Cần gỡ khó cho nhân lực nghề công tác xã hội

Thứ hai, 06/10/2014 15:16

(ĐCSVN)Nghề Công tác xã hội (CTXH) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010. Đến nay, sau 4 năm triển khai, nhân lực nghề CTXH vẫn là một vướng mắc mà bất cứ địa phương nào cũng đều gặp phải. Để việc chăm sóc người yếu thế được hiệu quả, nâng cao chất và lượng cho nhân lực nghề CTXH là một bài toán nan giải đang được đặt ra.

 

Hỗ trợ dạy nghề cho người khuyết tật tại Đà Nẵng (Ảnh: Trần Quỳnh)


Nhân lực nghề CTXH: nhiều tỉnh, thành gặp khó

Ở tỉnh Phú Yên, hiện có hơn 300.000 người đang được và cần hỗ trợ các dịch vụ xã hội, chiếm hơn 35% dân số của tỉnh. Trong đó, có hơn 19.000 người khuyết tật; 2.500 trẻ mồ côi; 15.000 đối tượng bảo trợ xã hội được nhận trợ cấp hàng tháng; hơn 89.000 người cao tuổi; hơn 100.000 người thuộc diện hộ nghèo; 30.000 đối tượng chính sách ưu đãi người có công và hơn 100.000 người phải sống trong vùng thường xuyên xảy ra bão lụt thiên tai...

Nhu cầu thì rất lớn, thế nhưng để đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội cho các đối tượng trên thì còn rất khiêm tốn. Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 cơ sở bảo trợ xã hội, một cơ sở chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội, 1 trung tâm công tác xã hội trẻ em, 1 cơ sở giáo dục chuyên biệt trẻ khuyết tật và 3 nhà cứu trợ trẻ em tàn tật. Các cơ sở này hiện đang nuôi dưỡng chăm sóc, chữa bệnh cho trên 300 đối tượng yếu thế. Số nhân viên tham gia CTXH tại đây 72 người. Ngoài ra ở các địa bàn dân cư hiện nay còn có một lực lượng cộng tác viên, nhân viên CTXH không chuyên trách ở các ngành, đoàn thể với khoảng hơn 600 người. Tuy nhiên, số người này hầu hết không được đào tạo bài bản, thiếu chuyên môn về nghề CTXH, lại kiêm nhiệm nên hiệu quả trong việc hỗ trợ xã hội cho các đối tượng cần giúp đỡ chưa cao.

Hay ở tỉnh Quảng Bình, số liệu thống kê từ Phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh cho biết, hiện nay số lượng đối tượng cần bảo trợ xã hội ở tỉnh là 31.796 hộ nghèo (chiếm 14,18%) và 40.848 hộ cận nghèo (chiếm 18,22%), 19.927 đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hàng tháng, 3.213 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 98.198 người cao tuổi... Toàn tỉnh có 10 trung tâm, làng trẻ có chức năng nuôi dạy, điều dưỡng, giáo dục, chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, mới có khoảng 20% số cán bộ, nhân viên làm CTXH tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. Hơn 50% cán bộ, nhân viên làm CTXH có nhu cầu đào tạo dài hạn về CTXH (lĩnh vực tâm lý học, xã hội học, CTXH...).

TP. Hồ Chí Minh cũng là một địa phương gặp khó. Hiện thành phố có khoảng 20.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 130.000 hộ gia đình nghèo, gần 10.000 người nghiện ma túy, hơn 2.000 đối tượng mại dâm, khoảng 100.000 đối tượng bảo trợ xã hội, hơn 44.300 người khuyết tật và khoảng 400.000 người cao tuổi. Thế nhưng đội ngũ làm CTXH của thành phố còn thiếu rất nhiều.

Ông Lê Chu Giang - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ,TB&XH TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Đội ngũ làm CTXH của thành phố chỉ có trên 5.000 người, với hơn 90 cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở chữa bệnh - giáo dục lao động xã hội và các cơ sở bảo trợ khác. Trước thực trạng đội ngũ người làm CTXH thiếu và yếu, chưa được đào tạo chuyên ngành về CTXH, từ nay đến năm 2015, TPHCM sẽ phấn đấu phát triển đội ngũ làm CTXH tăng khoảng 10%, trong đó mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 1-2 viên chức, nhân viên CTXH thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên làm CTXH có mức phụ cấp hằng tháng bằng mức lương tối thiểu chung.

Tại Nam Định, theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh có trên 6.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, gần 64 nghìn người tàn tật và mất sức lao động, trên 6.200 người bị tâm thần, khoảng 2.400 người nghiện ma túy, 400 nghìn người cao tuổi, 160 nghìn người nghèo… Tuy nhiên, số nhân viên CTXH của tỉnh mới có 470 người, trong đó chỉ có 7% số nhân viên được đào tạo chuyên ngành.

Đà Nẵng là một trong số ít tỉnh, thành phố đã thành lập được Trung tâm cung cấp dịch vụ xã hội. Trung tâm này đã đi vào hoạt động được 4 năm, đã phát triển được mạng lưới 70 cộng tác viên tại tất cả 56 xã, phường trên địa bàn thành phố, trợ giúp cho hàng nghìn đối tượng yếu thế... Tuy nhiên, Trung tâm cung cấp dịch vụ xã hội của Đà Nẵng mới chỉ có 8 cán bộ, nhân viên, trong đó 2 nhân viên làm việc theo chế độ cộng tác viên đặc biệt, hoàn toàn không có lương mà thu nhập chính chỉ dựa vào tiền công của các Dự án nước ngoài trả cho mỗi ca trợ giúp xã hội được thực hiện thành công.

Chỉ có 8,5% cán bộ được đào tạo chuyên ngành

Nghề CTXH được coi là một nghề kể từ khi Đề án 32 được Chính phủ phê duyệt. Từ đó đến nay, mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH và đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên CTXH đã được củng cố, phát triển. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, đến nay, cả nước có trên 30 tỉnh, thành phố xây dựng mô hình Trung tâm CTXH. Các Trung tâm này đã được Dự án hỗ trợ kỹ thuật để vận hành mô hình và phát triển dịch vụ CTXH. Cả nước có 21 tỉnh, thành phố đã phê duyệt kế hoạch thành lập mạng lưới cộng tác viên CTXH theo Đề án 32, với tổng số gần 8.800 cộng tác viên.

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, sau 4 năm triển khai Đề án 32 về nghề CTXH, cả nước ta hiện có khoảng 35.000 người hoạt động CTXH thì chỉ có 8,5% các cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH được đào tạo đúng chuyên ngành, đa phần trong số này là cán bộ giảng dạy và làm việc ở cấp Trung ương.

Cụ thể, có tới 90% cán bộ, nhân viên trong các cơ sở, tổ chức đoàn thể sử dụng nhân viên CTXH cấp xã, phường làm việc không đúng chuyên ngành, 10% không được đào tạo. 75% cán bộ, nhân viên tại các cơ sở bảo trợ xã hội, các trung tâm CTXH làm việc không đúng chuyên ngành và 30% không được đào tạo. Còn tại các khoa, bộ phận có giảng dạy về CTXH tại trường đại học, cao đẳng thì có tới 20% giảng viên không đúng chuyên ngành. Với các cơ sở dạy nghề, trường chuyên biệt khác thì con số này lên tới 80%.

Con số này quá khiêm tốn so với khoảng 9 triệu người cao tuổi, hơn 6 triệu người khuyết tật, khoảng 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hàng vạn người bị nhiễm HIV, nghiện ma túy, bán dâm, ngược đãi, tâm thần... cần trợ giúp xã hội.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, chúng ta đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến nhân lực CTXH, như: Thông tư quy định về chức danh, mã số các ngạch viên chức CTXH; Thông tư quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức CTXH; quy định tiêu chuẩn chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH); hướng dẫn tiêu chuẩn cộng tác viên cấp xã ngành CTXH... Tuy nhiên, về tổng thể, hệ thống những văn bản này vẫn chưa thật hoàn chỉnh. Việc đào tạo, tập huấn cho cán bộ, nhân viên CTXH mới dừng lại ở giai đoạn đầu, kinh nghiệm đào tạo ít; chương trình, giáo trình và tài liệu giảng dạy CTXH còn thiếu, nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, còn một tồn tại khác là đội ngũ cán bộ, nhân viên và cộng tác viên CTXH còn quá mỏng và cũng chưa chuyên nghiệp; các hoạt động hiện tại mang nặng tính quản lý nhà nước hơn là hướng dẫn, hỗ trợ cung cấp dịch vụ công cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, nhằm giúp đỡ họ tự giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh. Đó là những nguyên nhân dẫn đến việc nhân lực ngành CTXH còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn nghiệp vụ; phương pháp chăm sóc, điều trị và trợ giúp đối tượng tại các cơ sở còn nhiều hạn chế; năng lực chăm sóc, trợ giúp các đối tượng của các cơ sở đạt hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của đối tượng.

Giải bài toán nhân lực nghề CTXH

Trong những năm qua, ngân sách trung ương đã hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên CTXH, đào tạo tại chức hệ vừa học vừa làm. Đến nay, sau gần 4 năm thực hiện Đề án 32, cả nước đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 30.000 cán bộ, nhân viên CTXH, tổ chức đào tạo hệ vừa làm vừa học trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp cho khoảng 13.000 người; phối hợp với các địa phương tổ chức đạo tạo 135 giảng viên dạy nghề CTXH cho các trường cao đẳng, trung cấp nghề trong cả nước; đào tạo 4 lớp với 160 cán bộ, quản lý CTXH cấp cao... Ngoài ra, còn nâng cao năng lực cho các cơ sở bảo trợ xã hội, phối hợp với 7 tỉnh kiểm tra giám sát việc triển khai thí điểm các trạm y tế cấp xã hỗ trợ, phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn.

Tính đến thời điểm này, đã có 11 trường cao đẳng và đại học thực hiện đào tạo lại 12.125 cán bộ trình độ đại học, 1.092 cán bộ trình độ cao đẳng và 4.524 cán bộ trình độ trung cấp CTXH. Ngoài ra, mỗi năm, có khoảng 2.500 cử nhân CTXH được đào tạo hệ chính quy, dài hạn đúng chuyên ngành. Trong đào tạo CTXH, đã có khoảng 40 trường đại học, cao đẳng và 20 cơ sở dạy nghề tổ chức đào tạo, dạy nghề CTXH. Từ năm 2012, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã bắt đầu đào tạo cho khoảng 80 thạc sỹ CTXH/năm.

Bộ LĐ-TB&XH cũng đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ một số trường đại học nghiên cứu, biên soạn giáo trình đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng nghề CTXH để chuyển giao cho cơ sở dạy nghề thiết lập chuyên ngành đào tạo CTXH.

Tuy nhiên, cái khó là nhân lực được đào tạo bài bản về nghề CTXH thì lại đang gặp khó khi đi tìm việc. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp nhận định, nghề công tác xã hội đã được đưa vào danh mục nghề quốc gia và vẫn còn thiếu nhiều cán bộ CTXH chuyên nghiệp, thế nhưng nghề CTXH lại được đánh giá là một trong những nghề khó xin việc nhất hiện nay.

Theo ông Doãn Mậu Diệp, nguyên nhân của tình trạng sinh viên ngành CTXH khó xin việc là do nhận thức về nghề CTXH vẫn chưa tương xứng với những gì nghề này có thể đóng góp cho xã hội. Mặc khác, việc đào tạo cán bộ CTXH hiện nay phần nào vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu xử lý những vấn đề phát sinh của quá trình đô thị hóa.

Tiến sỹ Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, người có nhiều năm làm công tác bảo trợ xã hội ở Bộ Lao động, thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho rằng, để khắc phục tình trạng này, trước tiên cần xác định rõ vị trí làm việc và tiêu chuẩn hoá một số chức danh cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cán bộ làm công tác bảo trợ xã hội thuộc khối cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương; một số chức danh ở các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH, một số tổ chức đoàn thể xã hội, tổ chức phi chính phủ có liên quan đến cung cấp dịch vụ CTXH phải đạt trình độ đào tạo ĐH hoặc CĐ về CTXH. Phải ưu tiên tuyển dụng những người được đào tạo cơ bản có trình độ đại học, cao đẳng về CTXH vào các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp, ngành, cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH, để họ có cơ hội sử dụng những kiến thức đã học vào thực tế công tác.

Tiếp theo là tạo khung pháp lý để phát triển các tổ chức cung cấp dịch vụ CTXH kể cả khu vực nhà nước và tư nhân, qua đó thu hút được những người qua đào tạo cơ bản về CTXH vào làm việc, khắc phục tình trạng học một nghề ra làm nghề khác, hạn chế tình trạng lãng phí nguồn nhân lực quý giá này. Việc hành nghề tự do cung cấp dịch vụ CTXH với tư cách là nhà tham vấn, tác nhân phát triển cộng đồng, nhà nghiên cứu khoa học để sử dụng số cán bộ được đào tạo cơ bản này thật sự hiệu quả... cũng cần có hành lang pháp lý rõ ràng.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực