Chung tay giúp người khuyết tật vững tin hòa nhập cộng đồng

Thứ năm, 25/09/2014 14:38

(ĐCSVN) - Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật, trong đó, khoảng 60% người khuyết tật trong độ tuổi lao động. Số người khuyết tật được dạy nghề hàng năm đạt 5.000 - 6.000 người trong tổng số 1,5 triệu người được dạy nghề trong cả nước. Hiện nay, cả xã hội đang chung tay giúp đỡ người khuyết tật vững tin hoà nhập với cộng đồng. 

Đa số người khuyết tật sống ở nông thôn với các cơ sở hạ tầng, điều kiện sống, phương tiện sinh hoạt chuyên dùng còn nhiều thiếu thốn, do vậy họ gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại và giao tiếp với cộng đồng.Việc dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật hiện nay vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tế do đại bộ phận người khuyết tật có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trình độ văn hóa thấp. Trong khi đó, mỗi dạng tật của người khuyết tật chỉ phù hợp với một số nghề nhất định nên dạy nghề cho họ có nhiều khó khăn, chi phí cao hơn so với dạy nghề thông thường. 

Ông Đào Mạnh Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh - sinh viên (Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: "người khuyết tật đang mất đi nhiều cơ hội làm việc tốt do họ được đào tạo nghề quá ít. Nếu các doanh nghiệp muốn tuyển người khuyết tật vào làm việc thì cũng rất khó mà tìm được người có chuyên môn, tay nghề phù hợp với yêu cầu. Mặc dù có hệ thống chính sách hỗ trợ từ ngân sách, tuy nhiên kết quả dạy nghề và giải quyết việc làm cho người khuyết tật những năm qua còn rất khiêm tốn. Hiện nay, số người khuyết tật được dạy nghề hàng năm chỉ chiếm khoảng 0,4% số người được dạy nghề cả nước, chiếm 3% số người khuyết tật, trong khi tỷ lệ người khuyết tật chiếm tới 8% dân số".
 

 

Kỹ thuật viên đang hướng dẫn gia công dụng cụ y tế ống nong động mạch 
cho học viên người khuyết tật tỉnh Bình Dương (ảnh: baobinhduong.org.vn)

Hiện nay, cả nước có 256 cơ sở dạy nghề tham gia dạy nghề cho người khuyết tật, trong đó có 55 cơ sở dạy nghề chuyên biệt. Cùng với đó, hệ thống quản lý Nhà nước về dạy nghề được kiện toàn, các văn bản quy phạm pháp luật cũng đã quy định các cơ sở dạy nghề dành riêng cho người khuyết tật được ưu tiên cấp địa điểm thuận lợi, hỗ trợ vốn, cấp kinh phí đào tạo, miễn giảm thuế, được vay vốn với lãi suất ưu đãi… Một số địa phương xuất hiện những mô hình dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật thực sự mang lại hiệu quả, được chia sẻ để làm mô hình nhân rộng tại các địa phương trên cả nước.

Cụ thể, mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm của Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh). Mặc dù mới đi vào hoạt động từ tháng 1/2010, nhưng Trung tâm đã tổ chức được một số lớp dạy nghề làm hoa lụa, kết chổi đót, mây tre đan xuất khẩu, làm nấm rơm… Trong tổng số 172 hội viên được học nghề tại Trung tâm có 140 hội viên đã có việc làm, thu nhập ổn định, từng bước tự trang trải được một phần nhu cầu của bản thân. Một số hội viên đã thành công với mô hình vườn - ao - chuồng - rừng (VACR), làm trang trại, mạnh dạn vay vốn ưu đãi để đầu tư, bước đầu giúp không ít gia đình hội viên thoát nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống, vươn lên khá giả. Bản thân họ cũng thoát khỏi sự mặc cảm, tự ti.

Tại tỉnh Bình Dương hiện có khoảng 10.000 người khuyết tật và hơn 6.000 người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng. Trong 20 năm qua, Hội Bảo trợ Người khuyết tật - Trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo của tỉnh đã phối hợp tổ chức dạy nghề cho 3.074 lượt người  khuyết tật. Nổi bật nhất, trong năm 2012, Doanh nghiệp tư nhân may Quốc Tế đã tài trợ và dạy nghề làm dụng cụ y tế “ống nong động mạch xuất khẩu” cho 25 người khuyết tật. Sau khi học nghề, người khuyết tật đã tự làm ra sản phẩm với mức thu nhập từ 3 triệu đồng/người/tháng. 

 

Trung tâm Chắp Cánh (TP. Hồ Chí Minh), nơi thu hút và tạo nhiều công ăn 
việc làm cho n
gười khuyết tật  (ảnh: thanhnienviet.vn)

Còn tại tỉnh Bình Định, hiện có hơn 52.000 người khuyết tật. Ngày 18/11/2013, Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Bình Định với tổ chức Development Alternative Inc (DAI) và Hội trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH) về Chương trình toàn diện và tích hợp trợ giúp người khuyết tật Bình Định, đã được ký kết. Chương trình sẽ mở thêm một số trung tâm phục hồi chức năng tại khu dân cư, nơi có nhiều người khuyết tật sinh sống để họ dễ dàng đến tập luyện và được hướng dẫn để tự luyện tập tại nhà; hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật bằng cách tạo việc làm, tạo điều kiện tiếp cận trong học nghề và hỗ trợ nguồn vốn để hộ gia đình có người khuyết tật cải thiện kinh tế gia đình; hỗ trợ trẻ khuyết tật đến trường, nâng cao năng lực cho hệ thống giáo dục đặc biệt và giáo dục hòa nhập; hỗ trợ các hoạt động thúc đẩy chính sách cho người khuyết tật.

Tỉnh Thanh Hóa cũng có mô hình hay do Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi xây dựng, mở được nhiều lớp dạy nghề tại các địa phương. Điển hình là lớp dạy nghề làm nón lá truyền thống ở xã Trường Sơn, huyện Nông Cống có 25 phụ nữ khuyết tật tham gia. Sau học nghề, hầu hết chị em có việc làm ổn định với mức thu nhập 50.000 đồng/người/ngày; có việc làm, thêm thu nhập, chị em khuyết tật hăng say lao động sản xuất và tự tin hơn trong cuộc sống. Còn ở xã Hải Nhân, huyện Tĩnh Gia, Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh tiếp tục đầu tư dự án dạy nghề làm chổi đót truyền thống cho 25 phụ nữ khuyết tật. Sau học nghề, học viên có việc làm tại gia đình và tại các cơ sở sản xuất, thu nhập ổn định hơn 70.000 đồng/người/ngày.

Có thể thấy, tuy việc dạy nghề cho người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn, song nếu được các cấp, các ngành và cá nhân quan tâm giúp đỡ bằng vật chất cũng như tinh thần nhằm góp phần giúp họ cải thiện cuộc sống, tạo điều kiện cho người khuyết tật vượt qua nỗi bất hạnh để vững bước hòa nhập cộng đồng thì họ có thể thực hiện ước mơ, được sống, được làm việc và cống hiến như mọi người bình thường khác./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực