưu đãi này đã giúp cho hộ nghèo và đối tượng chính sách đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng, mở rộng diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp, tạo thêm việc làm mới cho người lao động…Thông qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương và thực hiện mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm.

Chương trình vốn vay tín dụng chính sách đã tạo cơ hội
cho nhiều hộ nghèo vươn lên sản xuất (Ảnh minh họa: BT)

Cụ thể, về chương trình cho vay hộ nghèo, năm 2014, Chi nhánh đã cho vay 8.619 lượt khách hàng với doanh số cho vay 229 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất đã được đáp ứng trên 80%. Kết quả khảo sát về hiệu quả tín dụng chính sách cho thấy, đa số hộ nghèo được vay vốn đã chuyển biến về ý thức trong sử dụng vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh, chuyển biến về ý thức vay – trả, nhiều hộ nghèo đã cải thiện đời sống nhờ sử dụng vốn ưu đãi.

Về chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, năm 2014, toàn tỉnh đã cho 5.877 hộ vay với số tiền 63,6 tỷ đồng để làm mới 6.350 công trình nước sạch, 6.300 công trình vệ sinh. Nguồn vốn NHCSXH cho vay đầu tư vào các công trình này đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao sức khỏe, đời sống của hộ nông dân nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Về chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh thuộc vùng khó khăn, vốn đầu tư đã được tập trung cho vay mở rộng các cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm sản, trang trại và ngành nghề kinh doanh dịch vụ. Chương trình cho vay đã thu hút những hộ có khả năng sản xuất kinh doanh, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa bàn khác nhau phát triển kinh tế, tạo ra ngành nghề, sản phẩm mới, thúc đẩy lưu thông hàng hóa phát triển. Đồng thời, các mô hình phát triển kinh tế điển hình đã tạo ra các kiểu mẫu để khuyến khích hộ nghèo phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong năm 2014, công tác triển khai thực hiện các chương trình, tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn tồn tại. Trong đó, việc kết hợp chương trình tín dụng chính sách với các chương trình, dự án kinh tế - xã hội trên từng địa bàn chưa chặt chẽ, đồng bộ, do vậy, hiệu quả sử dụng vốn vay chưa cao tại một số địa phương. Người vay còn lúng túng trong việc sử dụng nguồn vốn vay; một bộ phận thoát nghèo thiếu bền vững còn có nguy cơ tái nghèo.

Bên cạnh đó, do điều kiện tỉnh miền núi, giao thông đi lại khó khăn, địa hình phức tạp nên hiệu quả công tác tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Vẫn còn tồn tại tình trạng chính quyền cấp xã chưa nắm rõ vai trò, trách nhiệm trong việc quản lý các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP, còn phó mặc cho các tổ chức đoàn thể làm ủy thác trong quá trình triển khai các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn xã.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Văn Long, năm 2015, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Yên Bái tập trung vào một số mục tiêu như: đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận các sản phẩm dịch vụ NHCSXH cung cấp. Tiếp tục triển khai và nâng cao chất lượng các chương trình tín dụng chính sách; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhằm hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ, đơn giản hóa thủ tục để phục vụ hộ nghèo và các đối tượng chính sách,…

Nhằm đạt được mục tiêu đề ra, các giải pháp sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới gồm: tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của cấp Ủy, chính quyền các cấp đối với hoạt động của NHCSXH; đặc biệt tranh thủ vai trò của chính quyền cấp xã trong quản lý và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách theo địa bàn. Phối hợp chặt chẽ với các ngành tăng cường công tác tuyên truyền để các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư hiểu rõ về chính sách tín dụng ưu đãi; đồng thời xóa bỏ tư tưởng bao cấp, trông chờ ỷ lại để người nghèo nỗ lực cố gắng sử dụng đồng vốn ưu đãi có hiệu quả vươn lên thoát nghèo.

NHCSXH và các tổ chức chính trị xã hội thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai các chương trình tín dụng chính sách. Các tổ chức đoàn thể thực hiện đầy đủ và chất lượng các công đoạn nhận ủy thác. Thường xuyên củng cố và nâng cao chất lượng của tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV); tổ chức tổ TK&VV đảm bảo theo đúng quy định và phù hợp với điều kiện hoạt động trên từng địa bàn, nâng cao năng lực quản lý vốn của Ban quản lý tổ.

Mặt khác, đầu tư vốn các chương trình tín dụng chính sách hợp lý; nâng mức cho vay, phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Thêm vào đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, quản lý nguồn vốn ưu đãi, làm tốt công tác cho vay thu nợ, thu hồi vốn đến hạn để cho vay quay vòng./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực